Báo Đồng Nai điện tử
En

Gạn đục, khơi trong các dự án bất động sản

08:05, 05/05/2022

Năm 2022, HĐND tỉnh tiến hành hủy bỏ 62 dự án bất động sản có tổng diện tích hơn 1 ngàn ha nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015-2019 nhưng không tiến hành thực hiện theo đúng quy định. Các dự án quá hạn bị hủy bỏ giúp giảm bớt tình trạng dự án "treo",..

Năm 2022, HĐND tỉnh tiến hành hủy bỏ 62 dự án bất động sản (BĐS) có tổng diện tích hơn 1 ngàn ha nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015-2019 nhưng không tiến hành thực hiện theo đúng quy định. Các dự án quá hạn bị hủy bỏ giúp giảm bớt tình trạng dự án “treo”, vốn gây bức xúc cho người dân từ nhiều năm nay.

HĐND tỉnh giám sát dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn (H.Nhơn Trạch). Ảnh: HƯƠNG GIANG
HĐND tỉnh giám sát dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hương Giang

Trong giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn Đồng Nai quy hoạch sử dụng đất hơn 300 dự án BĐS gồm đất nền, nhà ở với diện tích gần 9,3 ngàn ha; trong đó, có nhiều dự án lớn có diện tích lên đến trên 100ha. Số dự án hoàn thành trong giai đoạn trước không nhiều, đa số được chuyển sang giai đoạn 2021-2030 để thực hiện tiếp.

* Hủy bỏ hàng loạt dự án

Qua tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh, khu vực được quy hoạch, cấp phép nhiều dự án BĐS là H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Trong đó, có những dự án đã kéo dài 8-14 năm vẫn chưa thành hình, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân nằm trong vùng dự án và kinh tế các địa phương cũng khó phát triển. Do đó, rất nhiều người dân mong muốn UBND tỉnh kiểm tra lại tất cả các dự án, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực, để dự án quá hạn thì hủy bỏ, trả lại quyền lợi trên mảnh đất cho người dân.

Bà Lê Thị Linh (ngụ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) bày tỏ: “Dự án Khu dân cư (KDC) Phú Hữu rộng 56ha, lấy gần hết đất ở, canh tác của gia đình tôi, song dự án kéo dài gần 10 năm nay chưa triển khai khiến gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đất bị quy hoạch muốn tách ra chia cho các con, hay vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng khó khăn. Vì thế, tôi chỉ mong huyện, tỉnh xem xét lại, trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện triển khai thì hủy bỏ dự án, trả lại quyền lợi trên thửa đất cho gia đình tôi và các hộ dân trong dự án”.

Cuối năm 2021, qua rà soát các dự án để đưa vào danh mục thu hồi đất cho năm 2022, HĐND tỉnh đã tiến hành hủy bỏ 62 dự án BĐS ở nhiều địa phương trong tỉnh. Địa phương có nhiều dự án bị hủy bỏ là các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa. Trong số những dự án bị hủy bỏ, có không ít dự án đã được HĐND tỉnh đưa vào danh mục thu hồi đất từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Đơn cử là H.Nhơn Trạch có 36 dự án BĐS bị hủy bỏ, đa số những dự án trên nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015-2018 như: Khu đô thị Đại Phước 130ha; KDC Đại Phước - Phú Hữu rộng 64ha thuộc địa bàn 2 xã Đại Phước, Phú Hữu; KDC 90ha ở xã Phú Thạnh; KDC Phước An 70ha.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát khu dân cư tại H.Nhơn Trạch
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát khu dân cư tại H.Nhơn Trạch

Huyện Trảng Bom cũng có nhiều dự án BĐS lớn để quá thời hạn không thực hiện thu hồi đất bị hủy bỏ là: KDC mật độ thấp 50ha nằm trên địa bàn 3 xã Quảng Tiến, Đồi 61, Giang Điền; KDC dịch vụ Giang Điền (khu B) 105ha; KDC dịch vụ Giang Điền (Long Điền) 97ha.

Huyện Long Thành có KDC đô thị mới Bình Sơn 555ha thuộc các xã Bình Sơn, Lộc An…

Bà Đào Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Quy hoạch Sở TN-MT cho biết: “Cứ vào cuối năm, các địa phương trong tỉnh đều gửi lên Sở TN-MT hàng trăm dự án để đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho năm sau. Khi nhận danh sách trên, Sở đều tiến hành rà soát lại và loại ra rất nhiều dự án quá thời hạn nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án do vướng mắc ở một số khâu về quy hoạch, đất đai, xây dựng nên kéo dài và tỉnh tiếp tục cho gia hạn, trong đó có không ít dự án KDC”.

