Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉnh trang di tích, chuẩn bị vào mùa lễ hội

09:12, 30/12/2021

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022. Nhiều di tích, đình, chùa trên địa bàn tỉnh đã và đang được chỉnh trang, chuẩn bị chào đón năm mới.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng với các di tích được xếp hạng, nhiều di tích phổ thông, đình, chùa trên địa bàn tỉnh đã và đang được chỉnh trang, chuẩn bị cơ sở vật chất chào đón năm mới 2022. Việc chỉnh trang di tích, đình, chùa có sự tham gia của nhiều nghệ nhân có tay nghề trên các lĩnh vực.

Phần mái của chùa Ông hiện đang được chỉnh trang, gắn lại những tượng gốm đã bị mất cắp. Ảnh: My Ny
Phần mái của chùa Ông hiện đang được chỉnh trang, gắn lại những tượng gốm đã bị mất cắp. Ảnh: My Ny

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng nhiều di tích, đình, chùa đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động trong mùa lễ hội đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

* Nỗ lực phục dựng các hiện vật…

Những ngày cuối tháng 12, xưởng gốm Hiến Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) trở nên rộn ràng hơn khi cả chủ và thợ gốm đang tích cực hoàn thiện các sản phẩm gốm phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và gốm để trang trí, phục dựng cho các đình, chùa, miếu… trên địa bàn tỉnh. Có hàng trăm tiểu tượng, linh vật với đủ màu sắc được hoàn thiện và đưa vào lắp ráp trên các di tích.

Chỉ tính riêng tháng 12-2021, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành việc lấy số liệu lập bản đồ GIS các di tích khảo cổ học ở trên địa bàn H.Xuân Lộc, H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh; hoàn thành công tác xếp hạng cấp tỉnh di tích khảo cổ Đồi Phòng không và Suối Linh (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu), di tích đình An Lợi (xã An Phước, H.Long Thành), trình UBND tỉnh xem xét quyết định công nhận di tích cấp tỉnh. Đồng thời, hoàn thành công tác kiểm kê hiện vật di tích Nhà xanh (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa); kiểm kê hiện vật di tích đình Bình Thiền (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa)...

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, chủ xưởng gốm Hiến Nam cho biết, không chỉ trong dịp cuối năm các đình, chùa chỉnh trang di tích chuẩn bị phục vụ du khách nhân dịp Tết đến, Xuân về mà từ đầu năm đến nay xưởng khá bận rộn bởi việc phục dựng các công trình. Hầu hết các di tích, đình, chùa đều có thời gian xây dựng từ hàng trăm đến cả ngàn năm, nhiều sản phẩm gốm trong đó bị mất cắp, hư hao theo thời gian nên việc phục dựng phải đi theo một quy trình, từ khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và lên kế hoạch cụ thể.

“Những dòng gốm trang trí trên nóc các đình, chùa trên địa bàn Biên Hòa - Đồng Nai rất đa dạng gồm: gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, Cây Mai… Mỗi dòng có một đặc điểm, màu men riêng, đòi hỏi phải phục dựng một cách công phu. Ở mỗi công trình, dựa theo yêu cầu của từng đình, chùa mà phục dựng các hiện vật một cách tỉ mỉ, chi tiết sao cho giống với bản gốc từ 80-90%. Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hàng ngàn năm của cha ông trên các di tích” - anh Hiến chia sẻ.

Không chỉ tham gia tu sửa, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, thời điểm này anh Lê Hoàng Vũ (ngụ tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) còn nhận thực hiện trang trí, thiết kế nhiều bình phong, trang thờ, hoành phi câu đối… cho các di tích, đình, chùa trong và ngoài tỉnh. Theo anh Vũ, mỗi di tích thường có rất nhiều hạng mục, điêu khắc, hoa văn, cấu kiện có giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật cao được ông cha tạo dựng bằng nhiều chất liệu. Khi tu bổ, phục dựng, bên cạnh kinh nghiệm và phương pháp bảo tồn truyền thống, rất cần ứng dụng công nghệ hiện đại, bổ sung vật tư mới… làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền cho các công trình mà vẫn bảo đảm giữ được tối đa giá trị gốc.

“Cuối năm là thời điểm các di tích, đình, chùa, cơ sở thờ tự… chỉnh trang lại, chuẩn bị đón Tết, đón người dân đến chiêm bái, ngưỡng vọng. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo các công trình, tôi luôn tâm niệm kéo dài tuổi thọ di tích, gìn giữ, bảo tồn tối đa kiến trúc gốc để lưu giữ nét xưa. Để làm được điều này đòi hỏi người thợ không chỉ có năng khiếu nghệ thuật, am hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa mà còn phải có tâm, yêu nghề. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm sai lệch lịch sử, mất giá trị gốc của di sản...” - anh Vũ bộc bạch.

* Chỉnh trang di tích, chuẩn bị vào mùa lễ hội

Tại di tích chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện đang chỉnh trang, phục dựng các hiện vật trên nóc chùa, đảm bảo hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Quyền Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) cho biết, đa số các hiện vật ở di tích chùa Ông có tuổi đời hàng trăm năm. Trong thời gian vừa qua (cụ thể là Tết năm 2018), chùa Ông bị kẻ gian đột nhập vào lấy cắp các tượng trên nóc chùa. Tuy nhiên, phải đến năm 2021, Ban Trị sự được sự hỗ trợ kinh phí của cộng đồng, các hội quán của chùa Ông mới tiến hành phục dựng lại các tượng đã bị lấy mất.

Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 300 lễ hội truyền thống, ngành nghề và văn hóa được tổ chức tại các di tích xếp hạng và di tích phổ thông. Tuy nhiên, trong năm 2021, nhiều lễ hội đã tạm dừng tổ chức để phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hạn chế mở cửa, đón tiếp du khách đến thăm viếng. Công tác kiểm tra các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng tại các di tích, danh thắng được ngành Văn hóa quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện tốt nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

“Trong quá trình phục dựng gốm trên nóc chùa, Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu đã làm việc với ngành Văn hóa để xin phép theo đúng quy định. Việc phục dựng rất phức tạp, các nghệ nhân phải xem xét từng bức tượng trên cơ sở những hình ảnh được chùa lưu trữ, làm lại với màu sắc, đường nét sao cho giống với hiện vật gốc nhất. Chỉ những tượng nào bị mất cắp hoặc hư hỏng mới thay thế nên khi phục dựng việc lắp ghép những tượng mới vào cụm tượng cũ phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn di tích, đồng thời phù hợp với kiến trúc cổ xưa” - ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chùa Ông đón hàng ngàn lượt người dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, nhất và vào đêm Giao thừa và ngày mùng 1 Tết. Đây cũng là thời điểm diễn ra lễ hội chùa Ông (từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng). Do đó, việc chỉnh trang lại hiện vật trên di tích vừa gìn giữ, phát huy giá trị di tích vừa lan tỏa nét đẹp văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đến du khách gần xa.

Ông Nguyễn Đức Thùy, người trông coi di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ Trịnh Hoài Đức (KP.3, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, vào các dịp lễ, Tết, người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa đến mộ Đức ông dâng hương nhiều hơn so với ngày thường. Do đó, mỗi sáng sớm ông đều mở cửa quét dọn, tưới cây… trong khuôn viên di tích. Đây là việc ông đã thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt hơn 20 năm qua. Tại di tích có một số loại cây cảnh đẹp được ông trồng và chăm sóc góp phần tạo cảnh quan, tăng tính thâm nghiêm, cổ kính của di tích.

Tại các di tích trên địa bàn tỉnh như: Văn miếu Trấn Biên; đình Tân Lân (TP.Biên Hòa); đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa (TP.Long Khánh); đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (H.Trảng Bom)… hiện nay vẫn duy trì các hoạt động vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa, chỉnh trang cảnh quan, cây xanh trong khuôn viên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn di tích. Một số hoành phi, liễn đối, bảng chữ thờ của các di tích: đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), đình Bình Thiền và đình Phước Lư (TP.Biên Hòa)… hiện đã bị hư hỏng. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với các địa phương khảo sát, thống nhất lập hồ sơ để bảo quản, phục hồi.

* Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch

Theo ông Đinh Quốc Hùng, Phó ban Quản lý di tích đình Tân Lân (TP.Biên Hòa), thời gian qua, Ban Quý tế đình đã thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ khuyến cáo 5K, quét mã QR. Trong dịp lễ Kỳ yên đình Tân Lân năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, đình chỉ tổ chức các nghi lễ truyền thống, không tổ chức phần hội. Bà con khi đến dâng hương đều đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (P.Hóa An) đang thực hiện hình tượng con rồng để phục vụ chỉnh trang, tu sửa tại các đình, chùa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: My Ny
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (P.Hóa An) đang thực hiện hình tượng con rồng để phục vụ chỉnh trang, tu sửa tại các đình, chùa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: My Ny

“Không chỉ tuyên truyền đến bà con qua mạng xã hội mà Ban Quý tế đình Tân Lân còn dán các quy định phòng, chống dịch ngay từ ngoài cổng. Các hoạt động đón khách tham quan hay tổ chức nghi lễ truyền thống tại đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ thực hiện theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Hiện nay, hằng tuần, các thành viên của Ban Quý tế đến đình để dọn dẹp vệ sinh; đồng thởi, khử khuẩn, kiểm tra đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại di tích” - ông Hùng chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết, hiện tại Văn miếu đã mở cửa để đón du khách tham quan nhưng vẫn thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của UBND tỉnh và của Bộ Y tế. Do Văn miếu đang trong quá trình chuẩn bị sáp nhập về Bảo tàng tỉnh nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nên chưa có kế hoach cho các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Chờ khi các sở, ngành, đơn vị có kế hoạch phối hợp, Văn miếu sẽ hỗ trợ tổ chức các hoạt động vừa phục vụ các nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Hiện nay, các di tích đã được phân cấp quản lý về cho các địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có các kế hoạch theo tình hình thực tế để tổ chức hoạt động phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người dân và du khách. Phòng Văn hóa - thông tin cấp huyện hướng dẫn ban quý tế, ban trị sự các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo dọn dẹp vệ sinh, treo cờ Tổ quốc, cờ hội, trang trí đèn hoa tại các di tích trong các ngày lễ hội, Tết Nguyên đán. Đồng thời, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh và các quy định phòng, chống dịch. Nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan, không được phép lưu hành, phổ biến văn hóa độc hại, làm ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội tại di tích.

My Ny


Ông HUỲNH HỮU NGHĨA, Quyền Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu (chùa Ông): Có thể không mở cửa đón khách trong những ngày Tết

Tổ chức vui Xuân, đón Tết cổ truyền là hoạt động thường niên được chùa Ông duy trì, thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp, năm nay Ban Trị sự của chùa cũng rất trăn trở với việc nên hay không nên mở cửa trong những ngày Tết. Trong vài ngày tới, Ban Trị sự của chùa sẽ họp bàn và có thể đêm Giao thừa và trong những ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 6) chùa sẽ đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng dịch. Bởi với lượng bá tánh đến chùa ngày thường, chùa có thể đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định, nhưng trong dịp Tết, mỗi ngày vài chục ngàn lượt người đến dâng hương thì nhà chùa không có cách nào thực hiện tốt được công tác phòng, chống dịch. Dự kiến nhà chùa sẽ mở cửa lại vào ngày mùng 7 Tết để phục vụ bà con đến dâng hương. Mặc dù đóng cửa nhưng các lễ nghi truyền thống vẫn được chùa Ông tổ chức với số lượng người theo đúng quy định của UBND tỉnh.

Bà TRẦN NGỌC KIM HÒA (quản lý nhà cổ Trần Ngọc Du, TP.Biên Hòa): Gìn giữ và phát huy giá trị di tích

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số lượng người dân đến tham quan di tích cũng khá khiêm tốn so với trước đây nhưng không vì thế công tác chỉnh trang, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích bị ngưng trệ. Việc vệ sinh, chỉnh trang, cắt tỉa cây trong khuôn viên của nhà cổ, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được chúng tôi thực hiện thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, các di tích cần thêm những hướng dẫn trong việc trùng tu, tôn tạo, hỗ trợ di tích đảm bảo an ninh trật tự, nhất là xử lý các hành vi lấn chiếm xung quanh di tích. Qua đó, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị của di tích trong đời sống hôm nay.

Bà HỒ NGUYỄN TRUNG TRINH, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Nhơn Trạch: Tổ chức các hoạt động đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19

Đón Xuân Nhâm Dần 2022, cũng là thời điểm tròn 1 năm H.Nhơn Trạch đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, với mục tiêu hướng tới là tổ chức cho nhân dân huyện nhà đón Tết vui tươi, bình an và ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch Covid-19, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”, H.Nhơn Trạch đã có kế hoạch chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. Trong đó, sẽ tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết người dân, công nhân lao động ở trọ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; công nhân đang phải ở các khu cách ly y tế, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết…

Ngành Văn hóa của huyện sẽ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, trang trí đèn hoa nghệ thuật; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và biểu diễn văn nghệ lưu động mừng Xuân Nhâm Dần 2022 phục vụ nhân dân với phương châm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tại các di tích sẽ tiếp tục treo cờ, tăng cường công tác kiểm tra, làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn di tích. Qua đó, nhằm cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân được đón một mùa Xuân mới bình an, hạnh phúc; vững tin vào một năm mới thành công, thi đua lập thành tích, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu năm.

My Ny - Đoàn Mai


 

Tin xem nhiều