Báo Đồng Nai điện tử
En

Trưởng ấp được dân quý dân thương

07:12, 21/12/2017

Năm 2004, khu Xuân Thanh (thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh cũ) trở thành đơn vị hành chính xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh hiện nay) thì ông Nguyễn Đức Lịch được bầu làm Trưởng ấp Bàu Trâm. 13 năm liên tục giữ nhiệm vụ Trưởng ấp kiêm Phó bí thư Chi bộ ấp Bàu Trâm, ông Lịch đã làm được nhiều điều có lợi cho dân, cho ấp.

Năm 2004, khu Xuân Thanh (thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh cũ) trở thành đơn vị hành chính xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh hiện nay) thì ông Nguyễn Đức Lịch được bầu làm Trưởng ấp Bàu Trâm. 13 năm liên tục giữ nhiệm vụ Trưởng ấp kiêm Phó bí thư Chi bộ ấp Bàu Trâm, ông Lịch đã làm được nhiều điều có lợi cho dân, cho ấp.

Trưởng ấp Nguyễn Đức Lịch (trái) và Bí thư Chi bộ ấp Bàu Trâm Đỗ Văn Long lúc nào cũng bên nhau lo chuyện ấp, chuyện dân.
Trưởng ấp Nguyễn Đức Lịch (trái) và Bí thư Chi bộ ấp Bàu Trâm Đỗ Văn Long lúc nào cũng bên nhau lo chuyện ấp, chuyện dân.

Lo việc ấp nhiều hơn việc nhà, ông Lịch vẫn cho rằng điều ông nhận được toàn là niềm vui. “Càng gặp chuyện khó khăn, tôi càng quyết tâm làm cho bằng được. Do đó, tôi không có thời gian để buồn trách ai. Khi sự việc được giải quyết đâu vào đấy, tôi càng thấy vui và chuyển sang việc khác mà người dân đang cần” - ông Lịch bộc bạch.

* Mở đường, kéo điện

Ngày ấp Bàu Trâm mới thành lập, đường đi lại trong ấp vẫn còn là những tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy”. Trưởng ấp Lịch bắt đầu vận động dân trong ấp góp công, hiến đất, cây trồng… để mở mang những con đường mòn, đường rẫy rộng đến 4-5m. Riêng những con đường lầy lội, lởm chởm đất đá thì tiến hành san lấp, dặm vá cho bằng phẳng, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bàu Trâm, chẳng phải đắn đo nhiều khi giới thiệu với chúng tôi về Trưởng ấp Bàu Trâm Nguyễn Đức Lịch. Ông Tuấn cho hay Trưởng ấp Lịch xứng đáng để viết báo biểu dương; bởi ông và tập thể cán bộ, đảng viên ấp Bàu Trâm có công rất lớn cùng xã gây dựng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, rồi nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Lịch kể tuyến đường liên xã đi qua ấp Bàu Trâm là tuyến dường đầu tiên ông vận động dân trong ấp thực hiện sửa chữa, nâng cấp theo hình thức “địa phương và nhân dân cùng làm”.

Năm đó, xã Bàu Trâm hỗ trợ ấp về phương tiện cơ giới, đất, đá. Người dân sinh sống 2 bên tuyến đường thì hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc để mở rộng đường. Đường làm xong rộng rãi, mọi người hớn hở thụ hưởng thành quả và ông Lịch cảm động vô cùng khi nghe người dân bày tỏ tình cảm.

Sẵn tình cảm người dân dâng cao, ông Lịch cùng Ban điều hành ấp, chi hội, đoàn thể, tổ nhân dân vận động người dân trong ấp Bàu Trâm mở đường dọc, đường ngang. Đường tổ, xóm “nắng bụi, mưa lầy” đi lại khó khăn thì mọi người góp công, góp tiền mua đất, đá san lấp cho phẳng để đi êm chân, êm bánh xe. Còn đường rẫy vườn bấy lâu nay chỉ vừa bánh xe máy, xe đạp đi qua thì người dân rộng lòng hiến ít đất, chặt cây cối 2 bên đường để máy cày, máy kéo đi lọt qua, bớt đi đường vòng, giảm chi phí xăng dầu.

Trước sự hô hào nhiệt tình và xốc vác ra quân của ông Lịch cùng Ban điều hành ấp, chi hội, đoàn thể và các tổ trưởng nhân dân, người dân ấp Bàu Trâm càng cảm nhận được sự bất tiện khi phải đi trên những con đường gồ ghề, lởm chởm đá hoặc lầy lội, nên ông Lịch và ấp, tổ hô hào tới đâu người dân lại tụ họp nhau bàn cách mở rộng, nâng cấp đường tới đó.

Trước vấn đề điện chỉ có ở trục đường chính (chỉ đạt 30% số hộ trong ấp có điện sinh hoạt), ông Lịch và các đảng viên trong chi bộ, Ban điều hành ấp vận động dân ấp ở những khu vực thuận tiện xây dựng các tổ điện để hợp đồng với ngành điện lực kéo điện hạ thế về sinh hoạt, tưới cây. Sau khi tổ điện ở tổ nhân dân số 6 ra đời, liền sau đó tổ điện ở các tổ nhân dân số: 8, 4, 3, 10... ký hợp đồng với ngành điện lực hẹn ngày kéo điện về.

Chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi ông Lịch làm Trưởng ấp Bàu Trâm, toàn ấp có tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 70%, số đường đất được cứng hóa và sửa chữa, mở rộng đạt gần 80%. Đến nay, toàn ấp Bàu Trâm có 100% hộ dân có điện sinh hoạt và sản xuất; 24/36 tuyến đường tổ, xóm được tráng nhựa hoặc xi măng.

Người dân mừng vui tin đón nhận sự đổi thay của ấp, ông Lịch và các đảng viên, cán bộ ấp, chi hội, đoàn thể và tổ trưởng nhân dân thì tự hào làm được nhiều điều mà người dân kỳ vọng, chính quyền địa phương gửi gắm.

* Dân quý, dân thương

Thấy Trưởng ấp Lịch đang đậu xe bên đường nhìn nông dân thu hoạch lúa mùa, bà Lệ (người dân ấp Bàu Trâm) dừng xe lại chào. Khổ nỗi, bà Lệ đeo khẩu trang kín mặt nên ông Lịch phải trao đổi vài câu mới nhận ra bà.

Ông Nguyễn Đức Lịch thăm hỏi những hộ dân trồng nấm trong ấp.
Ông Nguyễn Đức Lịch thăm hỏi những hộ dân trồng nấm trong ấp.

Bà Lệ vờ trách Trưởng ấp Lịch: “Chỉ cần nghe tiếng xe máy và dáng bác thoáng qua là dân ấp Bàu Trâm nhận ra bác ngay. Chỉ có bác quên dân ấp Bàu Trâm bọn này thôi”.

Biết bà Lệ nói đùa, ông Lịch vẫn lịch thiệp nói lời xin lỗi. Chờ cho bà Lệ chạy xe đi một đoạn xa, ông Lịch mới cho biết dân trong ấp Bàu Trâm già, trẻ đều biết ông. Ngược lại, ông cũng biết mặt, biết tên chí ít cũng 60% trong hơn 700 hộ dân của ấp sau 13 năm làm Trưởng ấp. Đó là nhờ ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với dân qua các việc của ấp, như: làm đường, xóa đói giảm nghèo, hòa giải..., nên ông nhớ đường vào nhà từng hộ dân, họ là dân địa phương hay dân nhập cư từ 3 miền: Bắc - Trung - Nam về ấp Bàu Trâm trước hay sau ông.

Người dân ấp Bàu Trâm quý mến ông Lịch không chỉ vì ông sống trách nhiệm, nhiệt huyết, gần gũi và tận tình với họ, mà họ nhìn thấy ở ông có sự hy sinh rất lớn của người cán bộ, đảng viên luôn lấy việc xã hội, việc ấp lên hàng đầu. Bởi, 80% dân ấp Bàu Trâm làm nông nghiệp nên việc ruộng vườn phải tranh thủ lúc mùa vụ, sáng sớm vun xới, bón phân, làm cỏ, trong khi ông Lịch phải làm việc của ấp, của người dân xong thì đến buổi trưa cháy lưng hoặc chiều tà mới có thời gian lo ruộng rẫy của gia đình.

Việc nhà gần như ông Lịch phó thác hết cho bà Bích, vợ ông. Nhà chỉ có 4 sào đất rẫy, 2 sào đất ruộng, không đáng là bao so với nông dân trong ấp nhưng bà Bích vẫn đồng ý cho chồng bán ruộng vì vợ chồng không có thời gian chăm ruộng hay tập trung vào chăn nuôi, chăm vườn, trồng nấm. Trong khi đó, chuyện ấp, chuyện xã mà người dân cần, địa phương gọi là ông Lịch có mặt ngay. Chưa kể chuyện của tập thể, dân bàn nhiều ngày chưa xong, ông Lịch nóng ruột lỡ lời góp tiếng liền bị dân phản ứng rằng ông lấy quyền Trưởng ấp áp đặt. Vậy mà, ông Lịch vẫn tỏ ra vui vẻ, nhận thiếu sót, kiên trì đợi dân thống nhất xong thì mới nhẹ lòng.

Bởi vậy, khi chúng tôi hỏi: “Có bao giờ chuyện ấp làm ông nản lòng chưa?” - ông Lịch chẳng cần đắn đo suy tính mà trả lời: “Chưa, tôi toàn thấy niềm vui. Chuyện càng rắc rối mà gỡ được thì tôi càng vui hơn”.

Trưởng ấp Bàu Trâm Nguyễn Đức Lịch như vậy nên người dân không quý, không thương sao được.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều