Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải xây dựng được chuỗi liên kết

04:05, 10/05/2021

Đồng Nai đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Đồng Nai đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp, HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất với tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập; đã hình thành nhiều chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Vùng chuyên canh đặc sản bưởi đường lá cam theo chuẩn VietGAP tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu
Vùng chuyên canh đặc sản bưởi đường lá cam theo chuẩn VietGAP tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: LÊ QUYÊN

Tỉnh cũng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng “chất” cho các chuỗi liên kết từ quy mô nhỏ lẻ, cục bộ địa phương dần lớn mạnh, có thể tham gia được vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

* Nâng “chất” cho các chuỗi liên kết

Theo báo cáo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện xây dựng được 133 chuỗi liên kết với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến; 52 HTX và 18 tổ hợp tác. Trong đó, có 84 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô gần 16,4 ngàn ha và 16 dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 5,1 ngàn ha. Trên địa bàn tỉnh có gần 1,4 ngàn ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, hữu cơ; đã có gần 22 ngàn ha diện tích các cây trồng chủ lực xuất khẩu như: xoài, thanh long, chuối, mít… được cấp 86 mã số vùng trồng.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ trong lĩnh vực chăn nuôi hiện toàn tỉnh có 29 chuỗi chăn nuôi với các mặt hàng heo, gà, trứng gà... Toàn tỉnh cũng có 277 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP với sản lượng được chứng nhận là gần 102 ngàn tấn thịt heo/năm, trên 38 ngàn tấn thịt gà/năm và 325 triệu quả trứng gà/năm. Trong lĩnh vực thủy sản toàn tỉnh có 4 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với các mặt hàng tôm, cá. 

Ngoài ra, Đồng Nai đang tập trung triển khai đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030.  Theo ông Hà Duy Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM), đơn vị tư vấn cho đề án trên, mục tiêu của đề án là ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất những nông sản thế mạnh của Đồng Nai với quy mô hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị khép kín, có thương hiệu đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước, xuất khẩu và nguyên liệu cho ngành Chế biến. Qua đó, hỗ trợ nông dân tạo được bước đột phá trong cải thiện về cách thức canh tác, cải thiện về cách thức quản lý, cải thiện về thu nhập… để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Để xây dựng được những chuỗi liên kết đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu cần nhiều giải pháp đồng bộ như: giải pháp về tiêu chuẩn sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng thị trường xuất khẩu; giải pháp về nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Góp ý trong việc xây dựng các chuỗi liên kết đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu, GS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, truy xuất nguồn gốc và quản lý các vùng trồng rất quan trọng vì nó cung cấp thông tin cho người trồng, các nhà phân phối, chế biến nắm để có kế hoạch cung ứng cũng như chế biến. Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có lợi thế để địa phương thu hút, phát triển ngành Công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh phải có quy hoạch về các chủng loại cây; về gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến để hình thành nên những vùng chuyên canh sản xuất, chế biến, xuất khẩu bền vững. “Chính sách phát triển nông nghiệp được cập nhật và thay đổi liên tục, quan trọng nhất là địa phương phải tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp, HTX có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước” - ông Sơn nói.

Với góc nhìn khác, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) chỉ ra điểm yếu của nông sản Việt Nam là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên chỉ cần dịch Covid-19 xảy ra là tình hình xuất khẩu bị tê liệt. Hạn chế lớn nhất là nông dân Việt Nam chưa biết cách bán hàng vì thực tế thương lái Trung Quốc đang đến tận nhà vườn tổ chức thu hoạch, đóng gói nên Việt Nam không nắm rõ quy trình đóng gói, bảo quản.

Đây cũng là lý do việc đầu tư cho nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, bao bì sản phẩm của Việt Nam còn rất sơ sài. Nhiều mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam chỉ đóng gói vào thùng các-tông rồi chất lên xe hàng chở đi tiêu thụ nên thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hư hỏng cao. Doanh nghiệp, HTX trong nước phải xây dựng chuỗi liên kết khép kín, quan tâm đầu tư bảo quản, nhất là khâu bao bì, nhãn hàng hóa thì mới mở rộng được cơ hội xuất khẩu nông sản vào những thị trường khó tính.

Lê Quyên

Tin xem nhiều