Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cha" của trăm con

10:05, 16/05/2016

Đêm xuống, rừng Mã Đà lạnh buốt, mấy chục người "con" của ông Nguyễn Văn Thu (Trưởng ban Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nằm chen nhau dưới sàn nhà ngủ khì.

Đêm xuống, rừng Mã Đà lạnh buốt, mấy chục người “con” của ông Nguyễn Văn Thu (Trưởng ban Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nằm chen nhau dưới sàn nhà ngủ khì. Nơi làng bè Suối Tượng, khu C3 và những chòm nhà trước vạt rừng (ấp 4, xã Mã Đà), bà con Việt kiều Campuchia cũng đã yên giấc trên những chiếc bè tròng trành. Riêng ông Thu vẫn chưa ngủ, mãi trằn trọc vì ngày mai các con của ông phải về TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa.

Dù bận bịu vườn rẫy, nhưng khi người dân cần là ông Nguyễn Văn Thu có mặt.
Dù bận bịu vườn rẫy, nhưng khi người dân cần là ông Nguyễn Văn Thu có mặt.

Ông Thu quê tỉnh An Giang. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia, ông Thu xách ba lô về Mã Đà tìm nơi mưu sinh và bám chặt vùng đất này cho đến nay. Vợ chồng ông Thu thật ra chỉ có 3 người con ruột, riêng con nuôi của ông có trên 150 người, mà người nào cũng là sinh viên đại học, cao đẳng hết.

* Sống tình nghĩa

Ngôi nhà sàn ọp ẹp của ông Thu năm xưa giờ đã được thay bằng ngôi nhà xây kiểu Thái. Thật ra, ông Thu không có nhiều tiền xây nhà sang trọng như vậy để hưởng thụ cuộc sống, mà vì các bạn trẻ ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa hay kéo nhau về Mã Đà làm từ thiện, nhưng ngôi nhà sàn của ông quá ọp ẹp, không đủ chỗ cho họ ngủ nghỉ. Ban đầu được địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà (ông Thu là thương binh hạng 3/4), ông Thu dự tính xây căn nhà cấp 4 đơn giản để ở. Nhưng vì mấy người con ruột động viên, ông Thu táo bạo bán 1 hécta tràm xây luôn căn nhà kiểu Thái rộng hơn 100m2, với 2 nhà vệ sinh, 2 nhà tắm… trị giá trên 300 triệu đồng. Nhà ông Thu thuộc loại sang trong ấp 4, xã Mã Đà. Tuy vậy, vợ chồng ông Thu vẫn vất vả lo chuyện vườn rẫy hàng ngày vì không muốn đám con nuôi, con ruột lo cho mình.

Ông Nguyễn Văn Thu hiện giữ nhiệm vụ Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà. Ông Thu cho hay, UBND xã nhiều lần đòi rút ông lên xã giao cho chức vụ khác, nhưng ông không nhận. Ông nghĩ, làm mặt trận ông lo được nhiều việc cho dân nghèo, giám sát việc làm của chính quyền, cán bộ ấp để mọi người dốc tâm, dốc sức và công tâm làm việc cho dân như Bác Hồ dạy. “Đàn con của tui cháu nào cũng ngoan, sống nghĩa khí. Vì vậy, bà con ở Mã Đà ai cũng quý, cũng mong các cháu về” - ông Thu bộc bạch.

Ông Thu kể, ngày mới về Mã Đà gia cảnh của ông lâm ly lắm. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông về quê cắt lúa, vác lúa mướn kiếm sống và nuôi con. Đến năm 1993, ông Thu một mình vác ba lô ngược lên vùng rừng thiêng, nước độc Mã Đà kiếm tìm tương lai. Thấy cái nhà hoang của dân làm rừng còn lành lặn, ông mượn làm nơi để đón vợ con đến ở cùng.

Năm 1993, cuộc sống người dân Mã Đà còn thiếu thốn nhiều, bệnh tật cũng lắm, ông Thu nhận nhiệm vụ phụ trách y tế ấp (vì ông từng làm y sĩ quân đội) để chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Dù cuộc sống thiếu trước hụt sau, ông Thu vẫn xách túi y tế đi khắp vùng Suối Tượng, khu C3… cấp thuốc chống sốt, đỡ đẻ, vận động mọi người thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Ông Thu chậm rãi tỏ bày, nếu chỉ biết đến tiền thì nghề thuốc của vợ chồng ông (vợ ông Thu từng làm y sĩ Bệnh viện huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sớm làm giàu ở đất Mã Đà từ thuở mới về, chứ không phải trông chờ vào sự may rủi qua những vụ mì, xoài hoặc lưới cá mỗi đêm.

Tính ông Thu là vậy, tiền không chân chính, lấy từ sự khó nghèo của người dân để làm giàu tạo sự sung sướng cho mình thì ông không màng, cứ công tâm mà làm. Trạm y tế xã giao cho ông bao nhiêu thuốc, ông cấp đúng, đủ cho dân nghèo. Dân cần thuốc tốt hơn thì ông đón xe đi TP.Biên Hòa mua thuốc về chữa trị cho họ với giá vừa đủ tiền xe. Người nghèo không có tiền trả thì ông cho họ luôn. Ông Thu nghĩ, ông bị lỗ vốn không sao, chứ người bệnh thiếu thuốc, bệnh sẽ trở nặng và chết thì ông thất đức, có lỗi với người ta.

* Những người con của ông Thu

Vùng đất ấp 4, xã Mã Đà bấy lâu nay luôn yên ắng, ít người lạ ra vào. Năm 2011, các bạn trẻ từ các trường đại học, cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa bắt đầu đặt chân đến thực tập, triển khai chiến dịch tình nguyện, từ thiện… Ngôi nhà sàn bằng gỗ của ông Thu từ đó cũng bắt đầu chộn rộn.

Ông Thu kể, mỗi lần sinh viên về ấp, địa phương giao hết cho ông phụ trách. Thấy các bạn trẻ dễ thương, nhiệt huyết giống mình lúc còn trẻ, ông Thu đưa hết về nhà mình lo nơi ăn, chốn ở và dẫn họ đi tìm hiểu tình hình đời sống người dân địa phương. Thấy ông Thu dễ gần, nhiệt tình, chu đáo nên sinh viên ngỏ lời nhận ông làm cha nuôi. Lúc ấy, ông Thu gật đầu và nói: “Tụi bây gọi sao tía nghe vậy. Khi về lại trường tụi bây nhớ tía thì cứ về thăm, ở bao lâu cũng được”.

Ông Thu nói vậy vì phần thương các bạn trẻ xa gia đình cần người bảo ban, che chở, phần vì ông muốn các bạn trẻ về TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa học tập thật tốt và tiếp tục quay lại Mã Đà giúp dân nghèo. “Hai tiếng “tía Thu” tụi nhỏ gọi nghe dễ thương và tình cảm, nên tui thích lắm” - ông Thu tâm sự.

Chiếc bè nổi của vợ chồng ông Hồ Văn Đáo do các con nuôi của ông Nguyễn Văn Thu tài trợ.
Chiếc bè nổi của vợ chồng ông Hồ Văn Đáo do các con nuôi của ông Nguyễn Văn Thu tài trợ.

Trên 150 người con nuôi của ông Thu thật giỏi giang, hiếu nghĩa. Sau khi kết thúc chuyến thực tập, tình nguyện họ vẫn thường xuyên chạy xe máy về thăm ông. Mỗi lần về thăm ông Thu, họ đều có quà tặng trẻ em và người nghèo làng bè. Khi ông Thu phát hiện trong ấp, xã có hộ nào khó khăn đột xuất, như: cháy nhà, bệnh tật… liền điện thoại báo ngay cho các con nuôi để họ vận động tiền, quà từ các nhà hảo tâm ở TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa đem về giúp đỡ.

Ông Thu cho hay, dù nửa đêm khuya khoắt, nghe điện thoại của ông gọi báo tin ai đó cần giúp đỡ, các con của ông lập tức lên đường về Mã Đà cùng ông tìm hướng hỗ trợ. “Tụi nó thật sự làm tui nở mày nở mặt với bà con ở đây” - ông Thu nói.

Ông Thu điểm lại những việc các con nuôi của ông lo cho dân nghèo trong ấp từ năm 2011 đến nay, như: công trình phòng học, giếng khoan, máy phát điện, bể chứa nước tại điểm trường tiểu học C3 và mầm non ấp 3 (trị giá 575 triệu đồng); 6 căn nhà tình thương trên đất liền và 3 bè nổi trị giá 200 triệu đồng; quà cho dân và học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo trong ấp mỗi năm trên 400 triệu đồng…

Theo ông Thu, tiền, quà mà các con nuôi của ông đã quyên góp được từ TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa đem về tặng cho bà con ấp 4 và xã Mã Đà tính sơ sơ cũng gần 1 tỷ đồng/năm. “Tui làm cầu nối giữa các con với các nhà từ thiện cũng có mệt một tí, nhưng vui lắm. Có lần tụi nhỏ xin được số tiền lớn về cho ấp, xã, tụi nó bắt tui phải lên ký nhận thì nhà từ thiện mới tin. Vậy là tui lấy xe máy chạy một mạch lên TP.Hồ Chí Minh ký nhận. Dịp đó, tía con gặp nhau ở TP.Hồ Chí Minh vui ơi là vui” - ông Thu kể.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều