Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chỉ giữ "sân nhà", mà còn phải tìm cách để vươn xa

10:09, 09/09/2016

Tốt nghiệp cử nhân thương mại, bà Vũ Kim Hạnh từng trải qua nhiều công việc và cương vị khác nhau, song nổi bật nhất là làm báo và làm xúc tiến thương mại.

Tốt nghiệp cử nhân thương mại, bà Vũ Kim Hạnh từng trải qua nhiều công việc và cương vị khác nhau, song nổi bật nhất là làm báo và làm xúc tiến thương mại. Bà từng là Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh. Ở mỗi cương vị bà đều có nhiều đóng góp. Bên cạnh đó, bà còn là người có công đầu trong việc khởi xướng chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao và khởi động dự án xây dựng thương hiệu cho hàng Việt.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, từ đầu năm 2016 Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, hàng trong khối tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Một số kênh bán lẻ lớn đã về tay người Thái Lan, hàng Việt bị “ép” ngay trên sân nhà. Trong bối cảnh trên, ngoài lo giữ sân nhà các doanh nghiệp (DN) hàng Việt phải tìm cách vươn xa, mở rộng thị trường ra các nước mới có thể tồn tại và lớn mạnh được.

* ĐỪNG CHỦ QUAN VỚI CON SỐ 90% HÀNG VIỆT

 Theo các trung tâm thương mại, siêu thị thì hàng Việt đang chiếm khoảng 90-95% trên các kệ hàng. Nhưng thực tế, hàng của các DN thuần Việt chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bà đánh giá sao về việc này?

- Theo tôi, các trung tâm thương mại, siêu thị công bố hàng Việt chiếm 90-95% trên các kệ hàng là không sai. Vì đó đều là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam nên đều được gắn mác “made in Vietnam”, và nếu chúng ta nói đó không phải là hàng Việt có thể bị kiện. Song, nếu cứ nhìn vào con số trên mà yên tâm thì không ổn, sẽ không đánh giá đúng được tình hình của các DN thuần Việt đang ở khoảng nào để có định hướng phát triển. Tôi nghĩ, nên hiểu rõ trong hàng Việt gồm có hàng của các DN thuần Việt và hàng của các tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu quốc tế đang sản xuất ở Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của các thương hiệu quốc tế đang chiếm lĩnh ở nhiều nhóm hàng trên thị trường nội địa, như: hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, điện máy, điện tử... nhưng hàng thuần Việt vẫn còn khá nhiều ở một số lĩnh vực, như: thực phẩm tươi sống, rau củ quả, nông sản. Sở dĩ tôi nói cần có sự phân định rạch ròi như vậy là để Chính phủ cũng như DN có đánh giá đúng về thực lực của những DN trong nước, từ đó có những chính sách, kế hoạch phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 Như vậy, hàng hóa của DN trong nước đang chịu sức ép lớn từ các tập đoàn đa quốc gia và hàng nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN cũng như nhiều nước khác. Theo bà, DN trong nước phải có những giải pháp nào để giữ thị trường nội địa?

Bà Vũ Kim Hạnh (trái) tham quan Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2016 tổ chức tại Đồng Nai.
Bà Vũ Kim Hạnh (trái) tham quan Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2016 tổ chức tại Đồng Nai.

- Hội nhập sâu, thị trường mở cửa, bên cạnh những cái được cũng phải chấp nhận những khó khăn là hàng hóa từ các nước khác sẽ tràn vào Việt Nam, đặc biệt là hàng trong khối ASEAN. Thời gian qua đã diễn ra những thương vụ của các tập đoàn nước ngoài mua lại các kênh bán lẻ, phân phối lớn tại Việt Nam, như: BigC, Metro, Nguyễn Kim đều đã về tay người Thái Lan, và những thương hiệu bán lẻ khác là Fivimart, Citimart cũng đã thuộc về nước ngoài. Do đó, cuộc đối đầu của DN bán lẻ trong nước và nước ngoài đang là thách thức lớn khi lợi thế  nghiêng về phía ngoại.

Hiện nay, hệ thống bán lẻ trong nước chỉ còn Vingroup và Saigon Co.op, đây là bất lợi lớn cho các DN trong nước trong việc giữ thị phần ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, DN trong nước vẫn còn những ngách riêng để phát triển và mở rộng thị trường. Đó là những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô thị là những nơi để DN trong nước có thể mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh việc lo giữ và mở rộng thị trường sân nhà thì DN thuần Việt nên tìm cách “tấn công” sang những thị trường khác trong khối ASEAN và các nước khác trên thế giới. Con đường này không dễ đi, nhưng tôi tin nếu DN trong nước có kế hoạch cụ thể, lâu dài sẽ làm được. Có 2 điều DN Việt phải luôn chú ý là đổi mới công nghệ để sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của từng thị trường và liên tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

* THƯƠNG HIỆU - THƯỚC ĐO UY TÍN

 Là người có công đầu trong việc khởi động dự án xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, bà đánh giá thế nào về các DN trong nước với chương trình này?

- Tôi còn nhớ, 20 năm trước các DN Việt chưa có khái niệm cụ thể về thương hiệu, nhưng qua chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao và dự án xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, đến nay nhiều DN đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành bại. Muốn vững vàng, lớn mạnh và đủ sức vươn xa, DN phải luôn đảm bảo hàng hóa sản xuất ra chất lượng tốt, đúng với nhu cầu của thị trường, liên tục xây dựng thương hiệu. Thương hiệu không có được trong một sớm một chiều mà đây là cả một quá trình nỗ lực của từng DN. Khi thương hiệu lớn mạnh được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng, thì DN dễ dàng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

 Một số người đánh giá các chuyến hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt và hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước nên không mang lại kết quả cao, do đó nhiều DN Việt rút dần?

- Tôi không đồng ý với đánh giá trên. Vì thời gian qua, nhờ các chuyến hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt và hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao mà nhiều DN Việt đã khẳng định được tên tuổi và thương hiệu của mình. Mục đích sâu xa của những chương trình trên không chỉ là để các DN bán hàng, mà đó là cơ hội để DN giới thiệu, quảng bá những sản phẩm mới đến người tiêu dùng cả nước. Qua đó, mở rộng mạng lưới bán hàng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô thị nơi còn nhiều cửa cho hàng Việt.

Đơn cử như Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2015 ở Đồng Nai chỉ thu hút trên 100 ngàn lượt người tới tham quan mua sắm, thì năm nay lượng khách đến tăng gấp đôi và doanh thu của DN tham gia hội chợ cũng tăng cao. Đây là kênh cho DN giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước tốt nhất. Có những DN hàng Việt Nam chất lượng cao rút không tham gia chương trình hội chợ không phải vì kém hiệu quả mà là vì chương trình này được tổ chức ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên các DN sẽ chọn những địa bàn nào mình đang muốn mở rộng mạng lưới phân phối để tham gia. Trong tháng 10-2016, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ được khởi động lại ở Hà Nội và dự kiến có trên 300 DN tham gia.

 Với Đồng Nai, bà có đánh giá và nhắn nhủ gì riêng với các doanh nghiệp thuần Việt?

- Đồng Nai là một thị trường lớn nên các DN trong nước rất quan tâm và muốn mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa tại đây. Cũng có không ít DN hàng Việt cũng đã thành công trong việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, thu hút nhiều lao động nhập cư về sinh sống và làm việc nên tôi nghĩ các DN nên có phối hợp với các sở, ngành của tỉnh mở rộng mạng lưới bán hàng cho các khu vực này sẽ rất tốt. Tôi cũng đánh giá cao các DN Đồng Nai trong quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển. Có những thương hiệu của DN trong tỉnh đã được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền, như: đường Biên Hòa, Lothamilk, Bibica...Tôi mong các DN Đồng Nai nên chú ý đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu để nắm giữ thị trường trong nước và “tấn công” ra thị trường nước ngoài.

 Xin cảm ơn bà!

Nhiều DN Việt đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho mình và được nhiều người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, như: Vinamilk, Nutifood, sữa Mộc Châu, Kinh Đô, Bibica, đường Biên Hòa, TH True milk, Rạng Đông, Tường An... Song cũng còn nhiều DN trong nước chưa chú ý đến việc xây dựng thương hiệu. Khi hội nhập sâu hơn, DN không chú ý đến xây dựng thương hiệu sẽ khó mà lớn mạnh và phát triển bền vững được.

Thực tế đã chứng minh, các tập đoàn đa quốc gia không ngừng lớn mạnh và mở rộng được thị trường sang nhiều nước là vì họ luôn xem trọng và đầu tư rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu, nâng tầm lên thành thương hiệu quốc tế. Những năm qua, xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam chiếm ưu thế lớn trên thế giới, như: tiêu, cà phê, gạo... nhưng ít được người tiêu dùng các nước biết đến là vì DN trong nước chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. Đây  là thiệt thòi và rào cản lớn cho DN.

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều