Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Tân Phú - điểm sáng giảm nghèo

11:09, 28/09/2020

Cuối năm 2015, H.Tân Phú có 2.836 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí của tỉnh. Số hộ nghèo này của huyện chiếm hơn 1/5 số hộ nghèo toàn tỉnh (năm 2015, toàn tỉnh có 13.412 hộ nghèo).

Cuối năm 2015, H.Tân Phú có 2.836 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí của tỉnh. Số hộ nghèo này của huyện chiếm hơn 1/5 số hộ nghèo toàn tỉnh (năm 2015, toàn tỉnh có 13.412 hộ nghèo).

Một hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại H.Tân Phú nhận bàn giao nhà ở . Ảnh: Văn Truyên
Một hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại H.Tân Phú nhận bàn giao nhà ở . Ảnh: Văn Truyên

[links()]Dự kiến đến cuối năm 2020, H.Tân Phú sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo A theo chuẩn nghèo của tỉnh. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của H.Tân Phú trong thực hiện các chính sách giảm nghèo trong nhiệm kỳ vừa qua.

* Kịp thời triển khai chính sách

Trong số hộ nghèo của H.Tân Phú ở thời điểm năm 2015, có 1.975 hộ nghèo A, 861 hộ nghèo B. Trong đó có 5 hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách có công, 435 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số và 809 hộ có thành viên là đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Theo ông Đinh Văn Án, Trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Nghị quyết của HĐND huyện, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo từng năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và giao Phòng LĐ-TBXH là cơ quan trực tiếp thực hiện công tác giảm nghèo của huyện. Trong quá trình thực hiện, công tác giảm nghèo có sự vào cuộc tích cực của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Do vậy, quá trình thực hiện chế độ hỗ trợ dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn như: vay vốn, dạy nghề, giáo dục, y tế, nhà ở, tiền điện, tiền tết, trợ cấp… được thực hiện đúng, đủ, kịp thời.

Cụ thể, toàn huyện đã có hơn 6 ngàn lượt hộ được vay tín dụng chính sách với số tiền 187 tỷ đồng. Hoạt động cho vay hộ nghèo 5 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh hơn, nhiều hơn, phù hợp nhu cầu đầu tư sản xuất của nhân dân và công tác kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, có 286 lao động là hộ nghèo được tham gia học  các nghề như: may công nghiệp, trang điểm, nuôi gà, trồng nấm, nuôi dê, sinh vật cảnh, sửa chữa bảo trì máy may… để vận dụng tốt nguồn vốn vay.

Đặc biệt, việc vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện đóng góp để cùng với nguồn ngân sách thực hiện xây sửa nhà đạt kết quả tốt. Qua đó, đã có 299 căn nhà được sửa chữa, xây mới với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Đây là sự hỗ trợ quan trọng, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo an cư trước khi xây dựng kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Định (61 tuổi) là hộ nghèo hiện ngụ xã Phú Lâm cho hay, vợ chồng ông đều đã lớn tuổi và không có con. Cả 2 lại không có nghề nghiệp, đất đai canh tác nên cuộc sống khó khăn. Bản thân ông vừa bị tai nạn mất một chân nên đời sống càng thêm thiếu thốn. Thời gian qua, nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà cuộc sống của vợ chồng ông đỡ vất vả. Mới đây, vợ chồng ông còn được vào sống trong căn nhà mới, kiên cố do UBND huyện bàn giao.

Cùng với đó, các chế độ chính sách khác dành cho người nghèo như: hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, hỗ trợ dịp tết, giáo dục, khuyến nông - khuyến công được huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời góp phần giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.

* Chủ động giúp đỡ người nghèo

Song song với các chế độ, chính sách chung, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện còn được lồng ghép vào các chương trình, dự án, chính sách khác. Trước tiên, mỗi cơ quan, đơn vị đều xây dựng các mô hình giảm nghèo và nhiều cá nhân trong cộng đồng trở thành những gương sáng hỗ trợ người nghèo vươn lên.

Có thể kể đến việc Liên đoàn Lao động huyện vận động lập quỹ trợ vốn để tặng quà thăm hỏi, tặng mái ấm Công đoàn… cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hội Nông dân huyện khuyến khích nông dân sản xuất giỏi đi đôi với trợ giúp nông dân nghèo. Hội LHPN huyện phát triển các mô hình làm theo gương Bác (nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, trồng rau sạch…). Hội Cựu chiến binh huyện phát động phong trào Gia đình cựu chiến binh vượt nghèo. Hội Chữ thập đỏ huyện vận động và hỗ trợ nhân đạo cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

Trên địa bàn huyện đã và đang thực hiệu 12 dự án, mô hình giảm nghèo. Trong đó, có thể kể đến những cách làm mang lại hiệu quả tích cực, như: dự án nuôi bò sinh sản, dự án nuôi dê sinh sản, dự án trồng dâu nuôi tằm, dự án trồng mít siêu sớm… Những dự án này đang được triển khai ở 16 xã với 530 hộ nghèo tham gia. Đáng chú ý là người dân đã chủ động đóng góp hơn 4,5 tỷ đồng trong tổng số hơn 11 tỷ đồng để thực hiện các dự án này chứ không chỉ trông chờ hoàn toàn vào sự trợ giúp của Nhà nước. Qua quá trình thực hiện đã có 80% hộ tham gia dự án vượt nghèo.

Ông Nguyễn Văn Ngà (ngụ xã Phú Lập) cho biết, gia đình ông nuôi dê nhiều năm nhưng chưa có điều kiện phát triển đàn. Do vậy, ông được Nhà nước hỗ trợ dê giống để tăng đàn. Kết hợp với dê do mạnh thường quân tài trợ, hiện đàn dê hơn 20 con của ông đang phát triển tốt. Đây là tài sản để gia đình ông có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Với việc triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, cộng với ý chí vươn lên trong cuộc sống của người nghèo nên số hộ nghèo ở H.Tân Phú liên tục giảm và vượt mục tiêu đề ra qua từng năm. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn huyện sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo A.

Võ Tuyên

 

 

Tin xem nhiều