Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường Hồ Chí Minh trên biển- Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

03:10, 19/10/2021

(ĐN) – Ngày 19-10, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và TP.Hải phòng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Đường Hồ Chí Minh trên biển- Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

(ĐN) – Ngày 19-10, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và TP.Hải phòng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Đường Hồ Chí Minh trên biển- Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ Hải Phòng đến 26 điểm cầu các Quân khu, Quân đoàn, một số học viện, nhà trường trong toàn quân.

Các đại biểu dự hội thảo khoa học tại điểm cầu Trường SQLQ2
Các đại biểu dự hội thảo khoa học tại điểm cầu Trường SQLQ2

Chủ trì hội thảo tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai có trung tướng, PGS, TS.Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng Trường SQLQ2 và các đồng chí trong Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cùng dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định: 60 năm trước cùng với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, phong trào cách mạng các tỉnh đồng bằng Nam bộ chuyển nhanh lên thế tiến công và trở thành cao trào Đồng Khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 chưa thể vươn tới, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 (Đoàn tàu không số) làm nhiệm vụ vận tải trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Quyết định thành lập đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 - tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cùng với thời gian, con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu của nó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT cho biết, trong suốt 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ - ngụy; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Trên cơ sở đó, Phó chủ nhiệm TCCT đề nghị, các đại biểu dự hội thảo tập trung làm rõ 5 nội dung: Tình hình cách mạng nước ta sau khi ký hiệp định Giơnevơ và chủ trương của Đảng chuyển hướng đấu trang cách mạng, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn; phân tích làm sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược, chủ trương của Đảng và sự nhạy bén, sáng tạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trong việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển; tái hiện cuộc đấu tranh ngoan cường của các chiến sĩ tàu không số; phân tích làm rõ nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, hải quân nói riêng; phân tích làm rõ nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã ghi nhận có trên 80 bài tham luận gửi về hội thảo và hơn 10 ý kiến của các nhà khoa học, các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử phát biểu trực tiếp và trực tuyến thông qua các điểm cầu. Qua đó, tiếp tục làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa của Đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích lịch sử và bài học vô giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phát biểu kết luận hội thảo, thượng tướng Lê Huy Vịnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho hội thảo thành công. Các tham luận hội thảo đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn về ý chí và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và tổ chức thành công tuyến vận tải chi viện chiến lược trên biển, góp phần quan trọng vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

Thứ trưởng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Thành công của Hội thảo không chỉ khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà thông qua đó, nêu lên những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguyệt Trinh

Tin xem nhiều