* Tìm nhà đầu tư đủ lực

Trong giai đoạn 2005-2015, việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép cho các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh còn dễ, vì thế doanh nghiệp ồ ạt về Đồng Nai đề xuất cho thực hiện hàng trăm dự án. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư không được tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính, kinh nghiệm dẫn đến hàng loạt dự án BĐS của Đồng Nai sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không đủ khả năng hoặc xin cấp phép dự án rồi để đó, đợi giá đất tăng sẽ tìm doanh nghiệp khác chuyển nhượng lại dự án bằng hình thức bán cổ phần, góp vốn. Có những dự án BĐS ở Đồng Nai đã được chuyển nhượng qua tay 3-4 chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục, thu hồi đất để khởi công xây dựng. Và mỗi thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS tại Đồng Nai, chủ đầu tư thu về từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế để đầu tư dự án trên các lĩnh vực. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều dự án hạ tầng giao thông được triển khai, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp, BĐS. Do đó, nhiều dự án BĐS đã được sang tay cho các chủ đầu tư khác bằng cách mua bán cổ phần, góp vốn, chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư thường chọn phương án mua cổ phần của doanh nghiệp làm chủ dự án hoặc là hợp tác góp vốn, vì việc chuyển nhượng dự án thủ tục phức tạp nên ít doanh nghiệp thực hiện. Tỉnh đang cho rà soát lại tất cả dự án BĐS trên địa bàn, những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để nhượng lại, không đủ khả năng về tài chính để thực hiện sẽ tiến hành thu hồi để mời gọi những doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.

Đầu tư một KDC ở Đồng Nai cần có nguồn vốn từ vài trăm đến hàng chục ngàn tỷ đồng, tùy theo quy mô dự án. Vì vậy, trong khâu lựa chọn nhà đầu tư rất cần kỹ lưỡng để “gạn đục, khơi trong” tìm được doanh nghiệp có đủ lực thực hiện thì dự án BĐS mới triển khai đúng quy hoạch và thời gian quy định.

Hương Giang


Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh: Dự án kéo dài ảnh hưởng lớn đến người dân

Các dự án kéo dài không triển khai ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch dự án. Trong đó, có nhiều dự án khu dân cư, dự án đường giao thông, công trình công cộng đưa vào danh mục, kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất nhưng nhiều năm chưa thực hiện. Theo quy định, dự án đưa vào danh mục thu hồi đất 3 năm không triển khai sẽ tiến hành hủy bỏ dự án; trường hợp nếu gặp khó khăn về thủ tục, hồ sơ, quy hoạch… có thể xem xét gia hạn tiếp.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành: Đề xuất thu hồi nhiều dự án

Cứ mỗi quý, huyện đều tiến hành rà soát các dự án khu dân cư và dự án trên các lĩnh vực khác để nhắc nhở nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Trường hợp chủ đầu tư dự án gặp khó khăn, huyện sẽ kịp thời tháo gỡ. Trên địa bàn H.Nhơn Trạch có nhiều dự án chậm tiến độ do các nguyên nhân như: vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện, chủ đầu tư cố tình kéo dài dự án chờ thời. Với những chủ đầu tư không đủ khả năng thực hiện hay cố tình kéo dài dự án, huyện đều đề xuất tỉnh thu hồi.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB BĐS Việt Nam: BĐS Đồng Nai hấp dẫn nhà đầu tư

Đồng Nai là khu vực có rất nhiều doanh nghiệp trong CLB muốn đầu tư dự án BĐS về nhà ở. Qua đại dịch Covid-19, nhiều người dân tại TP.HCM có xu hướng dời về sinh sống ở các khu vực ven thành phố. Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM khởi động sẽ là cơ hội tốt để Đồng Nai thu hút đầu tư vào dự án BĐS và người về sinh sống. Tỉnh nên chọn lựa những doanh nghiệp có năng lực về tài chính, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện các dự án khu dân cư. Quá trình doanh nghiệp triển khai dự án, tỉnh giám sát chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ, nhắc nhở để họ làm đúng theo lộ trình đã cấp phép.

Nguyệt Hạ (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích