Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng ngừa dịch heo tai xanh

09:04, 18/04/2008

Tính đến chiều ngày 14-4, dịch heo tai xanh đã lan ra 5 tỉnh trong cả nước với diễn biến hết sức phức tạp và tốc độ lây lan nhanh. Trong đó có 3 phường của thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng vừa bùng phát dịch. Đồng Nai là tỉnh giáp Lâm Đồng nên nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh là rất cao. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai về những biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch.

Ông Hoàng Sơn Hải

Tính đến chiều ngày 14-4, dịch heo tai xanh đã lan ra 5 tỉnh trong cả nước với diễn biến hết sức phức tạp và tốc độ lây lan nhanh. Trong đó có 3 phường của thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng vừa bùng phát dịch. Đồng Nai là tỉnh giáp Lâm Đồng nên nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh là rất cao. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Nai về những biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch.

- Phóng viên: Dịch heo tai xanh đã bùng phát tại Lâm Đồng, là tỉnh sát với Đồng Nai, hiện nay tỉnh đã có biện pháp cấp bách nào để ngăn chặn dịch lây lan?

- Ông Hoàng Sơn Hải: Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất nước, khoảng 1,2 triệu con nên nếu để xảy ra dịch thì thiệt hại rất lớn. Do đó, Chi cục thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm thú y các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng nuôi...

Từ ngày 16-4, Đồng Nai không tiếp nhận heo và các sản phẩm từ heo chưa qua chế biến, xử lý chín từ các tỉnh có dịch chưa công bố hết dịch (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng) kể cả có giấy chứng nhận kiểm dịch. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm dịch tại trạm kiểm dịch Ông Đồn và các chốt kiểm dịch tạm thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đơn vị thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ cũng tăng cường giám sát lâm sàng tại các điểm kiểm dịch, trung chuyển gia súc và các cơ sở giết mổ.

Chăn nuôi theo hình thức trang trại sẽ ít bị dịch bệnh.

* Nhiều trang trại và người nuôi heo nhỏ lẻ không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh vì cho rằng tỷ lệ bảo hộ không cao. Ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

- Hiện nay heo mắc bệnh tai xanh ở nước ta rất nhanh chết và diễn biến rất phức tạp. Vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể chi tiết nào về độ bảo hộ của vắc-xin phòng heo tai xanh (PRRS) nên loại vắc-xin này không nằm trong danh mục bắt buộc người nuôi phải tiêm phòng. Tuy độ bảo hộ của vắc-xin PRRS không cao nhưng Chi cục thú y vẫn khuyến cáo bà con nên tiêm phòng vì đây cũng là một trong những biện pháp phòng dịch.

*Ông có thể cho biết những địa bàn nào trong tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh?

- Thực ra nếu không làm tốt khâu phòng bệnh thì nơi nào cũng có nguy cơ bùng phát dịch. Những địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh heo tai xanh cao là huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất, vì những huyện này có đường quốc lộ chạy qua, mỗi ngày có hàng trăm xe vận chuyển gia súc gia cầm đi qua. Vì vậy các huyện này cần phối hợp chặt chẽ với Công an, quản lý thị trường trực 24/24 để khi phát hiện ra xe vận chuyển gia súc nào có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra kịp thời

* Công tác phòng chống dịch heo tai xanh khó khăn nhất là quản lý những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trường hợp này theo ông phải làm gì để đàn heo được tiêm phòng đầy đủ giảm nguy cơ bị bệnh?

- Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm tỷ lệ cao nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dạng 1-2 con/hộ vẫn còn khá nhiều. Những trường hợp này tuy khó quản lý nhưng tôi nghĩ các xã, ấp nếu tăng cường hơn nữa công tác quản lý kèm vận động bà con thì cũng không có gì khó khăn. Khi người chăn nuôi hiểu rõ được tác hại của dịch bệnh thì sẽ tự nguyện tham gia các công tác phòng bệnh.

* Cảm ơn ông!

Hương Giang

Tin xem nhiều