Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần cú hích mạnh mẽ hơn về chính sách

04:10, 28/10/2020

Tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là vào các thị trường khó tính cho các mặt hàng nông sản chủ lực như: tiêu, điều, cà phê… vẫn còn rất lớn, nhưng áp lực cạnh tranh không hề nhỏ.

Tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là vào các thị trường khó tính cho các mặt hàng nông sản chủ lực như: tiêu, điều, cà phê… vẫn còn rất lớn. Nhưng áp lực cạnh tranh khi bước vào sân chơi quốc tế cũng không hề nhỏ khi yêu cầu của các nước nhập khẩu với những mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe hơn.

Đóng gói cà phê tại một doanh nghiệp ở xã Giang Điền, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên
Đóng gói cà phê tại một doanh nghiệp ở xã Giang Điền, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Quyên

Để nhóm cây công nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, nông dân và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ một cách đồng bộ về mặt chính sách từ khâu sản xuất đến đầu tư cho chế biến, phát triển thị trường.

* Đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới

Hiện nay, ngay cả thị trường được đánh giá dễ tính là Trung Quốc cũng yêu cầu nông sản nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc với tiêu chuẩn về chất lượng cũng ngày càng cao hơn. Các thị trường khó tính ngày càng có nhu cầu tiêu thụ lớn với những mặt hàng như: cà phê, tiêu…Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực cũng là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu tiêu, cà phê, hạt điều vào thị trường còn giàu tiềm năng này.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra trong đề án là đến năm 2030, ngành Công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, chiếm tỉ trọng 25-35% tỉ trọng GRDP của tỉnh, thu hút khoảng 20-30% lực lượng lao động của tỉnh. Đồng Nai trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản.

Tuy nhiên, tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính là điều không dễ vì họ không ngừng nâng cao tiêu chuẩn với nông sản nhập khẩu. Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.HCM), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường, nhận xét: “Các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn nhập khẩu nông sản của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, EU... mỗi năm đều cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới không được phép tồn dư trong sản phẩm”.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, H.Tân Phú) băn khoăn, nông dân sản xuất ra không bán được hàng nhưng doanh nghiệp lại thiếu tiêu, cà phê sạch để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Thời gian qua, doanh nghiệp đã có những khách hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản… về đặt vấn đề bao tiêu nông sản sạch xuất khẩu. “Các đối tác nước ngoài sẵn sàng về tận cánh đồng khảo sát, đánh giá để đảm bảo chất lượng nông sản. Chính vì vậy, doanh nghiệp đang hợp tác với nông dân làm những cánh đồng tiêu, cà phê sạch ở nhiều tỉnh, thành. Và nông dân chính là người quyết định về cơ hội xuất khẩu nông sản vào những thị trường khó tính bằng việc tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất sạch”.

* Giải pháp đồng bộ

Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đưa ra giải pháp đồng bộ để phát triển nhóm các cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai như: đánh giá hiện trạng, các giải pháp, cách tiếp cận thị trường đối với từng sản phẩm; nghiên cứu xu hướng thế giới, tiêu thụ trong nước, trong khu vực để có phương án hợp lý, đề xuất các chính sách, cơ chế, phương án xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với từng sản phẩm…

Đề án cũng chỉ ra những mặt hạn chế phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Đồng Nai như: nông dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, chạy theo năng suất chứ chưa thật sự chú trọng về chất lượng; thiếu các tổ chức hợp tác để xây dựng các vùng nguyên liệu đồng nhất; vẫn còn rào cản cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào chế biến như chưa kết nối được vùng nguyên liệu sản phẩm; chưa “bắt tay” được với nông dân; thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ… Đặc biệt, các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp chưa đi vào thực tế nên doanh nghiệp còn e ngại đầu tư lâu dài.

Là thành viên tư vấn cho đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn góp ý, tỉnh cần lưu ý việc lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu trọng điểm để phát huy được lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên. Để thực hiện một trong những định hướng quan trọng của đề án trên là đưa Đồng Nai trở thành vùng chế biến cây công nghiệp của Việt Nam và thế giới, tỉnh cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản trên gắn với xây dựng các chuỗi liên kết. Trên cơ sở đó, địa phương đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực này phát triển toàn diện.

Lê Quyên

Tin xem nhiều