Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm nông giữa lòng đô thị

08:06, 14/06/2022

Đồng Nai có nhiều địa phương định hướng phát triển thành phố, đô thị lớn. Tuy cùng mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhưng tùy vào lợi thế, đặc thù mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho nông nghiệp đô thị của tỉnh.

Đồng Nai có nhiều địa phương định hướng phát triển thành phố, đô thị lớn. Tuy cùng mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhưng tùy vào lợi thế, đặc thù mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho nông nghiệp đô thị của tỉnh.

Mô hình trồng rau công nghệ cao tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Đặc biệt, Đồng Nai đang triển khai đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm 7 địa phương: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và Vĩnh Cửu. Mục tiêu của đề án là thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Đô thị hiện đại đòi hỏi làm nông hiện đại

Tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đô thị trên địa bàn Đồng Nai là phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Mục tiêu là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp chế biến...

Ngoài ra, các vùng nông nghiệp đô thị cần thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị hình thành các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Trong đó, các mô hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường được khuyến khích nhân rộng.

Ông Tống Văn Sỹ, nông dân nuôi cá đặc sản, cá kiểng tại làng cá bè P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, từ trước đến nay, bè cá chủ yếu nuôi các loại các đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: cá hô, cá quế, cá trắm đen… Nhờ kinh nghiệm nuôi lâu năm, bè cá tự sản xuất được con giống, xây dựng quy trình nuôi đến ra sản phẩm nên tỷ lệ cá đạt cao. Mặt khác, dòng cá kiểng do ít người đầu tư, nhu cầu của thị trường về sản phẩm cá kiểng ngày càng lớn nên bè nuôi luôn đạt lợi nhuận tốt dù thời gian qua, thị trường cá thương phẩm gặp nhiều biến động.

Cũng với tư duy làm nông hiện đại, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (xã Phước An, H.Nhơn Trạch) Nguyễn Huy Bình chia sẻ, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ tại địa phương đang chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh vì mô hình này đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Ngoài ra, các thành viên trong HTX rất quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi tôm theo quy trình an toàn, làm ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường để có đầu ra ngày càng bền vững.

* Tạo hệ sinh thái thu hút đầu tư

Với mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, các vùng nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút nhà đầu tư, góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Với định hướng xây dựng H.Long Thành thành đô thị sân bay, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết, địa phương đang tập trung đầu tư hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của H.Long Thành ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao.

Hiện H.Long Thành đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho hay, theo kế hoạch sử dụng đất của H.Nhơn Trạch đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh còn tiềm năng phát triển và huyện cũng đang kêu gọi và tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, dần hình thành liên kết các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nông dân, doanh nghiệp nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, huyện rất quan tâm đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững.

TP.Long Khánh có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn. Từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tập trung phát triển mô hình du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với làm nông nghiệp thuần túy.

Bình Nguyên


TS LÊ QUÝ KHA, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Kết nối các vùng nông sản an toàn phục vụ đô thị sân bay Long Thành

Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm là thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Đồng Nai trong tương lai. Tỉnh nên đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông kết nối các địa phương vùng phụ cận sân bay, xây dựng các vùng nông sản an toàn hướng đến phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế của sân bay này.

Với vị trí địa lý thuận lợi kết nối với nhiều thị trường tiêu thụ lớn, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thực tế, tôi thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao khá bài bản. Họ chỉ cần một lao động để điều khiển máy móc cho trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô hàng chục ngàn con, giảm giá thành sản phẩm xuống gần một nửa so với cách nuôi thủ công truyền thống. Tỉnh nên quan tâm đầu tư hơn về hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để thu hút thêm các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản bền vững.

Ông LÊ TRẦN BÁ THÔNG, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX (Khu công nghiệp Lộc An, H.Long Thành): Đồng Nai có thế mạnh nuôi thủy sản công nghệ cao

Tôi thấy Đồng Nai có tiềm năng lớn phát triển ngành nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Chính quyền tỉnh rất quan tâm phát triển ngành nuôi thủy sản với nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư. Lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu con tôm Việt Nam còn rất lớn. Các huyện Long Thành, Nhơn Trạch đều là những vùng nuôi rất tốt.

Đây là lý do để doanh nghiệp quyết định đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản quy mô lớn tại Đồng Nai. Hướng tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư các nông trại nuôi tôm trình diễn làm mô hình điểm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Ông HỒ QUỐC THÁI, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP.HCM): Cơ hội lớn đầu tư vào chế biến

Tôi chọn về TP.Long Khánh đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản vì tỉnh Đồng Nai nói chung, Long Khánh nói riêng có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Trong thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà máy chế biến của chúng tôi vẫn tăng công suất hoạt động vì nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của chính quyền tỉnh, địa phương cũng như các sở, ngành liên quan của Đồng Nai trong việc tổ chức làm việc “3 tại chỗ”, hỗ trợ cho đội ngũ lao động sớm được chích vaccine ngừa Covid-19… Điều này càng khẳng định thêm quyết tâm của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu tại địa phương trong thời gian tới.

Trái cây chế biến của Việt Nam không thua kém về chất lượng so với các nước trên thế giới. Chúng ta lại có lợi thế có nguồn trái cây nhiệt đới rất đa dạng, nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào, tươi ngon. Đây là lý do dù đã đầu tư 2 nhà máy chế biến trái cây ở Đồng Nai và liên kết đầu tư nhà máy sản xuất kẹo trái cây tại TP.HCM, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng thêm nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.         

Lê Quyên (ghi)


 

Tin xem nhiều