Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi xem đê lấn biển

11:11, 25/11/2016

Ngày nay, đất nước Hà Lan nổi tiếng không chỉ trong công trình trị thủy xây dựng đê lấn biển mà còn biến nơi này thành điểm du lịch "hái ra tiền".

Ngày nay, đất nước Hà Lan nổi tiếng không chỉ trong công trình trị thủy xây dựng đê lấn biển mà còn biến nơi này thành điểm du lịch “hái ra tiền”. Làng Volendam nằm cách Amstesdam khoảng 22km về phía Bắc chính là bằng chứng sống về hiệu quả mô hình xây đê lấn biển của người Hà Lan.

Đê lấn biển ở Volendam.
Đê lấn biển ở Volendam.

Ở khu vực châu Âu, Hà Lan được mệnh danh là “vùng đất thấp” bởi hơn 60% diện tích đất nằm dưới mực nước biển. Lịch sử của Hà Lan là những cuộc chiến chống thiên tai với hàng ngàn trận lụt do nước biển dâng khiến làng mạc, đô thị bị ngập trong nước hoặc bị nước cuốn trôi, cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, tài sản của người dân. Để sinh tồn, từ hàng ngàn năm qua người Hà Lan đã bắt đầu xây dựng những tuyến đê (tiếng Hà Lan gọi là dam) để ngăn nước biển và tạo nên những vùng đất để người dân sinh sống, trồng trọt. Volendam cũng hình thành theo phương thức này.

Bài ca mở đất

Khu bến thuyền ở Volendam.
Khu bến thuyền ở Volendam.

Xa xưa, Volendam là vùng đầm lầy ven biển. Những trận lũ lụt hàng năm tuy gây thiệt hại nhưng cũng mang phù sa bồi đắp khiến nơi này dần dần trở thành vùng đất có thể trồng trọt và thu hút người dân đến khai khẩn và canh tác. Một cộng đồng dân cư mới hình thành khoảng thế kỷ 14. Cư dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển và làm nông. Do thường xuyên bị lũ lụt nên nơi đây cũng dần hình thành hệ thống đê điều theo kiểu truyền thống, tức là đắp đê cao để ngăn nước. Volendam có nghĩa là “lấp đầy con đê”.

Những con đê đầu tiên được xây dựng cao khoảng 1-2m tuy giúp tránh được tình trạng ngập lụt hàng năm nhưng cũng biến Volendam thành “ốc đảo” chật chội, không thể đáp ứng nhu cầu đất đai để ở và canh tác do dân số ngày càng tăng lên. Hà Lan có câu ngạn ngữ: “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan” nhằm minh họa cuộc đấu tranh cải tạo thiên nhiên. Để mở rộng đất đai, các tuyến đê bắt đầu được thay đổi chức năng. Thay vì nâng cao đê cũ, người Hà Lan xây dựng đê mới Afsluitdijk ngăn biển với hồ Ijmeer, tạo ra những chỗ trống cho nước dâng tự nhiên. Những khoảng trống này rất quan trọng, vừa làm giảm sức mạnh của dòng nước dẫn đến giảm bớt thiệt hại do lũ lụt, vừa có thể lợi dụng lớp trầm tích bồi lắng lâu ngày ở khoảng trống này để cải tạo thành đất đai. Theo cách làm này, nhiều vùng đất mới đã hình thành, người dân bắt đầu sinh sôi nảy nở ở những vùng đất mới. Đó chính là cách “người Hà Lan làm ra đất”.

Phương pháp đắp đê của người Hà Lan cũng thay đổi qua nhiều thế kỷ. Trước đây, đê được đắp bằng đất và rong biển, mặt thân đê đóng bằng gỗ và đổ đất lèn chặt, trở thành một lớp đệm có khả năng chịu tác động của sóng biển, sau đó gia cố thêm đất, đá để làm vững thân đê. Đến nay quy trình đắp đê có nhiều cải tiến: đá được dùng thay cho cọc gỗ; cát, đất sét và các lớp nhựa đường thay thế cho rong biển, trồng cỏ ở bờ đê và ven chân đê để giữ cho đất khỏi rửa trôi, đồng thời tận dụng để chăn nuôi. Nhờ vậy, thân đê được bảo vệ một cách tự nhiên và bền vững.

Ở Volendam lúc nào cũng có hải sản sẵn sàng phục vụ du khách.
Ở Volendam lúc nào cũng có hải sản sẵn sàng phục vụ du khách.

Ngày nay, đứng trên mặt đê ở Volendam nhìn ra phía biển Bắc của Đại Tây Dương xa tít tắp đang vỗ sóng vào những khoảng trống do đê mới tạo nên, rồi quay lại nhìn về khu dân cư cũ có thể nhìn thấy mực nước biển cao hơn khu đất liền đến khoảng 3-5m, mới cảm nhận được hết sự sáng tạo và tinh thần dũng cảm đấu tranh chống thiên nhiên đầy tự hào của người Hà Lan.

Đậm bản sắc văn hóa

Volendam không chỉ thu hút vì công trình đê lấn biển hùng vĩ, mà còn níu chân du khách bởi giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc của ngôi làng cổ cách đây hàng trăm năm. Đường phố nơi đây nho nhỏ nhưng rất sạch sẽ, uốn lượn cao thấp một cách duyên dáng qua các khu dân cư. Cả ngôi làng như một bức tranh đầy màu sắc với những ngôi nhà gỗ thiết kế theo lối truyền thống, nhất là khu phố cũ Doolhof quanh co như một ma trận vui mắt. Người Volendam thể hiện tình yêu thiên nhiên qua những khu vườn nhỏ trồng hoa. Hoa có mặt ở khắp nơi, từ những bệ cửa sổ, lan can, hiên nhà cho đến dọc đường phố.

Một khu phố sầm uất trên đê cũ.
Một khu phố sầm uất trên đê cũ.

Người Volendam ngày nay vẫn giữ nghề đánh bắt thủy hải sản với đội thuyền kiểu cổ hơn 240 chiếc. Buổi sáng, cảng cá nhộn nhịp cảnh mua bán, thanh bình như cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân Volendam hiện nay sống chủ yếu nhờ du lịch. Hầu hết nhà cổ đã trở thành những cửa hàng bán đồ lưu niệm đặc trưng của Hà Lan, như: guốc gỗ, búp bê, đồng hồ gỗ, tranh ảnh cắt trổ dán gỗ, trang phục truyền thống, phô mai… Đặc biệt, đến Volendam không thể không thưởng thức món đặc sản cá chình hun khói cùng các loại hải sản tươi ngon khác như cá tuyết, lươn, uống với bia tươi Hà Lan, vì thế các nhà hàng ở đây lúc nào cũng tấp nập du khách. Có điều, quà lưu niệm tại đây tuy đậm nét văn hóa địa phương, nhưng phần lớn “made in China”.

Volendam cũng có khu bến thuyền đẹp tuyệt vời, ngồi nơi đây vừa có thể hứng gió biển mát rượi ngắm những đoàn thuyền đánh cá, đồng thời nhìn được những ngôi nhà gỗ sơn màu xanh lá, mái ngói màu tro với chiếc ống khói, nằm chênh vênh nơi thân đê cũ. Anh hướng dẫn viên kiêm tài xế Willem, nhìn hao hao tài tử điện ảnh Bruce Willis của Mỹ, cho biết Volendam và khu vực bến thuyền đã thu hút nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới đến viếng thăm và vẽ tranh, trong đó có cả danh họa Picasso và Renoir. Bảo tàng Volendam hiện đang lưu giữ khoảng 4 ngàn bức tranh do hàng trăm họa sĩ vẽ về ngôi làng cổ này.

Volendam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhờ vào các tuyến đê biển và những giá trị văn hóa, lịch sử mà 22 ngàn cư dân nơi đây còn lưu giữ được.

Thanh Thúy

 
 

 

 

 

 

Tin xem nhiều