Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhịp sống trong vùng phong tỏa

09:07, 22/07/2021

Từ 0 giờ ngày 9-7, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, nhiều khu phố, nhiều phường của TP.Biên Hòa bị phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh. Sống trong khu vực phong tỏa, người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài, trừ khi quá cần thiết.

Từ 0 giờ ngày 9-7, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, nhiều khu phố, nhiều phường của TP.Biên Hòa bị phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh. Sống trong khu vực phong tỏa, người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài, trừ khi quá cần thiết.

Lực lượng chức năng P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định trong thời gian thực hiện phong tỏa phòng dịch. Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng chức năng P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định trong thời gian thực hiện phong tỏa phòng dịch. Ảnh: Thanh Hải

Những ngày đầu, một số hộ dân còn lo lắng vì chưa kịp chuẩn bị thực phẩm dự trữ nhưng những ngày sau đó lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho mọi gia đình được hỗ trợ kịp thời từ nhiều nguồn khác nhau. Đến nay, người dân trong các khu vực phong tỏa ở TP.Biên Hòa đã an tâm ở nhà phòng, chống dịch bệnh.

* Dần thích nghi với cuộc sống cách ly

Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua các phường: Trảng Dài, Hố Nai, Tân Biên) vốn là một trong những con đường hoạt động nhộn nhịp bậc nhất của TP.Biên Hòa. Các hàng quán kinh doanh ăn uống, giải trí, mua sắm tại đây không chỉ đông đúc ban ngày mà về đêm cũng ồn ào, náo nhiệt không kém. Thế nhưng, kể từ khi thực hiện lệnh phong tỏa, nhịp sống tại đây thay đổi hoàn toàn. Hàng quán, cửa hàng đóng cửa im lìm, đường phố, ngõ hẻm vắng lặng. Đi sâu vào các khu dân cư, mọi hoạt động thường ngày gần như dừng hẳn, người dân không còn tụ tập đông người như trước.

Tại các chốt kiểm soát ra, vào khu vực phong tỏa luôn có mặt của các lực lượng công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, y tế làm nhiệm vụ. Hằng ngày, họ thay phiên gác 24/24 giờ, đảm bảo không để người từ vùng phong tỏa ra ngoài cũng như người từ bên ngoài vào vùng phong tỏa nếu không thực sự cần thiết, cấp bách.

Ông Đào Xuân Anh (bảo vệ dân phố) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát khu vực Công viên 30-4 (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, trong mấy ngày đầu thực hiện phong tỏa, nhiều người dân do chưa hiểu rõ nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn ấp cách ly với thôn ấp, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh nên vẫn đến chốt để xin ra ngoài. Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt phải thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn và tuyên truyền để người dân chấp hành. Đến nay, đa số người dân đều hiểu và thực hiện tốt quy định.

Theo ông Anh, việc giao, nhận hàng hóa từ bên ngoài vào trong khu phong tỏa đều diễn ra bình thường. Lực lượng tại chốt tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nguồn thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống. Bất cứ ai đến gửi đồ đều phải để vào bàn, sát khuẩn tay, sau đó ra khỏi vị trí chốt kiểm dịch đứng chờ; người nhận đồ cũng thực hiện sát khuẩn tay trước mới được lấy đồ mang về nhà. “Ngoài nhiệm vụ trực chốt thì việc hướng dẫn người dân giao, nhận nhu yếu phẩm được lực lượng chức năng chú trọng. Mọi giao dịch được thực hiện đúng quy định, bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch” - ông Anh nói.

Mọi hoạt động giao nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa được tạo điều kiện. Ảnh chụp tại chốt kiểm soát khu vực cầu Săn Máu (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Mọi hoạt động giao nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa được tạo điều kiện. Ảnh chụp tại chốt kiểm soát khu vực cầu Săn Máu (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Bà Trịnh Thị Hoa (ngụ KP.3, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, khi lực lượng chức năng lập các chốt kiểm soát dịch, nhiều người dân không khỏi ngỡ ngàng, lo lắng. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên gia đình bà và các hộ dân ở trong khu vực bị phong tỏa yên tâm, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch.

Bà Hoa sống bằng nghề bán vé số. Gia đình bà là một trong nhiều hộ dân khó khăn khi phải thực hiện giãn cách xã hội. Ba mẹ con bà hiện đang ở trọ, người con trai mấy tháng trước thất nghiệp, người con gái mới xin được việc làm chưa kịp lãnh lương thì nằm trong vùng phong tỏa. Từ khi không được ra ngoài làm việc, cuộc sống gia đình bà rất khó khăn. “Người dân lo nhất là nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày. Rất may, chúng tôi được hàng xóm tiếp tế, hỗ trợ nên cũng vơi bớt lo lắng, chỉ mong sớm hết dịch để trở lại cuộc sống bình thường” - bà Hoa bày tỏ.

* Chăm lo cuộc sống người dân

Từ 0 giờ ngày 16-7, phần lớn các khu phố ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bắt đầu thực hiện phong tỏa, cách ly y tế trong thời gian 14 ngày để phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là phường có đông dân nhập cư và công nhân sinh sống nhất của TP.Biên Hòa. Lo lắng là tâm lý chung của nhiều người dân trong vùng phong tỏa khi nhiều hoạt động thường nhật bị thay đổi. Đặc biệt là các nhu cầu thiết yếu để đảm bảo đời sống rất được người dân quan tâm.

Người dân trong khu vực phong tỏa (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) được phát rau củ, gạo để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Thanh Hải
Người dân trong khu vực phong tỏa (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) được phát rau củ, gạo để đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Thanh Hải

Anh Hồ Văn Tuấn (ngụ KP.4B, P.Trảng Dài) cho biết, nơi anh sống lúc bị phong tỏa, đa số người ở trọ bị kẹt lại, sau nhiều ngày thì không còn thực phẩm để sử dụng. Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội của một số người trong vùng phong tỏa, người dân từ bên ngoài đã mang nhiều rau củ quả và các loại thực phẩm khác đến tiếp tế. Đến nay, nhiều người lao động nghèo, công nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được các loại nhu yếu phẩm và cả những suất cơm từ nhiều nguồn hỗ trợ.

Theo anh Tuấn, sống trong vùng cách ly y tế phòng dịch, mọi người đều cố gắng giúp đỡ, san sẻ những gì mình có với những ai thiếu thốn hơn. Anh và các gia đình xung quanh lập nhóm trên mạng Zalo để kết nối với nhau. Gia đình nào cần hỗ trợ chỉ việc gửi yêu cầu vào nhóm; ai muốn mua hàng tiêu dùng khác nằm ngoài khu cách ly cũng áp dụng theo cách này, các đoàn viên đảm nhận mua giúp. Sau đó, mọi người lên danh sách những nhu yếu phẩm còn thiếu để nhờ người thân bên ngoài mua hỗ trợ. “Sinh hoạt thời giãn cách thật đặc biệt. Toàn phường không có siêu thị, chợ lại đóng cửa, người dân ở đây mua sắm thực phẩm phụ thuộc vào một số tiệm tạp hóa và các cửa hàng VinMart, Bách Hóa Xanh. Nhưng nguồn hàng không đáp ứng đủ nhu cầu, chỉ có cách mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Có người được người thân gửi tặng nhiều rau quả rồi cặm cụi chia từng bịch tặng cho cả xóm. Tình người trong hoạn nạn, dù thiếu thốn nhưng giàu yêu thương” - anh Tuấn nói.

Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài Dương Kim Trúc cho biết, là phường có đông công nhân, người lao động sinh sống nên địa phương chú trọng công tác tuyên truyền để người dân chủ động, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh hoang mang, lo lắng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tất cả bà con đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. “Trong quá trình thực hiện quy định phong tỏa, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân trong việc tiếp tế, cung cấp nhu yếu phẩm, mua đồ thiết yếu, thức ăn. Về lâu dài, để đảm bảo lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, chúng tôi sẽ lập danh sách những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi cần thiết” - bà Trúc nói.

TP.Biên Hòa hiện có nhiều phường, khu dân cư tại một số phường bị phong tỏa. Dù sống trong khu vực cách ly y tế, nhưng người lao động nghèo, công nhân nhiều nơi vẫn nhận được rau, gạo, những nhu yếu phẩm và cả những suất cơm nghĩa tình từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau.

Thanh Hải

Tin xem nhiều