Báo Đồng Nai điện tử
En

Khôi phục cầu Ghềnh trong vòng từ 3,5 đến 4 tháng

08:03, 21/03/2016

(ĐN) - Chiều 21-3, tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông – vận tải cùng UBND tỉnh và các ngành liên quan đã nghe các đơn vị báo cáo về tình hình tổ chức vận tải và phương án tháo dỡ, khôi phục cầu Ghềnh.

[links()](ĐN) - Chiều 21-3, tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông – vận tải gồm các Thứ trưởng: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, cùng các ngành liên quan đã nghe các đơn vị báo cáo về tình hình tổ chức vận tải và các phương án tổ chức vận tải trong thời gian tới; phương án đảm bảo giao thông đường thủy; khảo sát hiện trạng về các mố cầu; phương án tháo dỡ và khôi phục cầu Ghềnh...

Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Ngọc Đông (thứ 2 bên phải) đang trao đổi với các cơ quan chuyên môn về phương án khắc phục cầu Ghềnh tại buổi làm việc chiều ngày 21-3
Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Ngọc Đông (thứ 2 bên phải) đang trao đổi với các cơ quan chuyên môn về phương án khắc phục cầu Ghềnh tại buổi làm việc chiều ngày 21-3

* Đầu tư nâng cao năng lực cho các ga trung chuyển

Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, kể từ 13 giờ 30 ngày 20-3 đến 14 giờ ngày 21-3, tổng công ty đã thực hiện chuyển tải cho 5 ngàn hành khách an toàn. Chiều 21-3, Tổng công ty đã công bố cho hành khách phương án kinh doanh trong điều kiện hiện tại cho đến lúc khôi phục xong cầu.

Hiện Tổng công ty rút bớt 2 đôi tàu Thống Nhất, còn lại 3 đôi tàu chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn (đến ga Biên Hòa rồi trung chuyển và ngược lại). Cụ thể, các chuyến tàu này được chuyển tải giữa ga Biên Hòa và ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Hành khách xuống ga Biên Hòa lúc 15g15 phút
Tổng công ty đường sắt sẽ đầu tư thêm cho ga Biên Hòa và ga Sóng Thần để đảm bảo chuyển tải hành khách. Trong ảnh: Hành khách xuống ga Biên Hòa lúc 15g15 phút ngày 20-3 (ảnh Văn Chính)

Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ đầu tư thêm cho ga Biên Hòa và ga Sóng Thần để đảm bảo chuyển tải hành khách an toàn và thuận lợi. Đơn vị sẽ không dùng ô tô chuyển tải khách từ ga Sài Gòn đến ga Sóng thần vì sợ kẹt xe, mà dùng tàu để vận chuyển khách, rồi từ ga Sóng Thần mới dùng ô tô chuyển tải khách đến ga Biên Hòa.

Đối với tàu hàng, ngành đường sắt đã khảo sát tại ga Hố Nai và ga Trảng Bom. Hiện tại, do chưa cải tạo ga Hố Nai, nên năng lực xếp dỡ hàng chỉ mới đáp ứng được 2 đôi tàu, trong khi nhu cầu lên đến 7 đôi tàu.

Trong khoảng 20 ngày tới, Tổng công ty đường sắt sẽ khẩn cấp lắp đặt thêm những đường xếp dỡ tại 3 ga: Long Khánh, Trảng Bom và Hố Nai để đảm bảo ít nhất 5 đôi tàu xếp dỡ, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu lượng hàng hóa hiện nay. Theo thông báo của Sở Giao thông – vận tải Đồng Nai, tình hình vận tải ở các ga: Biên Hòa và Hố Nai hiện đã nề nếp hơn.

Phó chủ Tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cùng làm việc với Bộ Giao thông – vận tải và các ngành
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cùng làm việc với Bộ Giao thông – vận tải và các ngành

* Khôi phục cầu Ghềnh giống với cầu cũ, có cải tạo

Đối với việc khắc phục cầu Ghềnh, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án và Bộ Giao thông - vận tải đã chọn phương án 2, với thời gian khôi phục cầu kéo dài trong vòng 3,5 đến 4 tháng. Về phương án này, đơn vị tư vấn có 2 kịch bản:

Kịch bản 1 là giữ lại trụ cầu cho thay thế cả 3 nhịp; sử dụng dầm vòm 75m giống với cầu cũ và kịch bản này phải làm thêm nhịp 1, nhịp 3, không phải gia cố 2 trụ: T1, T3 còn lại. Đây là phương án đảm bảo cho an toàn khai thác và chủ động hoàn toàn khâu thiết kế. Đơn vị thi công có thể sớm triển khai sản xuất các dầm thép trong vòng 2 tháng rưỡi; hai trụ chính giữa sông sẽ được làm bằng cọc bê tông cốt thép khoan nhồi, toàn bộ mố cũ được giữ lại.

Cầu ghềnh
Cầu ghềnh sẽ được khôi phục giống cầu cũ

Kịch bản 2 làm tương tự như kịch bản 1, nhưng sẽ nâng tối đa cầu lên trong điều kiện có thể để tăng tĩnh không thông thuyền (tăng khoảng 1,2m so với hiện tại).

Về khảo sát lòng sông, Cục đường thủy cũng đã thống nhất được luồng mới với thời gian thông tàu được ít, những tàu lớn phải chờ khi nứơc đứng mới lưu thông, còn những tàu nhỏ dưới 500 tấn sẽ lưu thông được hàng ngày.

Riêng vấn đề trục vớt cầu, hiện cũng đã có đơn vị đưa ra phương án thứ nhất là cắt nhịp bị gãy rồi di dời vào trong bờ và phương án thứ hai là cắt nhỏ từng phần rồi đưa vào. Với phương án cắt ngầm, sẽ tốn thời gian khoảng 15 ngày, còn phương án thứ hai sử dụng phương pháp cắt trên không, tức là dùng 2 cẩu 250 tấn treo kết cấu lên, sau đó cắt thành từng khối 30 tấn rồi di dời vào bờ. Phương án này trong vòng 10 ngày đơn vị thi công sẽ hoàn tất.

Cầu ghềnh sau khi bị sà lan húc sập
Bộ Giao thông vận tại đồng ý phương án cắt để tháo dỡ phần Cầu ghềnh bị sập

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, công tác phối hợp địa phương và các cơ quan của bộ để khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh đến nay đã được thực hiện khá tốt. Về công tác giải tỏa khách và hàng hóa, Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty đường sắt hoàn tất phương án giải tỏa khách cho đến khi khắc phục xong cầu Ghềnh. Đồng thời, trước ngày 24-3, phải chốt phương án; báo cáo với Bộ, cũng như thông báo rộng rãi cho người dân.

Đối với công tác khảo sát, tháo dỡ, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục khảo sát kỹ hơn dầm và trụ cầu bị gãy. Dựa vào kết quả dựng 3D để từ đó có phương án tháo dỡ chi tiết hơn; đồng thời bổ sung thêm cả phương án giải tỏa các thiết bị tháo dỡ. Bộ đồng ý phương án cắt để tháo dỡ phần bị sập; đồng ý phương án 2 thay thế dầm và xây dựng 2 trụ mới để đảm bảo cho cả lâu dài. Tuy nhiên, Tổng công ty đường sắt Việt Nam phải đánh giá thêm việc nâng tĩnh không của cầu và thời gian thi công, cũng như kinh phí.

Khắc Giới

Tin xem nhiều