Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảng viên thanh nhạc Võ Duy Thái: Yêu nghề, đó là một hạnh phúc lớn

11:07, 04/07/2014

Sinh ra trong một gia đình cả cha lẫn mẹ đều thích chơi nhạc, tuổi thơ của ông Võ Duy Thái trôi qua trong tiếng đàn, tiếng hát.

 

Sinh ra trong một gia đình cả cha lẫn mẹ đều thích chơi nhạc, tuổi thơ của ông Võ Duy Thái trôi qua trong tiếng đàn, tiếng hát.

Từ năm 1975 - 1979, ông tham gia hoạt động thường xuyên trong Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai. Năm 1980, ông mới có điều kiện đi học chính quy ngành thanh nhạc tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và là một trong số ít người được đào tạo bài bản về thanh nhạc thời kỳ đó. Từ năm 1990, sau khi tốt nghiệp ông về giảng dạy tại Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai và hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc. Ông nói, chỉ cần yêu nghề và tạm đủ sống với nghề, đó đã là hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ.

* Thưa ông, gần như dành trọn cả đời cho âm nhạc, ở tuổi gần 60, ông cho rằng điều gì đã dẫn dắt ông đi qua những năm tháng gian khổ của nghề? Có khi nào ông nghĩ âm nhạc là quá xa xỉ với cuộc sống khó khăn thường nhật và muốn bỏ nghề chưa?

- Đơn giản là sự say mê. Cha mẹ tôi dù không hoạt động âm nhạc một cách chuyên nghiệp, nhưng rất đam mê nên trong nhà lúc nào cũng có tiếng đàn, tiếng hát. Cha mẹ tôi đều yêu nhạc cổ điển, bà mê hát và chơi đàn mandoline, ông kéo violon, thổi sáo trúc… Âm nhạc thẩm thấu vào tôi từ bé. Lớn lên, dường như trong máu thịt của tôi đã có âm nhạc, vì thế tôi chọn theo nghề.

Hỏi có nản lòng không, thì thành thật mà nói là cũng có lúc tôi suy nghĩ, nhất là quãng thời gian khốn khó trong thời bao cấp. Còn nhớ, những ngày đầu khi học ở Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, vợ chồng tôi chỉ mới có bé Phương Thùy. Lúc đó chỉ có chiếc xe đạp cũ, chiều thứ 7 tôi đạp xe từ TP.Hồ Chí Minh về, chủ nhật đạp xe lên học. Mỗi tuần, hành trang của tôi chỉ có lon thức ăn vợ chuẩn bị cho cả tuần và một chút tiền tiêu vặt vừa khít. Mê nhạc, hầu hết tiền tiêu vặt tôi đổ vào mua sách nhạc. Có những hôm trong túi hết tiền, xe đạp hư phải bắt xe về Biên Hòa, đến nhà mới có tiền trả. Nếu không có đam mê thực sự, quả thực là khó lòng vượt qua cả chục năm gian khổ học hành như thế.

Khiêm nhường, ít nói, nhưng ông Võ Duy Thái là một “thương hiệu” nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo thanh nhạc tại Đồng Nai với những lứa học trò thành danh một cách nghiêm túc: Như Ý, Ngọc Hạ, Bích Hạnh, Thanh Sử, Ngọc Khoa, Uyên Trang, Tấn Đạt... Nhưng “gia tài” lớn nhất có lẽ là 3 cô con gái tài sắc: Phương Thùy (thạc sĩ ngành âm nhạc dân tộc, thành viên Tam ca Phù Sa), Phương Tuyền (giảng viên thanh nhạc, thành viên Tam ca Phù Sa) và Phương Trinh, cô sinh viên năm thứ 2 Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh - người được Nghệ sĩ ưu tú Cao Minh chọn vào vai Esmeralda trong vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris tạo nhiều tiếng vang mới đây.

* Nhiều người vẫn nghĩ, giọng hát là trời cho nên không chú tâm rèn luyện, ông thấy điều này đúng hay sai?

- Tôi nhận thấy sự học là vô tận với thanh nhạc, một chút năng khiếu ban đầu chỉ là cơ bản, còn hàng ngàn kỹ thuật cần trau dồi mỗi ngày, không bao giờ là đủ. Với những học trò có lòng đam mê, muốn khám phá, tìm hiểu thì thanh nhạc lại càng vô tận. Tôi là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp chính quy ngành thanh nhạc của tỉnh, học 10 năm, giảng dạy 25 năm, nhưng thực lòng tôi chưa bao giờ thấy mình đã đủ giỏi trước những kiến thức mênh mông của nghề.

* Hơn 25 năm giảng dạy với nhiều lứa học trò, ông thấy có sự khác biệt nào giữa học trò ngày trước và hiện tại không?

- Có lẽ nhận xét nào cũng mang chút chủ quan, nhưng cảm nhận của tôi thì những lứa học trò trước kia, cách nay khoảng 10 - 15 năm tâm huyết hơn bây giờ. Cũng có thể do các em hiện nay lớn lên giữa môi trường khác, văn hóa mở rộng, cơ hội thành “sao” cũng nhiều hơn, do đó nhiều em không còn xem trọng sự học, thay vào đó là trau chuốt ngoại hình và tìm kiếm cơ hội để nổi tiếng. Thật ra, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các em, bởi môi trường xã hội, truyền thông chưa tạo cho các em sự tôn trọng cần thiết với nghề, với sự nghiêm túc rèn luyện trong nghề.

* Với các em không nghiêm túc với nghề, chạy theo những giá trị hào nhoáng bề ngoài, theo ông, lỗi tại thầy cô, cha mẹ, nhà quản lý hay lỗi tại truyền thông? Cảm nhận của ông ra sao với những trào lưu gọi là âm nhạc, nhưng dường như lại rất xa rời những kiến thức âm nhạc chuẩn mực ở một số ca sĩ trẻ hiện nay?

- Khó nói là lỗi tại ai, nhưng có lẽ mỗi nơi có lỗi một chút. Sự hào nhoáng và các giá trị được đong đếm bằng tiền bạc len lỏi vào quá nhiều thứ, trong đó có âm nhạc, và các em lầm lẫn. Thêm nữa, trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng là điều cần bàn đến. Dĩ nhiên, tôi không bàn đến sự kiểm soát một cách khô cứng, vì âm nhạc là nghệ thuật, là sáng tạo. Nhưng thiết nghĩ, những định hướng đúng đắn về thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ luôn luôn là điều mà người lớn có trách nhiệm phải làm.

Về cá nhân, tôi thấy buồn với những biểu hiện đó, với những học trò thay vì chăm chú luyện tập, học hành, lại quan tâm quá nhiều đến việc làm sao để mau nổi tiếng, để mau kiếm nhiều tiền, đi xe sang và xài hàng hiệu. Những suy nghĩ đó quá sức xa lạ với những người của thời chúng tôi.

* Làm thế nào để cân bằng giữa những kiến thức âm nhạc chuẩn mực, đảm bảo hướng đến thị hiếu đúng đắn cho công chúng và tính sáng tạo của người nghệ sĩ?

- Tôi không bắt học trò lúc nào cũng hàn lâm, kinh viện, bởi xã hội đương đại sẽ đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo. Tuy nhiên, kiến thức căn bản luôn cần chuẩn mực. Khi các em đã vững chãi về nền tảng, thì sáng tạo là điều bình thường. Tôi chỉ nhắc các em một điều: trước khi trình diễn bất kỳ điều gì cho công chúng, phải tự hỏi rằng, mình có mang lợi ích gì đến cho công chúng hay không, có hướng họ đến những điều tốt đẹp hơn không. Với tôi, đó mới chính là điều mà một nghệ sĩ nên làm.

Theo suy nghĩ của tôi, dạy nhạc trong trường phổ thông là điều cần làm, nên làm. Điều đáng ngại là âm nhạc thị trường len lỏi quá nhanh và thẩm thấu quá sâu vào giới trẻ, thậm chí là các em rất nhỏ, mới chỉ học tiểu học hay THCS. Đáng ngại nữa là các em có vẻ như tiếp thu những loại nhạc “chợ”, nhạc thị trường nhanh hơn là những bản nhạc chuẩn mực được dạy trên ghế nhà trường. Đây thực sự là một điều đáng suy nghĩ, một “cuộc đua” không dễ dàng với những người có tâm huyết, muốn truyền thụ cho giới trẻ những thị hiếu âm nhạc đúng đắn, chuẩn mực hơn.

Sự sáng tạo trong âm nhạc là điều cần thiết, nhưng theo tôi, âm nhạc chỉ đúng đắn khi hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, chứ không phải vẻ bề ngoài hào nhoáng hay sự bạo lực, thô lỗ, hoặc những tình cảm được thể hiện một cách thô thiển và nông cạn.

* Ông có 3 cô con gái, cũng là những học trò của ông, rất tài năng và có nhan sắc, nhưng lại chọn con đường âm nhạc chính thống, rời xa những “chiêu trò” của showbiz. Ông đã dạy con điều gì?

- Với con, tôi không chỉ là một người cha, tôi còn là một người thầy. Tôi nghiêm khắc, con cái muốn theo nghề, phải học hành chính quy, bài bản. Tôi biết các con cũng có lúc so sánh, có lúc áp lực khi nhiều bạn bè hoặc ca sĩ đồng trang lứa nổi tiếng quá nhanh, kiếm tiền nhiều mà không cần học hành quá vất vả. Nhưng tôi động viên con, làm cho con hiểu rằng kiến thức sẽ theo con đi suốt đời, có thể hát, có thể giảng dạy. Và trên hết, tôi dạy con đàn hát cũng là một nghề nghiệp nghiêm túc. Với suy nghĩ và trải nghiệm của một người cha, tôi cũng sợ nếu con nổi tiếng sớm khi nhận thức chưa đầy đủ, tôi có thể “mất” con.

* Ông có bao giờ thấy băn khoăn khi hiện tại những gì “dính” tới nghệ thuật thường dễ kiếm tiền, trong khi ông và gia đình đều làm nghệ thuật, đều tài năng, nhưng vẫn sống một đời sống giản dị, bình thường?

-  Tôi không có gì băn khoăn nhiều. Biết đủ là đủ. Hà cớ gì những giai đoạn khó khăn, mỗi tuần gói ghém một lon thức ăn đi học, chúng tôi còn vượt qua, thì lúc này lại không thể sống và làm nghề nghiêm túc? Với tôi, sự say mê, lòng yêu nghề, bản thân đó đã là hạnh phúc.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều