Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời thợ hồ

07:07, 08/07/2022

Thợ hồ chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng để mua các dụng cụ: bay, thước, bàn chà, máng hồ… là có thể đi khắp các công trình làm thợ xây. Còn người phụ hồ chỉ cần có sức khỏe và đôi bao tay 30 ngàn đồng là đủ.

Thợ hồ chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng để mua các dụng cụ: bay, thước, bàn chà, máng hồ… là có thể đi khắp các công trình làm thợ xây. Còn người phụ hồ chỉ cần có sức khỏe và đôi bao tay 30 ngàn đồng là đủ.

Nhóm thợ hồ của ông Bảy Hải (xã Phú Cường, H.Định Quán) đang thi công cho một nhà dân trong xã. Ảnh: Đoàn Phú
Nhóm thợ hồ của ông Bảy Hải (xã Phú Cường, H.Định Quán) đang thi công cho một nhà dân trong xã. Ảnh: Đoàn Phú

Thợ hồ Hai Long (54 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, “giới” thợ hồ hiện chia làm 2 dạng: thợ hồ làm việc theo nhóm và dạng “mồ côi”.

* Thợ “mồ côi”

Con đường đá mi vào tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) lẹp xẹp nước, vào sâu hơn nữa là xóm thợ hồ của ông Hai Long với rất nhiều nhà lụp xụp. Ông Hai Long cho biết, xóm có chừng 20 hộ dân, nhưng có tới 30 người làm hồ. Khoảng 10 người có tay nghề thâm niên 20-30 năm, số còn lại mới gia nhập đội quân làm hồ từ 5-6 năm trở lại đây.

Ông Hai Long nói: “Nghề này chỉ cần sức khỏe, dẻo dai. Người nào khỏe, siêng năng, sức chịu đựng tốt thì có việc nhiều. Có những người vì nhiều lý do, không đảm bảo sức khỏe, không đủ sức để theo nhóm hoặc ít ai mời làm chung thì đành làm thợ hồ “mồ côi””.

Thợ hồ HAI KHIÊM (ngụ KP.Tam Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, chủ thầu xây dựng muốn giữ thợ thì tiền bạc phải sòng phẳng, công việc phải đều. Còn người thợ muốn gắn kết với nhóm lâu dài thì phải siêng năng, thợ xây cũng phải kiêm luôn công việc phụ hồ, đào móng, thợ sơn khi thiếu người phụ.

Sợ chúng tôi không hiểu, ông Hai Long “thủng thẳng” cắt nghĩa, thợ hồ làm việc theo nhóm, theo bạn có từ 5-10 người. Trong đó, có một người đứng ra nhận công trình rồi rủ bạn bè trong nhóm cùng làm. Còn dạng “mồ côi” là những người làm việc đơn lẻ, lặt vặt như: xây, sửa hàng rào, nhà bếp, nhà vệ sinh một mình.

Những người làm việc theo nhóm ít khi thất nghiệp, vì chỉ cần một người tìm được công trình thì cả nhóm đều có việc làm. Riêng thợ “mồ côi” thì công việc rất bấp bênh, do phụ thuộc vào sự siêng năng, tay nghề, uy tín của họ và những công việc mà những người làm việc theo nhóm chê, không nhận thì chủ nhà mới kêu họ làm.

Thợ hồ Bảy Hải (64 tuổi, xã Phú Cường, H.Định Quán) miệt mài với công việc giữa trưa nắng. Ảnh: Đoàn Phú
Thợ hồ Bảy Hải (64 tuổi, xã Phú Cường, H.Định Quán) miệt mài với công việc giữa trưa nắng. Ảnh: Đoàn Phú

Vốn quen với việc ai nhờ gì làm đó, từ sửa bếp tới bồn cầu, cổng nhà, cống… cho người dân trong vùng, ông Út Cần (56 tuổi, ngụ tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất) đã có thâm niên 20 năm làm thợ hồ “mồ côi”. Ông Út Cần cho biết, ông dựa vào sự khó dễ của công việc, thái độ của chủ nhà mà lấy tiền công. Với chủ nhà rộng rãi, dễ chịu thì ông lấy tiền công “nới” hơn, bù lại ông được họ vui vẻ “boa” thêm tiền. Riêng những người “kỳ kèo” bớt tiền, thêm việc, lại hay chê bai thì ông lấy tiền công 500-600 ngàn đồng/ngày, cao hơn tiền công của thợ giỏi làm theo nhóm.

“Thợ hồ “mồ côi” cũng có nhiều dạng như: từng là thợ xây giỏi trước kia nhưng vì sức khỏe giảm sút, không đi công trình xa, không theo kịp sức của người trẻ làm việc; dạng thích làm ngày nào có tiền tươi bỏ túi ngày đó; dạng tay nghề kém chỉ làm phụ hồ hoặc việc vặt vãnh” - ông Út Cần bộc bạch.

* Không ngại nắng, mưa

Tháng 7, thời tiết nắng, mưa bất chợt nên người thợ hồ nào có mặt ngoài công trình cũng nhễ nhại mồ hôi. Thợ hồ Bảy Hải (64 tuổi, ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) bày tỏ, đặc thù của nghề thợ hồ là “phơi” mặt ngoài trời nhiều hơn “núp” trong bóng mát. Cơ thể chỉ ít toát mồ hôi khi ngôi nhà đã thành hình, thành dáng, chuẩn bị bàn giao. Mặc dù suốt tháng, quanh năm phơi mình dưới mưa nắng, tiếp xúc với cát, đá, xi măng nhưng mấy chục năm nay, ông chưa hề đi bệnh viện.

“Chắc được trời thương cho sức khỏe và công việc đều nên vợ chồng tôi dù làm thợ hồ vẫn nuôi được con học đại học, xây được căn nhà trị giá trên 700 triệu đồng để phụng dưỡng cha mẹ già” - ông Bảy Hải vui vẻ cho biết.

Nhóm thợ hồ của ông Ba Nén (tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận cả việc chống thấm sân thượng cho một nhà dân. Ảnh: Đoàn Phú
Nhóm thợ hồ của ông Ba Nén (tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận cả việc chống thấm sân thượng cho một nhà dân. Ảnh: Đoàn Phú

Trưa tháng 7, nhiệt độ ngoài trời trên 370C, nhóm thợ hồ của ông Hai Khiêm (ngụ KP.Tam Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhễ nhại mồ hôi làm cho một công trình dân dụng ở P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa). Ông Hai Khiêm bộc bạch, thời tiết tháng này là mệt nhất. Có hôm trời đang nắng gắt lại đột ngột đổ cơn mưa rào làm cơ thể dễ mệt mỏi, nhất là mấy thợ hồ lớn tuổi. Nhiều bữa mệt, nhiều người vẫn phải tiếp tục công việc chứ không được nghỉ. Bởi vì, nếu cứ mưa mà nghỉ thì công việc sẽ không hoàn thành theo tiến độ, kéo dài thời gian bàn giao nhà. Thợ hồ mà không có sức khỏe, còn mất uy tín thì ai thèm thuê nữa.

Giữa tiếng máy trộn bê tông ầm ầm là tiếng thợ xây Hai Khiêm hối thúc thợ phụ Chín Vân (54 tuổi, ngụ KP.Tam Hòa, P.Hiệp Hòa) thêm gạch, thêm hồ. Tuy vậy, ông Chín Vân vẫn đủng đỉnh đẩy chiếc xe gạch nên bị thợ xây Hai Khiêm càm ràm: “Công việc thì chậm chạp, bê trễ nhưng tiền lương chưa hết tuần đã vội đòi để đi nhậu”. Thợ phụ Chín Vân nghe vậy cười khà: “Tiền triệu dễ đút túi quần. Chứ chiếc xe gạch nó nặng, lại đẩy lên cái bậc thềm cao thì sao mà nhanh cho được Hai Khiêm”.

Sau khi đưa gạch cho 2 thợ xây, ông Chín Vân chọn nơi có bóng râm được che bởi bức tường ngồi nghỉ mệt. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn tỏ ra lạc quan, yêu đời: “Cái nghề này, nắng càng rát da thịt thì việc mới nhiều. Cho nên da càng đen giòn thì mới được khen siêng năng”.

Chiều cuối tuần đầu tháng 7, các bà vợ ở xóm thợ hồ (tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất) có vẻ chộn rộn hơn những ngày thường khi chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường để bồi dưỡng cho chồng sau một tuần làm việc nặng nhọc. Thợ hồ Ba Nén (ngụ tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất)  bật mí, cuối tuần lãnh tiền đưa hết cho vợ thì bà nào cũng vui.

“Nghề thợ hồ cực nhọc nên chi tiêu phải tiết kiệm, phòng khi ốm đau, bệnh tật đỡ phải đi vay mượn. Nên làm được nhiêu giao cho vợ lo gia đình và tiết kiệm là an tâm nhất” - ông Ba Nén chia sẻ.

Nói vừa dứt lời, ông Ba Nén lại thở dài cho biết, ở xóm thợ hồ của ông cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhà cửa còn lụp xụp, thiếu nước sạch sinh hoạt.

“Tắm giặt bằng nước sông, nước giếng nhiễm phèn nên nhiều người bị bệnh ngoài da rất khó chịu, nhất là khi làm việc ngoài nắng cơ thể tiết mồ hôi nhiều. Còn để có nước máy sinh hoạt thì phải đóng góp kinh phí, trong khi các hộ dân ở đây đều là lao động nghèo” - thợ hồ Ba Nén tỏ bày.

Thợ hồ BA NÉN (ngụ tổ 7, KP.7, P.Thống Nhất) đúc kết: “Đời thợ hồ vui nhất là nhận tiền cuối tuần, công trình gần nhà, công việc đều đặn. Còn rầu nhất là thất nghiệp, trở thành thợ “mồ côi” khi không còn đủ sức theo nhóm bạn đi công trình”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều