Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Cần cần mẫn

10:06, 14/06/2017

Sau ngày đất nước thống nhất, anh bộ đội Lâm Cảnh Cần (quê tỉnh Thanh Hóa) được biệt phái về Đồng Nai công tác. Trải qua nhiều chức vụ: Trưởng đài Truyền thanh huyện Thống Nhất; Chủ tịch rồi Bí thư các xã: Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3;...

Sau ngày đất nước thống nhất, anh bộ đội Lâm Cảnh Cần (quê tỉnh Thanh Hóa) được biệt phái về Đồng Nai công tác. Trải qua nhiều chức vụ: Trưởng đài Truyền thanh huyện Thống Nhất; Chủ tịch rồi Bí thư các xã: Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3; Trưởng ban Tôn giáo - dân tộc huyện, cựu chiến binh Cần (ngụ ấp Lạc Sơn, xã Gia Kiệm) chưa hề dính một chút tì vết, đồng thời nuôi dạy con cái nên người.

Cựu chiến binh Lâm Cảnh Cần.
Cựu chiến binh Lâm Cảnh Cần.

Để nuôi 5 con ăn học thành tài (3 cử nhân, 2 thạc sĩ), ông Cần sáng chỉn chu chủ trì hội họp, chiều áo quần phong phanh lao động vất vả ngoài rẫy. Mới đầu, người dân có chút thắc mắc, nghi ngờ, đến khi được giải thích rằng chức chủ tịch hay bí thư của ông được Đảng, Nhà nước giao để ông giúp dân chứ không được dùng vào việc vun vén lợi ích cho bản thân và gia đình thì mọi người mới thôi thắc mắc.

* Chân chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Thầy giáo về hưu Nguyễn Văn Tĩnh, Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Gia kiệm, cho hay đất Gia Kiệm không phải là đất học nhưng toàn xã vẫn có 40 gia đình học tập. Từ các gia đình này, địa phương đã có 20 thạc sĩ, trên 100 cử nhân. Để khuyến khích phong trào gia đình học tập, địa phương có nhiều chính sách khuyến học, khuyến tài, như: tuyên dương, tặng học bổng, hỗ trợ vốn vay...

Đất nước thống nhất, vợ chồng ông Cần vẫn còn chịu cảnh xa cách Bắc - Nam khi ông được đơn vị biệt phái về phụ trách công tác Văn phòng UBND xã Gia Kiệm và ấp Kinh Thượng.

Ông Cần kể, sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất Gia Kiệm dù im tiếng súng nhưng tình hình chính trị vẫn còn bất ổn bởi sự quấy rối của tàn quân chế độ cũ và bọn fulro. Vì vậy, mỗi khi ông đến gặp dân tuyên truyền, vận động luôn được cán bộ bảo vệ đi cùng.

Khi tình hình an ninh vùng đất Gia Kiệm ổn định, ông Cần được điều về huyện phụ trách Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất. Tiếp quản cơ sở vật chất nhà đài nghèo nàn, ông Cần huy động lực lượng xây dựng hệ thống truyền thanh để tuyên truyền. Khu vực nào không có hệ thống trụ điện để kéo dây, bố trí cụm loa thì ông cho lực lượng vào rừng chặt cây về dựng trụ. Khi Đài Truyền thanh huyện đều đặn phát đi những bản tin của huyện và tiếp sóng đài tỉnh, Trung ương vào các buổi: sáng, trưa và chiều mỗi ngày, thì ông Cần được điều động về làm Chủ tịch, rồi Bí thư xã Quang Trung.

Ông Cần tâm sự, thời kỳ đó làm chủ tịch, bí thư cấp xã oai đâu chẳng thấy, chỉ thấy ăn cơm độn nhiều khoai hơn dân thường. Hết công việc ủy ban, ông lo về nhà tăng gia sản xuất để vợ con khỏi đói.

Thấy Bí thư xã Cần quyền uy nhưng nhà chỉ có 4 sào đất, cán bộ cấp trên, cấp dưới đề xuất cấp thêm cho ông vài hécta nữa, nhưng ông từ chối. Biết tính ông Cần liêm chính, bạn bè, đồng nghiệp thôi không đề cập đến chuyện “tư lợi, tư hữu” nữa mà để ông tự bảo bọc lấy gia đình nhỏ theo ý của mình.

Mặc cho ai đó hiểu sai về mình, ông Cần vẫn giữ bản chất chuyên chính vô sản của người lính Cụ Hồ. Lương ba cọc ba đồng, vợ chồng ông tranh thủ nuôi thêm con heo, mượn rẫy trồng bắp, mì để sống. Dù nắm quyền chi tiêu tiền ngân sách, tiền tập thể ông chưa bao giờ làm thất thoát hoặc chi cho cá nhân hoặc chuyện gia đình mình một đồng. Vì lẽ đó, cán bộ, đảng viên và giáo dân các xã: Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 rất quý ông.

* Gia đình hạnh phúc

Với 4 sào đất trồng hoa màu, ông Cần chuyển đổi thành mảnh vườn cà phê xanh tốt sau vài vụ bắp trúng mùa. Nhờ cà phê được giá và mấy con heo vợ khéo chăm, ông Cần có điều kiện mua thêm 1 hécta đất. Chăm chỉ làm việc, lao động cần cù không ngại vất vả, ngày qua ngày ông Bí thư xã lặng thầm nuôi 5 con vào đại học.

Mỗi lần con trúng tuyển đại học, ông Cần lại khăn gói đến TP.Hồ Chí Minh tìm nhà trọ cho con ở. Tiền chu cấp hàng tháng cho các con, ông chỉ lo được một phần nhỏ, phần còn lại ông quy ra gạo, thức ăn (cá khô, bầu bí... trồng trong vườn hoặc mua tại nhà) mang lên cho con. “Các cháu Liên, Thanh, Hạnh ra trường thì đến Phúc, Hùng nhập học, vợ chồng tôi mừng bao nhiêu thì  lo cũng bấy nhiêu” - ông Cần bộc bạch.

Bà Luân, vợ ông Cần, kể ngày anh Hạnh (đang làm bác sĩ) báo tin được học bổng kèm theo lời nhắn gửi: “Từ nay, bố mẹ không phải lo tiền cho con học nữa”, vợ chồng bà vui như trúng vụ cà phê. Bởi đồng lương mất sức của bà cộng với lương cán bộ xã, huyện của ông Cần và nguồn thu nhập từ 1,5 hécta cà phê, dù ông bà gói ghém giỏi đến mấy cũng có lúc thâm hụt.

Niềm vui của anh Hạnh còn đó thì bà Luân, ông Cần nhận thêm được tin mừng chị Phúc nhận được học bổng toàn phần du học ở Nhật. Anh Hùng thì khoe với cha mẹ lần đầu tiên trong đời anh có trong tay 1 triệu đồng vì được nhận học bổng. “Thật ra, học bổng nó nhận được chỉ có 950 ngàn đồng/tháng, nhưng cô giáo đưa thêm 50 ngàn đồng nữa để mỗi tháng nó được nhận đúng 1 triệu đồng, nhằm khoe với bố mẹ” - ông Cần nói.

Chức bí thư, chủ tịch xã, trưởng phòng cấp huyện của ông Cần, lương không bằng nguồn thu nhập từ 1,5 hécta cà phê và sự khéo tay chăn nuôi của bà Luân. Bù lại, tiếng thơm khéo nuôi dạy con và sự chuẩn mực của ông trong công tác được bà Luân sánh ngang với sự giỏi giang của 5 người con. Do đó khi vợ chồng bám rẫy đến tối mịt mới về nhà, bà Luân hay tỉ tê với chồng rằng bà không hối hận khi ông bỏ bà biền biệt chục năm trời để làm một người lính Cụ Hồ đúng nghĩa.

Trời tháng 6 lúc nắng lúc mưa, cựu chiến binh Cần vẫn miệt mài bám rẫy cho dù các con đã thành tài và có cuộc sống sung túc. Hỏi ông Cần nay cố gắng chi nữa khi con cháu đề huề, ông già 44 năm tuổi Đảng cười sảng khoái bày tỏ ông lao động để duy trì sức khỏe. Cũng vì ham vườn rẫy đến mức xã, huyện cho đi an dưỡng theo chế độ thương binh hàng năm mà ông từ chối.

“Tôi vẫn khỏe mạnh thì đi an dưỡng làm gì cho tốn tiền ngân sách. Hơn nữa, 1,5 hécta rẫy gia đình đang cần người chăm, vợ chồng già cần bên nhau chia sẻ nên tôi không thể đi chơi một mình được” - ông Cần thổ lộ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều