Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động kết nối kênh tiêu thụ trong trạng thái ''bình thường mới''

11:12, 21/12/2020

Để hàng hóa nông thôn có thể cạnh tranh, phát triển, đòi hỏi nông dân phải nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và các nhà cung ứng, bán lẻ cần tích cực kết nối...

Để hàng hóa nông thôn có nhiều cơ hội cạnh tranh, phát triển thị trường ở các đô thị, đòi hỏi nông dân phải nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, các nhà cung ứng, bán lẻ trong nước cần tích cực kết nối với nông dân, các vùng sản xuất, cũng như giảm các chi phí phát sinh, chi phí vận tải liên quan để mở rộng các kênh phân phối sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19.

Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) giới thiệu các sản phẩm sen sấy, trà sen với lãnh đạo Sở Công thương 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng trong hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của 2 tỉnh vào cuối tháng 10-2020. Ảnh: Hải Quân
Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) giới thiệu các sản phẩm sen sấy, trà sen với lãnh đạo Sở Công thương 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng trong hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của 2 tỉnh vào cuối tháng 10-2020. Ảnh: Hải Quân

* Nông dân cần chủ động hơn

Theo các chuyên gia, để hàng hóa địa phương nói chung và các loại nông sản, đặc sản của địa phương nói riêng có thể phát triển mạnh hơn ở các kênh phân phối tại các đô thị lớn, nhất là các siêu thị, hệ thống bán lẻ thì các doanh nghiệp (DN), HTX, nhà vườn cần chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu hàng hóa đến tận các hệ thống bán lẻ để kết nối, chứ không nên bị động chờ nhà phân phối đến tìm nguồn hàng.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) - một trong những đơn vị chủ thể sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở Đồng Nai chia sẻ, các sản phẩm chủ lực của cơ sở là trà sen, hạt sen sấy… Hiện HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu hàng chục ha, đồng thời đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến. HTX mong muốn kết nối với các đơn vị, DN bán lẻ để mở rộng thị trường.

Hơn thế nữa, vai trò của các cơ quan chức năng và địa phương trong việc kết nối giao thương cũng cần được chú trọng, nâng cao hơn nữa. Trong đó, các ngành chức năng cần có một chương trình cụ thể, chi tiết nhằm khơi thông các “điểm nghẽn” ở khâu xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh phân phối đối với hàng hóa địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, kết nối sản phẩm địa phương, tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi cung - cầu giữa các bên liên quan. Ngoài ra, cần tiến tới giảm tối đa chi phí vận chuyển thì mới có thể giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá bán hàng hóa.

Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh, Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho hàng Việt, sản phẩm địa phương...

* Phát triển các kênh bán hàng trực tuyến

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy cho hay, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại và các khu du lịch trong tỉnh để triển khai thêm các điểm bán hàng, gian trưng bày sản phẩm thế mạnh của Đồng Nai, nhất là các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng các kênh bán hàng dành cho các sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng, cũng như tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước. 

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh chia sẻ, Sở sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực chế biến sâu; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm OCOP của địa phương…

Đối vối hoạt động thương mại điện tử, theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát ứng dụng thương mại điện tử, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử của các đơn vị, DN và cá nhân trong tỉnh. Sở đã hỗ trợ, tổ chức tập huấn công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website cho các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh, nhất là các chủ thể của sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm nhằm hỗ trợ DN tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, hướng tới hoàn thiện cổng thương mại điện tử Đồng Nai tích hợp các tính năng thanh toán trực tuyến, nâng cao chất lượng quảng bá thông tin, sản phẩm DN; kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm do những DN trong tỉnh sản xuất...

Trong năm 2020, dù gặp nhiều tác động bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cũng được Sở Công thương triển khai, nhất là các hoạt động kết nối thị trường nội địa.

Trong đó, có các chương trình kết nối giao thương giữa Đồng Nai và các tỉnh: Lâm Đồng và Quảng Trị, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh tham gia các hội nghị kết nối giao thương với các nhà cung cấp của các tỉnh, thành phía Bắc; kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020; Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020; tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến hoạt động thương mại điện tử và chuyển đổi số, cũng như phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị kết nối các sản phẩm OCOP với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh…

Lam Phương

 

Tin xem nhiều