Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỗ dựa tin cậy của người lao động

09:07, 17/07/2019

 Hơn 10 năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn duy trì hiệu quả hoạt động của đội ngũ công nhân nòng cốt trong tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động (NLĐ) tại các khu nhà trọ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hơn 10 năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn duy trì hiệu quả hoạt động của đội ngũ công nhân nòng cốt trong tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động (NLĐ) tại các khu nhà trọ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một buổi sinh hoạt của Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa tại khu nhà trọ ở phường Long Bình
Một buổi sinh hoạt của Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa tại khu nhà trọ ở phường Long Bình

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, đội ngũ công nhân nòng cốt hiện đã có khoảng 700 người/3 điểm hỗ trợ công nhân ở địa bàn TP.Biên Hòa, 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Lực lượng này thường xuyên được trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức về pháp luật, kỹ năng tư vấn pháp luật nên đủ bản lĩnh tư vấn pháp luật cho NLĐ.

* Công nhân giúp công nhân

Thời gian qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh và văn phòng tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động các địa phương nói trên phối hợp với nhóm công nhân nòng cốt luôn sát cánh trong đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, nhất là công nhân ở các khu nhà trọ và trong doanh nghiệp.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn  tỉnh cho hay, qua giới thiệu từ các nhóm công nhân nòng cốt trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã kịp thời tư vấn, hỗ trợ pháp lý (qua điện thoại hoặc trực tiếp) cho trên 1 ngàn trường hợp/năm. Trong đó, có nhiều trường hợp được trung tâm cử cán bộ, luật sư tham gia bảo vệ tại tòa án nhân dân các cấp thắng kiện khi công nhân, người lao động bị chủ doanh nghiệp sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điểm tư vấn pháp luật của Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa nằm ở một nhà trọ tại KP.7, phường Long Bình. Trung bình mỗi tối có từ 5-10 trường hợp, đa phần là công nhân đến nhờ tư vấn pháp luật. Các vấn đề công nhân thắc mắc thường liên quan đến pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, chế độ thai sản...

Anh Trần Khắc Hiếu, phụ trách trực chính điểm tư vấn pháp luật của Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa cho hay, khi công nhân đến nhờ tư vấn, vấn đề nào các thành viên của điểm tư vấn nắm chắc, hiểu rõ thì nhờ tư vấn ngay. Vấn đề nào phức tạp sẽ kết nối điện thoại với cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để tư vấn qua điện thoại hoặc giới thiệu công nhân đến trung tâm để được tư vấn trực tiếp.

Ngoài trực tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho công nhân, Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa còn chia các nhóm nhỏ đi tuyên truyền, tư vấn pháp luật về lao động cho công nhân tại các khu nhà trọ trên địa bàn TP.Biên Hòa vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Trong đó có nhiều trường hợp đã được nhóm tư vấn pháp luật và giới thiệu đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để được hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Cụ thể như chị Nguyễn Thị Thủy (công nhân một công ty kinh doanh, chế biến gỗ tại KP.8, phường Long Bình). Theo trình bày của chị Thủy, chị được công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, năm 2018 chị sinh con. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản chị trở lại làm việc bình thường nhưng công ty liên tục bắt chị tăng ca. Chị không chấp hành thì bị sa thải.

Khi Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa đến khu nhà trọ của chị ở KP.8, phường Long Bình tư vấn pháp luật, chị mới biết công ty làm như vậy là sai. Chị Thủy đã được nhóm giới thiệu đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh. Nhờ đó chị nắm vững các quy định pháp luật và chị đã liên hệ làm việc với công ty. Cuối cùng công ty đã chấp thuận nhận chị trở lại làm việc và khắc phục tất cả những quyền lợi chính đáng, hợp pháp khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với chị. 

Tại huyện Nhơn Trạch, hơn 10 năm nay, các thành viên trong nhóm công nhân nòng cốt của huyện luôn xem nhóm là ngôi nhà chung, là địa chỉ để giúp các thành viên nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, kỹ năng tư vấn, xây dựng diễn đàn nhằm truyền thông pháp luật về lao động đến NLĐ tại các khu nhà trọ trên địa bàn huyện.

Tại huyện Trảng Bom, Nhóm công nhân nòng cốt ở huyện đã phát triển lên đến 200 thành viên. Anh Nguyễn Thanh Vũ, Nhóm trưởng Nhóm công nhân nòng cốt huyện chia sẻ, ngoài kiến thức được Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tập huấn, anh và các thành viên trong nhóm phải tìm tòi học hỏi, tra cứu thêm thông tin trên mạng để bổ sung. Nhờ đó các thành viên trong nhóm được nâng cao hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cá nhân mình nói riêng và giúp đỡ công nhân khác cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, đúng luật khi xảy ra tranh chấp lao động tại nơi làm việc.

* Mái nhà chung của người lao động

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết thêm, để xây dựng được đội ngũ công nhân nòng cốt ngày càng đông, trung tâm liên tục mở các lớp tập huấn pháp luật (về bảo hiểm xã hội, lao động…) và rất nhiều lớp kỹ năng (tư vấn pháp luật, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý…). Qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, lực lượng công nhân nòng cốt tiếp tục chia sẻ kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật cho công nhân tại nơi làm việc và nhà trọ. Đội ngũ này hiện đủ bản lĩnh tổ chức các chương trình tư vấn lưu động, hướng dẫn kiến thức pháp luật cơ bản, thiết thực cho NLĐ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thứ 3 từ phải qua) đang trao đổi những điểm mới về việc tăng lương cơ sở năm 2019 cho Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.PHÚ
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thứ 3 từ phải qua) đang trao đổi những điểm mới về việc tăng lương cơ sở năm 2019 cho Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.PHÚ

 Để hỗ trợ hoạt động cho các nhóm công nhân nòng cốt, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã xây dựng hệ thống thông tin 2 chiều (từ trung tâm đến công nhân nòng cốt cấp huyện, xã và ngược lại). Nhờ hệ thống này mà tất cả các thông tin từ trung tâm đến với công nhân nòng cốt hoặc ngược lại được triển khai rất dễ dàng, kịp thời. Hằng tháng, trung tâm hoặc liên đoàn lao động cấp huyện sẽ cử người sinh hoạt cùng công nhân nòng cốt tại mỗi xã, phường để cập nhật các kiến thức pháp luật mới và ghi nhận các kiến nghị của công nhân.

Theo đánh giá của các địa phương, chủ nhà trọ có nhóm công nhân nòng cốt hoạt động, thông qua các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, người lao động có ý thức tốt hơn trong thực hiện nội quy nơi ở, nơi làm việc. Số lượng công nhân, lao động vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội khác ở các khu dân cư, khu nhà trọ giảm dần. Ngày càng có nhiều công nhân, NLĐ tự nguyện tham gia vào đội dân quân tự vệ tại doanh nghiệp, đội tự quản ở khu nhà trọ, góp phần giữ gìn và bảo vệ sự bình yên khu dân cư.

            Đoàn Phú

Tin xem nhiều