Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị các điều kiện đón ''sóng'' FDI

11:12, 23/12/2020

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Đồng Nai được các doanh nghiệp (DN) đánh giá là miền đất hứa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực...

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Đồng Nai được các doanh nghiệp (DN) đánh giá là miền đất hứa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, muốn đón được các dòng vốn đầu tư, tỉnh chuẩn bị sẵn các điều kiện cần và đủ.

Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2  (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.GIANG

Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên là 586.362ha, trong đó đất nông nghiệp 463.757ha và đất phi nông nghiệp 122.595ha (còn lại là đất chưa sử dụng). Đất dành cho công nghiệp hiện có hơn 9 ngàn ha, nhưng lại đóng góp rất lớn cho GRDP của tỉnh.

* Ưu tiên trong quy hoạch sử dụng đất

Hiện nay, đất dành cho phát triển công nghiệp của Đồng Nai đã gần hết. Một số khu công nghiệp còn đất cho thuê nhưng đều là diện tích nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu của nhiều tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thời gian qua, nhiều DN FDI đến tỉnh tìm thuê diện tích 5-10ha đất trở lên để làm nhà xưởng sản xuất nhưng rất khó tìm. Do đó, các DN trên buộc phải đến các tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để đầu tư. Theo đó, Đồng Nai mất đi các cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai xác định giai đoạn 5 năm tới vẫn tập trung phát triển công nghiệp. Tỉnh đang gấp rút tiến hành thành lập mới 3 khu công nghiệp và mở rộng những khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt để có đất cho các DN thuê. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 khoảng 6,5 ngàn ha đất công nghiệp để triển khai thực hiện”. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, các công trình hạ tầng giao thông lớn của quốc gia, vùng, tỉnh được xây dựng và kết nối đưa vào khai thác, trong tương lai sẽ giúp Đồng Nai thu hút được nhiều dòng vốn FDI chất lượng vào công nghiệp và các lĩnh vực khác.

Ông Yasuhiro Tada, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Kureha Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty cũng như một số DN FDI khác muốn mở rộng thêm diện tích để nâng công suất hoạt động, đáp ứng các đơn hàng lớn nhưng rất khó tìm những khu đất lớn trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai”. Vì thế, theo ông Yasuhiro Tada, tỉnh muốn mở thêm công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư FDI thì phải có sẵn quỹ đất với diện tích lớn cho các DN thuê.

Trên những lĩnh vực khác, cũng cần có quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất rõ ràng, đồng nhất các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành tạo thuận lợi cho DN FDI đầu tư vào có thể triển khai nhanh dự án. DN FDI thực  hiện dự án nhanh để đưa vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như cả nước.

* Cần môi trường đầu tư thông thoáng

Trước khi có ý định đầu tư vào tỉnh, thành nào, các DN FDI đều tìm hiểu rất kỹ môi trường đầu tư ở nơi đó và thường tham khảo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đánh giá, xếp hạng hằng năm. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 3 bậc, xếp 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng vẫn thấp hơn những địa phương lân cận là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng. Tuy đã có sự cải thiện theo hướng tốt lên trong môi trường đầu tư của tỉnh, song tỉnh vẫn cần có những cải cách để đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết: “Trong năm 2021, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững là tập trung rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh sẽ ưu tiên vốn, nhân lực để làm hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”.

Ông Masahiro Ariga, Trưởng ban kết nối DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, Đồng Nai có sẵn tiềm năng các nhà đầu tư FDI cần, nếu tạo môi trường thông thoáng sẽ thu hút được nhiều tập đoàn đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi. Việt Nam mới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng mở ra nhiều cơ hội trong thu hút dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành phố và Đồng Nai là nơi đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Đồng Nai còn một số chỉ số thành phần, điểm số thấp là: chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng. Kết quả trên là bảng tham khảo để tỉnh có những chỉ đạo kịp thời, rà soát lại những hạn chế, vướng mắc, đưa ra giải pháp điều hành tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều