Báo Đồng Nai điện tử
En

Tọa đàm: "Đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân"

08:02, 24/02/2016

(ĐN)- Như tin đã đưa, ngày 24-2, Báo Đồng Nai phối hợp Sở Y tế tổ chức buổi Tọa đàm: "Đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân" nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

(ĐN)- Như tin đã đưa, ngày 24-2, Báo Đồng Nai phối hợp Sở Y tế tổ chức buổi Tọa đàm: “Đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân” nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Báo Đồng Nai online (từ 8 giờ - 11 giờ 30 phút) tại địa chỉ: http://www.baodongnai.com.vn/.

Video: Đổi mới để làm hài lòng bệnh nhân

Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi toạ đàm

Cùng chủ trì buổi tọa đàm có: Nhà báo Trần Huy Thanh, Tổng biên tập Báo Đồng Nai và Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai...Các đồng chí: Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành; các cơ sở y tế trong tỉnh và đại diện các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã đến dự....

Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Nhà báo Trần Huy Thanh, Tổng biên tập Báo Đồng Nai nhấn mạnh, thực tế thời gian qua cho thấy, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân. Trong đó, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại,... ngành còn triển khai nhiều hình thức nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, người bệnh vẫn chưa thật hài lòng và mong muốn nhiều hơn nữa vào sự đổi mới của ngành y tế. Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một nhiệm vụ hết sức vinh dự nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhân viên y tế. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, thì ngành y cũng không thể đứng ngoài cuộc mà phải đổi mới, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với ngành là phải thay đổi được nhận thức của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế trong khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh. Đây cũng là lý do mà trong dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc 27-2 năm nay, Báo Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế tổ chức chương trình tọa đàm “Đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân” với mong muốn lắng nghe, chia sẻ từ những người trong cuộc về thuận lợi, khó khăn, cũng như giải pháp cụ thể để triển khai một cách hiệu quả, thực chất nhiệm vụ quan trọng này.

Phát sĩ Hằng phát biểu
Phó giám đốc Sở Y tế Trương Thị Thu Hằng

Phó giám đốc Sở Y tế Trương Thị Thu Hằng cho biết, nhiều năm trước đây, khó khăn về cơ sở vật chất khiến bệnh nhân nằm đôi, nằm ba, trong không gian chật chội. Ở giai đoạn đó, bệnh nhân có tiền chữa bệnh cũng khổ, mà không có tiền cũng khổ, vì cơ sở chỉ có thế thôi, nói như vậy để thấy sự chuyển biến của ngành y tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ.

Tuy nhiên,cũng theo Phó giám đốc Sở Trương Thị Thu Hằng, sự thay đổi về phong cách thái độ phục vụ chuyển đổi chưa đồng bộ với sự thay đổi về cơ sở vật chất; chỉ số hài lòng của bệnh nhân vẫn chưa cao. Vậy, đây có phải là lý do chính để các cơ sở y tế nhà nước đổi mới phong cách phục vụ? Lý do này đúng nhưng chưa đủ, vì hiện nay bệnh nhân có yêu cầu cao hơn khi đến khám, chữa bệnh. Họ muốn khám nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn nên lựa chọn cơ sở thuận lợi; họ ý thức hơn quyền lợi của người bệnh qua việc gọi đường dây nóng, lãnh đạo bệnh viện, qua hòm thư góp ý, qua kênh tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân; đổi mới trong cơ chế tự chủ tài chính tiến tới cân đối nguồn thu cũng ảnh hưởng đến áp lực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ trong cơ sở y tế nhà nước ngày càng lớn hơn, cả trong tư duy, nhận thức, lấy người bệnh là trung tâm chăm sóc, phục vụ; lấy chỉ số hài lòng của người bệnh làm thước đo về chất lượng hoạt động của mình.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ phải bắt đầu từ cá nhân con người trong từng tổ chức. Muốn đổi mới, phải đặt mình trong tình trạng của bệnh nhân, trong tình trạng lo âu bệnh tật, bởi có đặt mình vào tình cảnh bệnh nhân mới hiểu để có hành động cụ thể, với các giải pháp thay đổi từ tác phong, biểu cảm, cách ăn nói, nhất là triển khai đường dây nóng. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người là quan trọng phải lấy bệnh nhân là trung tâm, là người nhà của mình.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm chia sẻ, qua khảo sát sự hài lòng của người bệnh với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho thấy, do áp lực tăng, sự hài lòng có sụt giảm, vì thời gian khám bệnh hơi dài. Năm 2016, bệnh viện sẽ có một số giải pháp để đổi mới như: tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp, ứng xử cho các cán bộ, nhân viên y tế; bệnh viện triển khai thi đua giữa các khoa với sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân; khảo sát sự hài lòng của nhân viên với khoa, phòng và ban giám đốc. Cũng theo Phó giám đốc Lê Thị Phương Trâm, thì không phải một ngày một bữa mà thực hiện được, sẽ có lộ trình cụ thể để đổi mới.

Bác sĩ Sử Sơn
Bác sĩ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh

Bác sĩ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh thì cảm ơn Báo Đồng Nai và Sở Y tế đã tổ chức tọa đàm rất có ý nghĩa này. Với tâm tư một người trong ngành y, theo bác sĩ Sơn, chữ "khách hàng" không đầy đủ bằng 2 chữ "người bệnh". Vì người bệnh có tình huống không phải khách hàng nhưng chúng ta vẫn phải phục vụ. Như nửa đêm có bệnh nhân tự tử, dù biết họ không cần đến chúng ta nhưng chúng ta phải phục vụ. Nếu dùng chữ khách hàng thì phải là khách hàng đặc biệt.

Cũng theo bác sĩ Sơn, trong ngành y có 2 từ đạo đức, nhưng để làm cho tròn là rất khó. Quá trình tác nghiệp của những người làm y tế rất khó khăn, nhất là các khâu hành chính, thủ tục,... chưa đáp ứng công tác khám, chữa bệnh nhanh gọn. Chúng ta có thể không có cơ sở vật chất đẹp, nhưng bắt buộc chúng ta phải có tấm lòng hơn những nơi khác. Hàng ngày, chúng ta đón nhận từ 1 đến 2 ngàn người đến khám, những phản ánh về tinh thần, thái độ giảm đi nhiều, cho thấy chỉ đạo của ngành y tế rất sát sao và bệnh viện triển khai nghiêm túc. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh luôn chú trọng nâng cao phong cách, thái độ phục vụ, nên bây giờ chúng tôi làm cho tốt hơn thôi chứ không phải đổi mới...

Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, việc tổ chức tọa đàm về đổi mới phong cách thái độ phục vụ là một việc làm quan trọng, có ý nghĩa rất lớn. Đây không chỉ là dịp tìm kiếm giải pháp thiết thực nâng cao đổi mới, mà còn có tác động quảng bá rộng rãi chủ trương đổi mới này để tạo sự đồng thuận trong ngành, cũng như trong nhân dân.

Về đổi mới, theo đồng chí Đặng Mạnh Trung, nên bắt đầu từ đổi mới nhận thức. Nghĩa là phải nhận thức lại, chỗ nào nhận thức đúng rồi thì nhận thức đúng hơn, chỗ nào chưa nhận thức đầy đủ phải sinh hoạt lại. Nghề y là nghề đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Yếu tố tự giác là yếu tố hàng đầu trong giáo dục thay đổi nhận thức. Song song đó, vấn đề hành động cũng rất quan trọng. Tất cả mọi người phải hành động, nghĩa là không riêng lãnh đạo, thầy thuốc, mà cả nhân viên y tế cũng cần phải có việc làm cụ thể, hành động cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, ngành y tế đóng vai trò tiên phong trong triển khai các giải pháp nâng cao y đức, trong đó cần nêu cao vai trò quan trọng của người đứng đầu; nâng cao trình độ năng lực của người thầy thuốc; chú trọng tạo chuyển biến trong giao tiếp ứng xử...để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn...

Bác sĩ Bùi Văn Xờ, Trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức
Bác sĩ Bùi Văn Xờ, Trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức

Bác sĩ Bùi Văn Xờ, Trưởng phòng khám đa khoa Tam Đức cho rằng, nội dung cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa, bởi hiện nay, phong cách, thái độ phục vụ cán bộ y tế đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Trong xu hướng đổi mới và hội nhập, không chỉ cơ sở y tế nhà nước, mà các cơ sở y tế tư nhân cũng phải chú trọng, chứ không làm tùy tiện. Sức ì tác phong thời kỳ bao cấp đè nặng tư duy cán bộ, nhân viên ngành y tế cả nước, chứ không riêng chúng ta. Đào tạo 5-6 năm, nhưng thu nhập bác sĩ còn quá thấp đã tác động đến người thầy thuốc, nhân viên y tế, năng suất lao động có thể giảm. Do đó, phải làm sao để người lao động có thu nhập cao; cần tính thu nhập tăng theo năng suất lao động, làm nhiều, hưởng nhiều để tạo sự công bằng, giữ chân bệnh nhân. Hàng ngày, lãnh đạo bệnh viện phải sâu sát, kịp thời, giải quyết tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai
Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai nói, chúng tôi đưa chương trình an toàn người bệnh vào triển khai áp dụng tại bệnh viện để nhân viên y tế học, nhằm tránh việc người bệnh không hài lòng, tránh rủi ro. Cơ sở khám bệnh phải khang trang, rộng rãi; có phòng chăm sóc khách hàng, phòng maketing, giải quyết các vấn đề người bệnh không hài lòng; mọi thắc mắc của bệnh nhân để được giải quyết nhanh, chống phiền hà, phàn nàn của người bệnh. Đặc biệt, phải thường xuyên làm công tác khảo sát sự hài lòng của người bệnh để có điều chỉnh kịp thời.

Ông Lương Hùng Linh, Trưởng trạm y tế xã Phú Lộc (huyện Tân Phú)
Ông Lương Hùng Linh, Trưởng trạm y tế xã Phú Lộc (huyện Tân Phú)

Ông Lương Hùng Linh, Trưởng trạm y tế xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) cho biết, đối với trạm y tế xã tưởng không có gì để nói, nhưng trên thực tế, mục tiêu và nhiệm vụ của trạm y tế phấn đấu là phải giữ được bệnh nhân ở lại điều trị để giảm áp lực cho tuyến trên. Để làm được điều này, theo ông Lương Hùng Linh, điều cần thiết nhất là trạm y tế phải bảo đảm cho người bệnh hài lòng ở khâu khám, điều trị bệnh và phòng chống dịch.

Cách đây vài năm, Trạm y tế xã Phú Lộc đã chấn chỉnh lại hoạt động; được đầu tư về cơ sở vật chất, được cung cấp trang thiết bị, thuốc men cần thiết... Tuy nhiên, muốn giữ được bệnh nhân, bên cạnh việc đảm bảo về cơ sở vật chất, điều quan trọng hơn cả là thái độ phục vụ của nhân viên. Đây là yếu tố quyết định, thu hút bệnh nhân đến và ở lại, xem trạm y tế như là nhà...

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, khi bệnh nhi đi khám bệnh luôn kèm theo 1 đến 2 người nhà nên khu vực khám luôn đông đúc. Việc rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân cũng là nội dung đổi mới phong cách thái độ phục vụ của người bệnh như: tăng bàn khám, luân chuyển cá nhân có thái độ phục vụ chưa tốt, có lịch tăng cường phân công bác sĩ khi xảy ra quá tải ở các phòng khám; xây dựng quy trình khám, chữa bệnh khép kín, quy trình quản lý toa... Ngoài ra, bệnh viện còn có nơi chờ đợi khám thật thoải mái; bố trí bộ phận chăm sóc khách hàng ở khu vực khám bệnh và xét nghiệm để giải thích, hướng dẫn kịp thời cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom
Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, thì chia sẻ: về phía bệnh viện chịu áp lực rất lớn, như “làm dâu trăm họ”. Mỗi ngày, mỗi bác sĩ phải tiếp xúc với rất nhiều người bệnh, nên vấn đề thái độ phục vụ làm sao để hài lòng được hết bệnh nhân là rất khó khăn. Bởi, trong số bệnh nhân đến khám chữa bệnh có nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, bản thân bệnh viện đã rất cố gắng...Vì vậy, về phía bệnh nhân cũng thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà nhân viên y tế đang gặp phải. Để nhân viên y tế có thái độ vui vẻ, niềm nở khi tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh nhân cũng cần tuân thủ đúng quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện...

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Cao Trọng Ngưỡng
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai Cao Trọng Ngưỡng

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Cao Trọng Ngưỡng cho biết, công tác y tế dự phòng khá vất vả, nhân viên y tế phải lặn lội tận vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cho nhân dân, nên việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ cũng rất cần thiết. Ngoài ra, trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Đồng Nai cũng được triển khai khá tốt, loại trừ nhiều loại bệnh nguy hiểm. Việc quá tải trong tiêm chủng vaccine chỉ xảy ra đối với các một số địa bàn đô thị hóa nhanh như: TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom...do số lượng bệnh nhân đông nhưng vì quy định số lượng một bàn tiêm một ngày 50 trẻ nên có sự quá tải. Thời gian qua, các điểm tiêm chủng mở rộng cũng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này như: rà soát, nắm chắc đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm theo từng khu phố, một số địa bàn tổ chức đăng ký qua điện thoại...

Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách đường dây nóng của ngành
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, phụ trách đường dây nóng của ngành

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, phụ trách đường dây nóng của ngành hơn 2 năm qua cũng chia sẻ, nhân dân phản ánh rất nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là thời gian chờ đợi khám chữa bệnh. Sau đó, chúng tôi đã chấn chỉnh bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Kết quả, qua năm 2015 đã ít nghe dân phản ánh về vấn đề này; các ý kiến về tinh thần, thái độ phục vụ cũng giảm hẳn. Gần đây, qua đường dây nóng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế, chuyển tuyến. Đối với những vấn đề phản ánh nhiều lần, Sở sẽ kiểm tra trực tiếp. Tuy nhiên, qua theo dõi đường dây nóng của ngành, tôi nhận thấy, người dân đôi lúc phản ánh không chính xác, lạm dụng quyền lợi để phản ánh những bức xúc “không đáng”, thậm chí là nói những lời khó nghe về nhân viên y tế. Nhưng, về phía ngành y tế chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục triển khai những biện pháp để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Cũng theo Bác sĩ Trung, để người dân hài lòng khi khám chữa bệnh, chúng ta phải thay đổi nhận thức. Ngành y tế không thể tự bơi mà đòi hỏi các sở, ban, ngành, người dân cùng tham gia. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trung, nâng cao thái đội phục vụ là đương nhiên, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để nhân viên y tế thay đổi được nhận thức. Thực tế có một số bất công đối với ngành y tế, bởi trong quá trình họat động, không thể không xảy ra sai sót trong chuyên môn, nhưng khi xảy ra, thường bị dư luận nâng lên thành đạo đức ngành y, điều này vô tình gây ức chế cho nhân viên y tế.

Qua tiếp xúc, đa số phàn nàn của người bệnh xuất phát từ việc nhân viên y tế giải thích không kỹ. Điều này là do công việc bận bịu, trình độ chuyên môn chưa tới, nên đùn đẩy một cách không khéo léo, khiến cho bệnh nhân bức xúc. Nếu không được khắc phục điều này, mâu thuẫn giữa nhân viên y tế và bệnh nhân khó mà chấm dứt.

Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy Ban MTTQ tỉnh
Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy Ban MTTQ tỉnh chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm đến áp lực của ngành y tế, cả về chế độ đãi ngộ, cơ sở vật chất. Y tế và giáo dục là 2 ngành cần được quan tâm đặc biệt. Phải làm sao cho bác sĩ và nhân viên y tế phải có chế độ đãi ngộ cao hơn các ngành khác. Dù lương có được quan tâm, nhưng mức độ áp lực công việc chưa tương xứng. thực tế muốn đổi mới phong cách, thái độ phục vụ phải làm sao cho đời sống cán bộ y tế, nhân viên tăng cao thêm, cho cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Dân tộc - tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Dân tộc - tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Dân tộc - tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị đổi mới phong cách thái độ, phục vụ phụ thuộc vào người đứng đầu làm sao cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân; đội ngũ y, bác sĩ có nhiều áp lực nhưng không phải vì vậy mà không thay đổi phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân. Có một thực tế đáng buồn, hàng năm người dân Việt Nam bỏ cả tỷ USD ra nước ngoài khám, chữa bệnh, chưa chắc cở sở vật chất tốt hơn, bác sĩ giỏi hơn, nhưng phong cách phục vụ tốt hơn cũng là lý do người Việt Nam sang nước ngoài chữa bệnh. Do đó, người làm trong ngành y cần lắng nghe dân nói, giải thích cho dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người dân.

Kết thúc buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, đóng góp cũng như các giải pháp giúp ngành y tế thực hiện tốt hơn đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Qua công tác truyền thông, ngành cũng tuyên truyền được chủ trương đổi mới cũng như tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn phát biểu kết thúc buổi tọa đàm
Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn phát biểu kết thúc buổi tọa đàm

Để chủ trương đổi mới đi vào thực chất, Giám đốc Sở Y tế đề nghị, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần quan tâm triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ. Trong thời gian tới, các cơ sở khám, chữa bệnh phải lấy người bệnh làm trung tâm để phục vụ. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục đối với nhân viên y tế về trách nhiệm với người bệnh qua tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử; tiếp tục đổi mới tư duy trong tinh thần phục vụ người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, trách nhiệm đối với cán bộ của các khoa, phòng, các bác sĩ, điều dưỡng, đánh giá vấn đề thực hiện, chấn chỉnh sai sót các cá nhân, các tập thể sai phạm. Ngoài ra, phải tăng cường thi đua khen thưởng, biểu dương cá nhân, tập thể làm tốt để động viên kịp thời; kiên quyết xử lý đối với cá nhân thực hiện chưa tốt về quy tắc ứng xử, làm gương cho cán bộ khác. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các đơn vị, song song cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin giảm thời gian chờ đợi, đặc biệt ở khâu chờ khám, cấp thuốc, thanh toán. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế để họ có thể yên tâm công tác. Hy vọng báo chí cùng song hành với ngành y tế, tuyên truyền việc thực hiện, cũng như giám sát việc thực hiện để giúp ngành y tế khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.    

 Nhóm P.V

 

Tin xem nhiều