Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp giảm nhập siêu, tăng xuất khẩu

10:07, 13/07/2014

Đồng Nai cần có những chính sách ngắn hạn, dài hạn cho từng khu vực kinh tế để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà

GS.TS Võ Thanh Thu, (giảng viên cao cấp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh) hiện đang nghiên cứu về xuất nhập khẩu của Đồng Nai. Theo bà, từ năm 2010 đến nay, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của tỉnh giảm dần so với cả nước.

Vì thế, Đồng Nai cần có những chính sách ngắn hạn, dài hạn cho từng khu vực kinh tế để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến. Ảnh: H.Giang
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến. Ảnh: H.Giang

Đang nghiên cứu trực tiếp về xuất nhập khẩu của Đồng Nai, giáo sư có nhận định gì về xuất nhập khẩu của tỉnh trong những năm gần đây?

- Đồng Nai nằm trong tốp 5 tỉnh, thành của cả nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Đồng Nai trong 5 năm lại đây luôn thấp hơn tốc độ xuất khẩu của cả nước. Đồng Nai có trên 1 ngàn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với khoảng 100 nhóm, ngành hàng ra các thị trường trên thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu tập trung ở 6 ngành hàng là: giày dép, hàng dệt may, xơ sợi dệt, máy móc trang thiết bị, sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng. Đồng thời qua khảo sát, tôi thấy các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai đa số là thâm dụng lao động, thực hiện chủ yếu dưới dạng gia công, trị giá gia tăng thấp. Và khu vực kinh tế FDI chiếm vị trí quan trọng nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, còn khu vực kinh tế nhà nước hoạt động xuất nhập khẩu quá nhỏ, giai đoạn (2005-2012) chỉ chiếm 9% về nhập khẩu và 11% xuất khẩu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh. Như vậy, muốn giảm nhập siêu và tăng xuất khẩu cho khu vực kinh tế nhà nước phải có giải pháp riêng.

 Tại Đồng Nai có những mặt hàng nhập khẩu lớn nhưng lại không xuất khẩu. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, đây là dấu hiệu xấu. Giáo sư đánh giá sao về vấn đề này?

- Nhập khẩu lớn nhưng lại không xuất khẩu được, đây là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế cần phải được xem xét lại để có giải pháp phát triển kinh tế cho phù hợp. Ở Đồng Nai, bắp, các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản xuất thuốc trừ sâu là những mặt hàng nhập khẩu lớn nhưng không xuất khẩu. Những nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phải dựa vào nhập khẩu là điều các cấp quản lý vĩ mô cần nghiên cứu, vì nếu để tồn tại lâu dài sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cán cân thương mại và làm cho nền kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phát triển thiếu bền vững, kém hiệu quả và tính lệ thuộc cao.

 Đồng Nai muốn đẩy mạnh được xuất khẩu cần có những giải pháp nào?

- Muốn đẩy mạnh được xuất khẩu, theo tôi Đồng Nai tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh xây dựng các giải pháp giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhờ đó tạo ra giá trị gia tăng xuất khẩu cao. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, phải nắm rõ những thông tin về tiến trình giảm thuế và các biện pháp phi thuế mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO, hàng loạt chính sách ưu đãi khi ký kết các hiệp định thương mại tự do và tới đây là Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, doanh nghiệp chú ý nhiều ở mặt hàng mình đang kinh doanh để phân tích về những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực để chuẩn bị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường xuất khẩu mình đang dự tính thâm nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp chú ý đa dạng thị trường xuất khẩu, để khi thị trường này gặp khó khăn vẫn còn các thị trường khác thay thế.

 Khoảng 2 năm gần đây, nhập siêu ở Đồng Nai có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Liệu có giải pháp nào hạn chế được nhập siêu?

- Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của tỉnh là nguyên phụ liệu, vật tư để phục vụ cho sản xuất. Từ điều này cho thấy muốn giảm nhập siêu trên địa bàn thì phải coi trọng chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, công nghiệp phụ trợ ở Đồng Nai cũng như cả nước còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất nên các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nhiều. Vì vậy, song song với việc có những chính sách hỗ trợ thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ thì đẩy mạnh xuất khẩu tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Đồng Nai cũng nên nâng cao thu hút vốn FDI nhằm tạo ra luồng vốn tác động thuận lợi đến cán cân thương mại của tỉnh theo hướng xuất siêu.

 Xin cảm ơn giáo sư!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều