Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2014: "Nóng" câu chuyện tiệu cực

06:08, 20/08/2014

Sáng 19/8, BTC các giải chuyên nghiệp Việt Nam VPF đã tổ chức Hội nghị tổng kết mùa bóng với sự tham gia của tất cả các CLB hạng Nhất và V-League. Nhiều vấn đề của mùa giải 2014 được thẳng thắn nêu ra, nhưng "nóng" nhất trên bàn nghị sự là chuyện phòng chống tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam.

Sáng 19/8, BTC các giải chuyên nghiệp Việt Nam VPF đã tổ chức Hội nghị tổng kết mùa bóng với sự tham gia của tất cả các CLB hạng Nhất và V-League. Nhiều vấn đề của mùa giải 2014 được thẳng thắn nêu ra, nhưng "nóng" nhất trên bàn nghị sự là chuyện phòng chống tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam.

Mùa giải 2014 đã chính thức khép lại với những điểm nhấn theo Trưởng giải Tanaka Koji gồm: "Đáng buồn nhất là hiện tượng tiêu cực của các cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai.
chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng phát biểu tại lễ tổng kết
Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng phát biểu tại lễ tổng kết

Các trận đấu bạo lực như trận Hải Phòng gặp Hà Nội.T&T, các cầu thủ ra sân mà không hiểu luật thi đấu, chỉ trích trọng tài khi phạm luật mà không cần biết đúng sai, do đó, các trận đấu bị gián đoạn.

Trung bình các trận đấu ở V-League 2014, bóng chỉ lăn 54 phút, theo quy định của FIFA bóng lăn đến 60 phút. Nguyên nhân một phần cũng bởi các trọng tài muốn để trận đấu hấp dẫn hơn nữa thì các trận đấu phải có bóng sống nhiều hơn.

Các quan chức CLB cũng có những lời nói chỉ trích trọng tài một cách thái quá. Chúng ta nên hành xử đúng mực và chuyên nghiệp hơn. Mặt sân quá xấu, các cầu thủ chuyên nghiệp không thể thi đấu như sân Quảng Ninh".

Ông Tanaka Koji đánh giá: "SVĐ phải có tiện nghi hơn để kiểm tra doping, phòng họp báo, phân chia CĐV trên khán đài, đèn sáng chưa đảm bảo. Công tác xử lý trận đấu nhìn chung khá tốt nhưng nhiều CLB không chuyên nghiệp khi xe đến muộn, không tuân thủ thời gian thi đấu. Trong trận đấu, nhiều khán giả vẫn còn vô ý thức khi chửi bới, vứt rác xuống sân".

Theo đánh giá của VPF, so với mùa giải 2013, mùa bóng 2014 có chất lượng cao hơn biểu hiện qua số bàn thắng tăng lên với 466 bàn nhưng lượng CĐV giảm đáng kể khi chỉ có hơn 7000 CĐV đến sân thay vì hơn 9000 người mùa trước.

Tương tự như vậy là giải hạng Nhất với chỉ hơn 2000 người đến sân trung bình mỗi trận, thay vì hơn 3000 CĐV mùa trước. Tin vui ở giải hạng Nhất là có 2 cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất đều sinh năm 1992 là Văn Thanh (10 bàn) và Văn Đại (7 bàn).

 Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu tại buổi tổng kết
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu tại lễ tổng kết

Tuy nhiên hội nghị chỉ thực sự "nóng" lên với bài phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ông Dũng tiết lộ "đã mất 3 giờ đồng hồ để thuyết phục anh Trường (ông Hoàng Mạnh Trường - chủ tịch đội Vissai Ninh Bình) đưa cầu thủ nhúng chàm tiêu cực của đội bóng ra cơ quan chức năng. Số lượng cầu thủ trong vụ tiêu cực ở Ninh Bình thực tế là nhiều hơn con số 9. Và những cầu thủ không được đưa ra xử lý, tôi quyết định gạt tên ra khỏi đội tuyển quốc gia nếu họ được gọi. Sự dũng cảm của ông Trường, cần đáng được tuyên dương. Do đó tôi sẽ bảo lưu suất V-League cho bầu Trường với điều kiện anh sử dụng đào tạo trẻ 3-5 năm nữa, khi đó BCH VFF sẽ xem xét, không có chuyện anh mua cầu thủ đâu. Nếu điều đó không có trong điều lệ thì bổ sung thêm. Năm sau chúng tôi cử thêm một số cán bộ C45 qua làm nhiệm vụ ở VPF để phòng chống vấn đề này" - người đứng đầu VFF nói.

Đánh giá về V-League 2014, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng: "Các trận đấu diễn ra sòng phẳng và tích cực hơn trong năm nay. Trận play-off giữa HV.An Giang và Cần Thơ tôi nghĩ An Giang nên xuống hạng tốt hơn dù bản thân tôi là người An Giang, về tình cảm tôi muốn đội bóng quê hương ở lại V-League.

Nội bộ của họ đá từ đầu giải đến giờ bất ổn lung tung. Anh HLV trưởng Nhan Thiện Nhân phát biểu lôm côm, đội bóng không tài trợ, không động lực thì ôm làm gì. Về lý trí tôi cho rằng Cần Thơ lên hạng là xứng đáng".

Ông Dũng nói tiếp: "Công tác trọng tài tương đối tốt. Tôi thường xuyên trao đổi với anh Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban trọng tài trước mỗi vòng đấu. Tôi nghĩ anh ấy đã nỗ lực điều hành tốt. Việc sử dụng trọng tài ngoại cũng có ý nghĩa tích cực.

Tôi xem trận khai mạc World Cup ở Sao Paulo, trọng tài cũng sai sót nhiều. Tôi đánh giá tương đối tốt các trọng tài ở giải năm nay không có vấn đề về tư tưởng. Các CLB ít phàn nàn hơn xưa, làm cho chất lượng giải đấu ngày càng tốt hơn.

Ngày xưa thì Chủ tịch Ủy ban hay nhà tài trợ, nhân dân gửi tiền tặng thưởng đội tuyển sau mỗi trận thắng. Từ sau vụ tiêu cực tại Bacolod năm 2005 đến nay, mỗi khi ĐTQG đá không có cá nhân hay tổ chức nào ủng hộ. Và không có nhân dân, tổ chức nào muốn tài trợ cho đội tuyển hết.

Tôi đề nghị lãnh đạo CLB tăng cường công tác quản lý các cầu thủ, lo dọn dẹp trong nhà mình trước. Khi cơ quan điều tra gọi cho tôi về những vụ tiêu cực, tôi nói các anh ấy hãy cứ làm đến nơi, còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu chứ chả sợ gì. Tôi sẽ đưa ra bàn luận và đưa vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp việc: bất cứ cầu thủ nào cá độ sẽ bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống bóng đá”.

Liên quan đến công tác trọng tài, Chủ tịch Lê Hùng Dũng khẳng định: "Về trọng tài và giám sát, nếu tôi thuê anh làm mà bị kêu nhiều quá thì tôi cho nghỉ, dù không có bằng chứng. Đào đâu ra bằng chứng trong nền kinh tế tiền mặt, họ có chuyển khoản đâu, giao dịch bằng tiền mặt hết. Thiếu trọng tài thì thuê hoặc đôn từ giải đấu hạng dưới lên.

Mùa tới, anh nào tuyên bố bỏ giải thì phạt nặng 200-300 triệu. Ông nào muốn bỏ giải thì làm đơn tôi duyệt liền. Anh nào phát ngôn đại diện của CLB thì loại luôn, có 6 đội chơi 6 đội, có gì mà phải sợ những người đó. Thua mà đòi bỏ giải, đổ thừa trọng tài thì đâu phải đàn ông. Cuộc sống sao mà công bằng tuyệt đối được".

Sức “nóng” của vấn đề phòng chống tiêu cực được đẩy lên cao độ trong phát biểu của ông Phạm Văn Tuấn - phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao: “Tôi đồng tình với báo cáo tổng kết mùa giải của VPF. Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng phải nỗ lực và kiên quyết loại bỏ các phần tử tiêu cực, làm hủy hoại nền bóng chuyên nghiệp”.

Với tư cách là chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Võ Quốc Thắng đã đưa ra nhận định cho rằng: “Tôi rất đồng ý với những ý kiến của chủ tịch VFF và phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao khi kiến nghị loại các cầu thủ dính tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá. Nếu hàng chục năm trước, chúng ta làm mạnh tay như bây giờ thì tôi tin các cầu thủ phải cân nhắc về những hành động của mình”.

T.Quang

 

Tin xem nhiều