Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng Chơro của già Long

08:08, 16/08/2018

Ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt của ấp Hàng Gòn nói chung và của làng dân tộc Chơro trong ấp đều khang trang, sạch đẹp với những tuyến đường láng xi măng ngang dọc, nhiều ngôi nhà mới xây to, đẹp...

Ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt của ấp Hàng Gòn nói chung và của làng dân tộc Chơro trong ấp đều khang trang, sạch đẹp với những tuyến đường láng xi măng ngang dọc, nhiều ngôi nhà mới xây to, đẹp...

Già làng Nguyễn Văn Long (phải) cùng người dân làng dân tộc Chơro treo cờ Tổ quốc trên những tuyến đường mới.
Già làng Nguyễn Văn Long (phải) cùng người dân làng dân tộc Chơro treo cờ Tổ quốc trên những tuyến đường mới.

Già làng Nguyễn Văn Long (70 tuổi) cho biết ấp Hàng Gòn của già hiện có hơn 200 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số, đa số là người Chơro, Cơ ho, S’tiêng. Nhà cửa, kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số chẳng thua kém gì người Kinh sinh sống trên địa bàn ấp.

* Những năm tháng khốn khó

Gần 60 năm bám làng, hơn ai hết già Long cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của vùng đất Hàng Gòn cũng như đời sống của người Chơro, S’tiêng, K’ho nơi đây, vốn có nguồn gốc, xuất xứ từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1956, có khoảng 70 hộ dân Chơro, S’tiêng, Cơ ho ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thực dân Pháp bắt phải dời làng về ấp Hàng Gòn định cư làm công nhân cao su cho Đồn điền cao su Hàng Gòn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, cán bộ phụ trách tôn giáo, dân tộc xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) cho biết để xã Hàng Gòn sớm đạt chuẩn nông thôn mới cũng nhờ có sự góp sức quan trọng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng dân tộc Chơro, trong đó đứng đầu là già Long trong tuyên truyền cho bà con hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động bà con chung sức để cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đã đề ra.

Lúc đó, cậu bé Chơro Thổ Nhọt (tên của già Long lúc nhỏ), con ông Thổ Biền mới 8 tuổi. Thấy cậu bé Thổ Nhọt lanh lợi, thông minh, người em rể của ông Thổ Biền là ông Nguyễn Văn Thành (công nhân cao su cho Đồn điền cao su Hàng Gòn) nhận về làm con nuôi để cho ăn học và cậu bé Thổ Nhọt có tên trong giấy tờ Nguyễn Văn Long từ đó.

Bị dồn dân về ấp Hàng Gòn, người Chơro, S’tiêng, Cơ ho sống tách biệt nhau theo cộng đồng của mình vì họ không tin nhau, sợ người dân tộc khác dùng bùa ngải hại mình. Lúc đó, đồng bào Chơro của già Long ở phía Đông khu vực suối Đá, số thì vào làm phu cao su cho Pháp, số khác làm rẫy sinh sống. “Làm rẫy được tự do hơn nhưng năm nào đồng bào cũng bị đói giáp hạt từ 4-6 tháng, phải vào rừng đào củ chụp, củ mài để ăn. Còn làm phu cao su cho Pháp thì cuộc sống ổn định hơn nhưng đồng bào hay bị quản lý người Pháp la mắng, đuổi việc” - già Long kể.

Thấy bà Thị Sẩm (con gái của một người Chơro nơi khu vực suối Đá) xinh đẹp, ông Thành liền cưới cho già Long làm vợ khi già Long mới 16 tuổi. Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Long lúc đó phải bỏ học, sớm vất vả mưu sinh nuôi 5 con nhỏ nên già trước tuổi. Hằng ngày, già Long phải đi rừng làm rẫy. Trong một lần đi làm rẫy, già Long giẫm phải mìn bị mất bàn chân phải và cà thọt cho đến nay. “Dù bị khuyết tật nhưng tôi vẫn khỏe lắm, vẫn phát được nhiều rẫy để trồng lúa, trồng hoa màu cho vợ con bớt bị đói giáp hạt” - già Long tâm sự.

Đất nước thống nhất, Đồn điền cao su Hàng Gòn được cách mạng tiếp quản và khu định cư của già Long cũng không còn tiếng súng, tiếng bom. Đặc biệt, đồng bào Chơro, S’tiêng, K’ho, Hoa, Nùng... được cán bộ cách mạng giải thích để hiểu nhau hơn, không còn nghi kỵ lẫn nhau, sống chan hòa, đoàn kết, cùng nhau khai hoang, phục hóa đất để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, song hành cùng chính quyền kiến thiết lại địa phương.

* Đổi thay từng ngày

Già Long kể lại, sau năm 1975 đồng bào Chơro, S’tiêng, Cơ ho, Hoa, Nùng... bắt đầu trồng cây cà phê trên những rẫy lúa, hoa màu và hằng ngày chăm chút vườn rẫy nhằm có thật nhiều lúa, bắp, đậu, khoai để dành ăn, không còn phải chịu cảnh đói giáp hạt. Năm 1987, 1 kg cà phê đổi được gần 12kg gạo, bà con bắt đầu thay những nếp nhà lá, nhà gỗ bằng gạch, xi măng và đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nhằm thay sức người. “Đó là cái mốc đổi thay lớn nhất kể từ ngày dời làng về đây” - già Long nói.

Già làng Nguyễn Văn Long xem các trẻ em dân tộc Chơro chơi ô quan.
Già làng Nguyễn Văn Long xem các trẻ em dân tộc Chơro chơi ô quan.

Cà phê hết thời hoàng kim thì cao su trỗi dậy. Cao su mất giá, bà con được hướng dẫn trồng các loại cây khác thay thế như: sầu riêng, chôm chôm, tiêu, bơ, măng cụt và kết hợp với nuôi dê, bò... Cuộc sống khá dần theo mùa cây trái, niên vụ cao su, đồng bào các dân tộc thiểu số ấp Hàng Gòn càng chăm khu vườn, trang trí căn nhà đẹp và tiện nghi hơn. Đồng thời, đồng bào còn cho con em đi học để có trình độ, tay nghề. Nhiều con em người dân tộc Chơro ở ấp Hàng Gòn đã trở thành cán bộ xã, huyện, giáo viên, công nhân...

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được huyện, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng bào dân tộc thiểu số ấp Hàng Gòn còn tự đóng góp trên 300 triệu đồng để kéo điện thắp sáng những tuyến đường, treo những lá cờ đỏ sao vàng ngày lễ để ghi nhớ ơn Đảng, cách mạng, chính quyền giúp cho làng ngày càng văn minh, phát triển, con em đi học, đồng bào không còn đói khổ như xưa.

Già Long bộc bạch, đồng bào Chơro của già nay có tri thức, hiểu biết hơn nên không bao giờ bị kẻ xấu lợi dụng sự thật thà, chất phác của dân làng mà xuyên tạc chính quyền, bôi nhọ Đảng. Ngay cả những đứa trẻ trong làng nhờ có học nên phân biệt được đâu là kẻ tốt, người xấu vào làng hoặc khi ra đường.

Mưa tháng 8 lất phất hạt trên những con đường làng sạch đẹp, già Long cùng chúng tôi thả bộ ghé thăm những hộ dân tộc Chơro khá giả, có con học giỏi, học cao như: Thổ Chót, Thổ Hùng, Nguyễn Văn Ánh, Thổ Sơn... và nghe họ kể câu chuyện vượt khó vươn lên với lòng cảm kích.

Khi trở về nhà già Long, đi ngang qua nhiều ngôi nhà ven đường làng, mấy đứa trẻ Chơro, Cơ ho, S’tiêng túm tụm cùng chơi ô quan, bắn bi, hễ gặp già Long đều cất tiếng chào thân thiết “Chào ông Sáu”. Già Long vuốt tóc vài đứa trẻ và dặn chúng ngoan, học giỏi để mai này góp sức xây dựng làng Chơro ở Hàng Gòn đẹp hơn, sung túc hơn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều