Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ hết thiếu giáo viên?

08:03, 11/03/2023

Ngành GD-ĐT đang trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 với những thiếu thốn về nguồn lực cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong đó, thiếu giáo viên đang là cản trở lớn để có thể triển khai chương trình một cách toàn diện.

Ngành GD-ĐT đang trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 với những thiếu thốn về nguồn lực cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong đó, thiếu giáo viên đang là cản trở lớn để có thể triển khai chương trình một cách toàn diện.

Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) thực hành Tin học trong môn công nghệ lớp 3. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) thực hành Tin học trong môn công nghệ lớp 3. Ảnh: C.Nghĩa

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học cần phải có thời gian đi kèm với các chính sách đồng bộ mới có thể khắc phục.

* Triển khai trong thế khó

Chương trình GDPT mới đến nay đã triển khai từ lớp 1 đến lớp 3 đối với bậc tiểu học, lớp 6 và 7 đối với bậc THCS và lớp 10 đối với bậc THPT. Theo lộ trình thực hiện, đến năm học 2024-2025, học sinh các bậc học từ tiểu học đến THPT sẽ học hoàn toàn theo chương trình mới. Trước khi bắt tay triển khai chương trình mới, ngành GD-ĐT đã có sự nỗ lực chuẩn bị, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bên cạnh đó là đầu tư cho cơ sở vật chất. Những khó khăn đã được ngành GD-ĐT nhận diện, nhưng không phải khó khăn nào cũng khắc phục được ngay, trong đó có vấn đề con người.

Ngành GD-ĐT Đồng Nai còn thiếu gần 1.650 biên chế giáo viên

Để triển khai chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT Đồng Nai cần tối thiểu 23.672 giáo viên cho các bậc học, trong đó có gần 1.650 biên chế, vì vậy các trường không đủ giáo viên để giảng dạy và thực hiện chương trình. Khi chương trình được phủ toàn diện ở các khối từ lớp 1 đến lớp 12 trong 2 năm học sắp tới, nhu cầu biên chế giáo viên sẽ tiếp tục tăng, dự kiến lên đến gần 40 ngàn biên chế.

Theo Chương trình GDPT mới, đối với bậc THPT, ngoài 2 tổ hợp môn chính tự nhiên và xã hội, học sinh còn được tự chọn 2 môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Tuy nhiên, ngay trong năm học

2022-2023 - năm đầu tiên thực hiện chương trình mới với lớp 10, hầu hết các trường THPT không thể triển khai được 2 môn học này do không có giáo viên.

Em Phạm Thị Thu Hương, học sinh lớp 10 Trường THPT Lâm nghiệp (H.Trảng Bom) cho biết: “Em rất muốn học môn Mỹ thuật để định hướng theo học ngành thiết kế thời trang nhưng nhà trường lại không có môn học này. Để có thể “nuôi” mơ ước học ngành thời trang, hàng ngày em vẫn tự luyện vẽ”.

Là trường tiểu học ở một “siêu phường” với số lượng học sinh lên đến trên 3 ngàn em, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Thị Thủy cho hay, năm học này đến lượt học sinh lớp 3 của trường học theo chương trình GDPT mới. Môn học mới bắt buộc nhà trường phải dạy là Tin học. Đầu năm học, nhà trường được bổ sung 1 giáo viên dạy môn Tin học từ một trường THCS ở phường chuyển sang. Hiện giáo viên này đang dạy Tin học cho 16 lớp khối 3 và về cơ bản đảm bảo được giáo viên đối với môn học này. Tuy nhiên, năm học 2023-2024 và 2024-2025, khi chương trình mới được triển khai thêm khối 4 và 5 thì một giáo viên sẽ không thể nào đủ. Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục kiến nghị Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa xem xét, hỗ trợ.

* Cần giải pháp khắc phục

Mục tiêu của chương trình GDPT mới là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; đồng thời, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu này được hướng đến học sinh của từng bậc học, từ tiểu học đến THPT.

Chẳng hạn, với bậc THPT, mục tiêu của chương trình GDPT là giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. Tuy nhiên, với điều kiện còn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn con người như hiện nay thì quá trình triển khai chương trình sẽ không đạt được mục tiêu toàn diện.

Kiến nghị không giảm biên chế với ngành Giáo dục

Tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về Chương trình GDPT mới năm 2018 và thay sách giáo khoa, Sở GD-ĐT mong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ Nội vụ không giảm biên chế của ngành Giáo dục Đồng Nai vì số lượng học sinh hàng năm của tỉnh tăng khá mạnh, trong khi đó theo định biên giáo viên của chương trình cũ là 1,25 giáo viên/lớp, còn với chương trình mới là 1,5 giáo viên/lớp.

Hiệu trưởng một trường công lập tại TT.Long Thành (H.Long Thành) cho hay, triển khai chương trình GDPT mới phải đồng bộ từ gốc đến ngọn thì cuối cùng mới đạt được kết quả. Chẳng hạn, việc triển khai môn Tiếng Anh tiểu học trước đây chỉ có 2 tiết/tuần nhưng nay tăng lên 4 tiết/tuần khiến nhà trường không kịp chuẩn bị giáo viên. Hay môn Tin học, theo chương trình mới bắt buộc thực hiện từ lớp 3, sắp tới là lớp 4 và 5, nhưng nhà trường lại không được giao biên chế. Để có giáo viên thì phải hợp đồng và cân đối kinh phí trả lương theo tiết, hoặc phải tận dụng những giáo viên có chứng chỉ Tin học tương đương trình bộ B đứng ra giảng dạy thêm môn này.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, tồn tại trong 3 năm triển khai chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên bậc THCS-THPT thừa, thiếu cục bộ, trong đó giáo viên đơn môn sẽ thừa nhưng giáo viên các môn nghệ thuật lại thiếu, còn giáo viên các môn tích hợp lại chưa được bồi dưỡng kịp thời. Chẳng hạn, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật hiện nay ở các trường THPT đều trong tình trạng thiếu nên không thể triển khai dạy khi có học sinh đăng ký các môn học này.

Nói về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Trường đại học Đồng Nai và các trường đại học sư phạm khác có đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng và đào tạo giáo viên, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đang trong quá trình xây dựng đề án hỗ trợ để thu hút giáo viên có chuyên môn về Mỹ thuật, Âm nhạc và các môn học khác vào giảng dạy. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên liên môn, từ đó khắc phục dần những khó khăn về thiếu thốn đội ngũ giáo viên.


Giám đốc Sở GD- ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: Nhiều học sinh muốn học Mỹ thuật và Âm nhạc

Nhu cầu học các môn Mỹ thuật, Âm nhạc của học sinh là có, nhưng hiện nay nguồn giáo viên không có. Khi triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 10, một số trường THPT có học sinh đăng ký học các môn này nên các trường đã hợp đồng với giáo viên THCS để dạy cho các em. Sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép những người có năng khiếu thiên về mỹ thuật và âm nhạc vào các trường phổ thông để dạy các môn này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không chấp thuận, vì theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên phải có bằng cử nhân, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH: Cần chính sách thu hút và đào tạo giáo viên Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật

Nhiều năm nay, ngành GD-ĐT TP.Biên Hòa gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên một số bộ môn, trong đó có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Nguyên nhân, ngoài mức lương thấp còn phải kể đến nguồn tuyển rất hạn chế. Số lượng sinh viên các ngành nói trên hàng năm tốt nghiệp ra trường ít. Do đó, tỉnh cần có cơ chế đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm đào tạo cho tỉnh, có chính sách thu hút giáo viên các ngành nói trên để về giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của tỉnh.


Công Nghĩa

Tin xem nhiều