Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng mạng lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển

03:12, 10/12/2020

Với sản lượng tiêu thụ gần 14 tỷ kWh điện (năm 2020), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 gần 7%/năm, Đồng Nai là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ điện.

Với sản lượng tiêu thụ gần 14 tỷ kWh điện (năm 2020), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 gần 7%/năm, Đồng Nai là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ điện. Những năm qua, ngành Điện luôn nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồ họa thể hiện số lượng công trình xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.(Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng công trình xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.(Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh, một số khu vực đang bị quá tải, có nguy cơ thiếu điện. Do đó, xây dựng hệ thống mạng lưới điện đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt, truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết. Đặc biệt, tới đây, Đồng Nai có thêm nhiều khu vực, dự án cần điện năng lớn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Phước An, các khu/cụm công nghiệp trong quy hoạch.

* Phát triển hệ thống lưới điện

Xác định phát triển hệ thống lưới điện là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng trăm công trình lưới điện, qua đó tạo hệ thống lưới điện đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đồng Nai cho biết, trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện từng giai đoạn, 5 năm trở lại đây, PC Đồng Nai và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã huy động các nguồn lực để triển khai hàng trăm công trình, dự án đường dây, trạm biến áp (TBA) điện đến các khu dân cư và tái định cư, cánh đồng lớn và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh góp phần mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, cải thiện đời sống người dân và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện PC Đồng Nai đang quản lý hơn 557km đường dây 110kV, 27 TBA 110kV, gần 6 ngàn km đường dây trung thế, 7 ngàn km đường dây hạ thế. Sản lượng điện tiêu thụ năm 2020 dự kiến đạt gần 14 tỷ kWh, đứng thứ 3 cả nước, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển lưới điện đến các vùng nông thôn với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 99,9%.

Ngoài việc tập trung nguồn lực đầu tư cho công trình lưới điện đến các xã, phường, ngành Điện cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng đảm bảo nguồn cung cho các khu, cụm công nghiệp trọng điểm hoạt động ổn định, mở rộng quy mô. Riêng với các khu, cụm công nghiệp mới, ngành Điện ưu tiên đi trước một bước, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng hạ tầng và để thu hút đầu tư. Hiện PC Đồng Nai đang cung ứng điện cho hơn 884 ngàn khách hàng, trong đó 7 khách hàng sử dụng điện 110kV. Sản lượng điện công nghiệp - xây dựng chiếm gần 75%.

Một trong những vấn đề quan tâm và ưu tiên đầu tư của ngành Điện trong giai đoạn hiện nay là phát triển hạ tầng truyền tải điện cho các dự án năng lượng tái tạo. Theo lãnh đạo PC Đồng Nai, Đồng Nai là một trong số địa phương đang phát triển “nóng” điện năng lượng mặt trời. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân phát triển điện năng lượng mặt trời trên mặt hồ, trang trại nông nghiệp, mái nhà xưởng công nghiệp, mái nhà hộ gia đình, ngành Điện quan tâm đầu tư hạ tầng truyền tải điện, trạm để tiếp nhận nguồn điện. Đây là giải pháp vừa giảm tải áp lực nguồn cung cho ngành Điện vừa góp phần hoàn thiện hệ thống lưới điện ở các khu vực.

* Nguy cơ quá tải, thiếu điện cục bộ

Mặc dù tỉnh có sản lượng điện tiêu thụ hàng đầu cả nước với hệ thống lưới điện tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh, một số khu vực trên địa bàn tỉnh đang bị quá tải đường truyền và có nguy cơ thiếu điện. Các khu vực đang bị quá tải cục bộ là: Long Thành, Thạnh Phú, Bắc Sơn, Giang Điền; trạm 110kV mang tải trọng cao là: Tam An, Tam Phước, Thạnh Phú, Xuân Trường, Long Khánh; đường dây 110kV mang tải trọng cao là: Trị An - Thạnh Phú, Mỹ Xuân 2 - Gò Dầu - Vedan, Long Thành - An Phước, Xuân Lộc 2 - Xuân Trường. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Kiểm tra nghiệm thu công trình lắp đặt thiết bị tại máy 2 trạm biến áp 110kV Bình Sơn trước khi đóng điện. Ảnh: Hoàng Lộc
Kiểm tra nghiệm thu công trình lắp đặt thiết bị tại máy 2 trạm biến áp 110kV Bình Sơn trước khi đóng điện. Ảnh: Hoàng Lộc

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, ông Lâm Xuân Tuấn, Phó tổng giám đốc EVNSPC cho rằng, để đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020, EVNSPC có kế hoạch đầu tư 5 công trình lưới điện 110kV với tổng giá trị đầu tư hơn 727 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và vốn, đến nay, mới có 1 công trình hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào khai thác, 4 công trình còn lại đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang chờ nguồn vốn để khởi công trong năm 2021.

“Công trình trạm 110kV và đường dây đấu nối vào Khu công nghiệp Giang Điền được EVNSPC triển khai xây dựng từ tháng 2-2016, dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác. Nguyên nhân do một số vị trí trụ chưa thỏa thuận xây dựng được. Chúng tôi kiến nghị, 2 địa phương là TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, các sở, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công vị trí trụ, kéo đường dây đấu nối vào khu công nghiệp” - ông Tuấn cho hay.

Cũng liên quan đến trạm 110kV Giang Điền đang có nguy cơ thiếu điện, Giám đốc PC Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, công ty đang “gồng gánh” để kéo nguồn điện 22kV từ các TBA ở nơi khác tới. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn cung cấp điện cho khu công nghiệp và vùng lân cận, gây tổn thất lớn cho ngành Điện. Ngoài ra, việc thiếu điện trong khu công nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến việc ổn định sản xuất, mở rộng quy mô của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp.

Theo ngành Điện, nếu không giải quyết được các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng bộ quy hoạch phát triển điện với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của tỉnh; khai thác lộ ra 22kV từ các trạm 110kV thì tình trạng quá tải các trạm, đường dây vẫn tiếp diễn và nguy cơ thiếu điện cục bộ tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực có nhu cầu tiêu thụ điện lớn là điều khó tránh khỏi.

* Gia tăng nhu cầu sử dụng điện

Trong quy hoạch phát triển 5 năm tới, Đồng Nai có thêm nhiều công trình, dự án được triển khai xây dựng. Đó là, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2021 và đi vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025; hệ thống cảng biển Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng; Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; các khu công nghiệp mới của tỉnh và các cụm công nghiệp của địa phương... Bên cạnh đó, hàng loạt các khu, cụm công nghiệp như: Dầu Giây, Long Khánh, Amata, Long Đức, Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán đã hoặc đang xin chủ trương mở rộng. Do đó, nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là điện cho sản xuất công nghiệp - xây dựng sẽ tiếp tục tăng.

Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong 5 năm tới, nhu cầu cung ứng điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, mức tăng dự kiến không thấp hơn mức bình quân giai đoạn 2016-2020 (7%/năm). Để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho phát triển công nghiệp, Sở Công thương đã làm việc với UBND các địa phương, PC Đồng Nai và EVNSPC nhằm thống nhất chủ trương và tìm phương án tháo gỡ cho công trình trạm 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối; trạm 110kV Định Quán 2 và đường dây đấu nối; hoàn thành công trình cải tạo tăng công suất tải đường dây 110kV từ TBA 220kV Long Bình - TBA 110kV Loteco (đoạn số 1) và từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Thống Nhất (đoạn số 2) và công trình cải tạo tăng công suất đường dây 110kV từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Bắc Sơn (đoạn số 1) và từ TBA 110kV Bắc Sơn - TBA 110kV Tân Hòa (đoạn số 2)…

Bên cạnh hệ thống lưới điện quốc gia, tỉnh còn quan tâm và hỗ trợ phát triển điện khí, điện mặt trời. Cụ thể, về nhiệt điện, mới đây, tỉnh thống nhất chủ trương cho Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng thêm công trình Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Hai nhà máy này có công suất 750MW với sản lượng điện 10,5 tỷ kWh/năm, dự kiến khởi công vào quý I-2021. Về điện mặt trời, tỉnh tạo điều kiện và khuyến khích các chủ hộ gia đình, chủ nhà máy trong các khu công nghiệp, chủ trang trại nông nghiệp công nghệ cao và nhà đầu tư tư nhân đầu tư lắp đặt và khai thác điện mặt trời từ mái nhà dân, mái nhà xưởng, từ các lòng hồ. Theo tính toán của ngành điện, đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 150MWp. Đây là các nguồn năng lượng quan trọng bổ sung cho điện lưới đang có nguy cơ thiếu.

Theo EVNSPC, trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 110kV và trung, hạ thế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 1,4 ngàn tỷ đồng. Trong đó, EVNSPC đầu tư 5 công trình với tổng vốn hơn 727 tỷ đồng và PC Đồng Nai thực hiện 356 công trình đầu tư xây dựng với tổng vốn hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, tổng giá trị đầu tư xây dựng các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh tăng lên hơn 6,7 ngàn tỷ đồng, EVNSPC tiếp tục thực hiện các công trình lưới điện 110kV và lưới phân phối; PC Đồng Nai dự kiến đưa vào vận hành 47 công trình lưới điện 110kV, 322 công trình lưới điện 22-0,4kV.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều