Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành cơ khí và khẩu hiệu ''make in Vietnam''

10:12, 01/12/2021

Năm 2019, cụm từ "make in Vietnam" được Chính phủ truyền đi rộng rãi, như một lời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt nhấn mạnh đến các DN trong ngành cơ khí, chế tạo, tập trung năng lực và công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam.

Năm 2019, cụm từ “make in Vietnam” được Chính phủ truyền đi rộng rãi, như một lời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt nhấn mạnh đến các DN trong ngành cơ khí, chế tạo, tập trung năng lực và công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam. “Make in Vietnam” là cụm từ mang tính chủ động, chỉ những sản phẩm có tính sáng tạo, có thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và có sự phát triển, đóng góp vào lĩnh vực công nghệ, góp phần phát triển cộng đồng công nghệ.

Cách đây vài chục năm, ngành cơ khí, chế tạo của Việt Nam từng “mang tiếng” khi bị nhận xét nửa đùa nửa thật là “không thể tự sản xuất một con ốc vít”. Thực ra, câu chuyện này không hẳn hoàn toàn đúng, bởi ở thời điểm đó, Việt Nam hội nhập chưa lâu, DN còn bỡ ngỡ trước những yêu cầu cao về công nghệ. Và “con ốc vít” trong câu chuyện này cũng không phải là con ốc bình thường mà nó đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao với những yêu cầu khắt khe cho DN, từ bảo vệ môi trường đến quản trị DN, thời gian giao hàng, cam kết về sản lượng…

Đến thời điểm này thì “câu chuyện ốc vít” đã trở thành quá khứ. DN ngành cơ khí, chế tạo nói chung đã có những bước tiến vượt trội sau nhiều năm tham gia sâu vào hội nhập quốc tế. Một số ví dụ tiêu biểu như một DN thuộc Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội chính thức tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu, hoặc các dòng sản phẩm Make in Vietnam như: điện thoại, xe ô tô với ứng dụng công nghệ AI hay các tập đoàn viễn thông Việt Nam làm chủ công nghệ 5G… đã chứng minh câu chuyện “Việt Nam không làm nổi ốc vít” đã không còn phù hợp. Ngay tại Đồng Nai, một số DN trong ngành cũng đã cung cấp hàng được cho các DN, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… với hàm lượng công nghệ cao và những đòi hỏi khắt khe khác về quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, cũng cần thấy một thực tế là so với tiềm năng và kỳ vọng, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa mới đạt tới chuẩn “công nghệ cao” như yêu cầu của thị trường hiện nay. Việc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, tăng hàm lượng chất xám, tăng giá trị cho các sản phẩm cơ khí chế tạo sản xuất từ các DN trong nước cũng đang được nỗ lực thực hiện, song tốc độ vẫn chậm hơn các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.

Chính phủ, các DN, các chuyên gia trong ngành cũng xác định rõ, các yếu tố quan trọng cần cải thiện nhanh chóng để các DN trong ngành có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là vấn đề nhân lực, hệ thống quản lý, máy móc, vật tư, công nghệ... Các yếu tố này khó có thể đổi mới, nâng cấp ngay trong một sớm một chiều, nhưng luôn phải đóng vai trò định hướng để DN trong ngành nỗ lực cải thiện. Có như vậy, thông điệp “Make in Vietnam” mới ngày càng trở thành một thông điệp thực chất và mạnh mẽ.

Vi Lâm

Tin xem nhiều