Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình thành ý thức sống chung với Covid-19

11:12, 03/12/2021

Ngành GĐ-ĐT đã có 2 năm sống chung linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Trong 2 năm qua, không ít lần ngành đã phải chuyển trạng thái dạy và học trực tiếp sang học trực tuyến...

Ngành GĐ-ĐT đã có 2 năm sống chung linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Trong 2 năm qua, không ít lần ngành đã phải chuyển trạng thái dạy và học trực tiếp sang học trực tuyến với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.

Học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) trong ngày đầu học trực tiếp. Ảnh: Đặng Công
Học sinh Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) trong ngày đầu học trực tiếp. Ảnh: Đặng Công

* Con ở nhà, cha mẹ gặp khó

Đã hơn nửa năm nay, hai người con của chị Vũ Thị Ngoan (làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chỉ sinh hoạt trong không gian chật hẹp là căn phòng trọ rộng gần 15m2. Do dịch bệnh Covid-19 trong khu nhà trọ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp nên mỗi ngày trước khi đi làm, chị Ngoan đều dặn con chỉ được ở trong phòng, không ra ngoài để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Chị Ngoan trăn trở: “Để hai con nhỏ trong phòng trọ đi làm, lúc nào tôi cũng lo nguy cơ mất an toàn. Đến trường, con được học hành chu đáo, lại có bạn bè giao lưu chắc chắn sẽ vui hơn, nhưng hiện tại trường vẫn chưa mở cửa trở lại”.

Trong khi đó, em Nguyễn Vũ Ngọc Hạnh, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (P.Long Bình, TP.Biên Hòa), con của chị Vũ Thị Ngoan, cho hay: “Con học online nhiều nên cảm thấy nhức mắt và hay đau đầu vì chiếc điện thoại thông minh của cha mẹ con mua màn hình quá nhỏ. Không những thế, nhiều khi sóng 3G yếu nên việc học của con bị ngắt quãng, không thể hiểu bài một cách trọn vẹn. Do đó, điều con muốn lúc này là được đi học ở trường thay vì học trực tuyến như hiện tại”.

Anh Phạm Văn Huyên (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, hết giãn cách xã hội, chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, vợ chồng anh phải tranh thủ thời gian đi làm để có thêm thu nhập vì năm hết Tết đến chẳng còn bao xa. Thế nhưng, điều mà vợ chồng anh lo nhất lúc này là khi nào con sẽ được trở lại trường.

Anh Huyên cho biết: “Con tôi học lớp 9, đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1. Cháu khỏe mạnh và không có bệnh nền gì cả. Nếu nhà trường tổ chức cho cháu đi học trực tiếp, tôi sẽ đồng ý vì được tiêm vaccine rồi mà chỉ ở nhà học trực tuyến, cha mẹ đi làm cũng không an tâm vì con ở nhà”.

* Còn nhiều băn khoăn

Dù gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi con em mình phải học trực tuyến tại nhà trong thời gian dài vừa qua, chất lượng học trực tuyến không thể bằng trực tiếp nhưng nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý lo lắng khi nghĩ đến chuyện cho con đến trường học trực tiếp. Điều này không chỉ xảy ra với những phụ huynh có con chưa được tiêm vaccine lẫn những phụ huynh có con đã được tiêm vaccine mũi 1 và sắp đến hạn tiêm mũi 2.

Chị Đỗ Thị Kim Loan, có con đang học tại Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết: “Con tôi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Dẫu vậy, tôi vẫn khá lo lắng nếu phải cho con đến trường học trực tiếp. Vì khi đến trường con sẽ tiếp xúc nhiều với bạn bè trong lớp, dẫn đến lây nhiễm Covid-19 vì khoảng cách giữa các học sinh với nhau không đủ an toàn. Thêm vào đó, không phải học sinh nào cũng ý thức được giữ gìn an toàn phòng dịch”.

Trong khi đó, anh Giang Văn Bài, phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) thì cho rằng: “Học sinh đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì nên đi học, nhưng nhà trường phải có phương án an toàn cho học sinh. Chẳng hạn một lớp có 45 em học sinh thì có thể chia làm 2 lớp để đảm bảo khoảng cách. Hoặc trước mắt các trường có thể bố trí học trực tiếp 3 buổi/tuần với những môn học trọng tâm, còn lại có thể học trực tuyến.

Còn chị Vũ Thị Kim Hà, phụ huynh tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thì nêu tâm tư: “Với biến chủng Delta tôi đã quá lo lắng, hiện tại lại xuất hiện biến chủng mới Omicron thì tôi càng hoang mang hơn. Hơn nữa, số ca nhiễm mỗi ngày trong cộng đồng hiện tại vẫn rất cao thì việc cho con đến lớp học trực tiếp sẽ khiến tôi càng trở nên thận trọng hơn”.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho rằng, TP.Biên Hòa hiện chiếm tới 1/3 số học sinh toàn tỉnh, đây chính là một áp lực rất lớn cho thành phố trong việc mở cửa lại trường học, nhất là trong điều kiện số ca nhiễm mới có dấu hiệu tăng trở lại khi hết giãn cách xã hội. Không chỉ có số lượng học sinh đông, nhiều trường trên địa bàn thành phố có sĩ số học sinh/lớp còn vượt quy định tối thiểu, đây cũng là mối lo ngại khi phải học trực tiếp. Ngoài số lượng học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19, hiện nay vẫn còn hàng ngàn trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm, do chưa có vaccine cho lứa tuổi này. Do đó, kêu gọi học sinh đến lớp khi các em chưa được tiêm vaccine cũng là một khó khăn.

GS-TS-BS NGÔ QUÝ CHÂU, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam: Những ca nhiễm Covid-19 ở trẻ em thường ít có triệu chứng và ít có nguy cơ chuyển nặng như với người lớn. Các biểu hiện thường gặp là sốt, ho, có trường hợp bị viêm phổi nhưng không đến mức nặng. Đối với những trẻ em bị béo phì, tiểu đường, tim, hen suyễn nhưng không được điều trị thì nguy cơ chuyển nặng giống với người lớn. Do đó, những phụ huynh có con em bị béo phì hay các bệnh nền nói trên cần bảo vệ con em mình tốt hơn.

Đặng Công

 

Tin xem nhiều