Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấc ngủ và sức khỏe

10:11, 08/11/2011

Giấc ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của con người. Rối loạn giấc ngủ là những rối loạn về số lượng, về tính chu kỳ của giấc ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ, nghĩa là các rối loạn liên quan đến diễn biến giấc ngủ: trước, trong và sau khi tỉnh dậy, làm không thỏa mãn về giấc ngủ: mệt mỏi, lo lắng…

Giấc ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của con người. Rối loạn giấc ngủ là những rối loạn về số lượng, về tính chu kỳ của giấc ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ, nghĩa là các rối loạn liên quan đến diễn biến giấc ngủ: trước, trong và sau khi tỉnh dậy, làm không thỏa mãn về giấc ngủ: mệt mỏi, lo lắng…

Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ, gồm: thời lượng giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ, biểu hiện ban ngày, các rối loạn tâm thần kèm theo và vai trò của các sang chấn tâm lý, các yếu tố khách quan… Hiệu quả giấc ngủ là tỷ lệ của số giờ ngủ trên số giờ nằm trên giường. 

* Vai trò của giấc ngủ

Người bình thường cần được ngủ khoảng 7,5 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, cũng có người có nhu cầu ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn. Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với con người, theo một số tác giả thì con người cần khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ.

Phụ nữ lớn tuổi tập dưỡng sinh để gìn giữ sức khỏe và có giấc ngủ ngon.
Phụ nữ lớn tuổi tập dưỡng sinh để gìn giữ sức khỏe và có giấc ngủ ngon.

Giấc ngủ làm cơ thể hết mệt, phục hồi cả về thể chất và tinh thần, thanh lọc stress, tăng hệ miễn dịch, phục hồi sức khỏe và trí nhớ, thúc đẩy tăng trưởng và phát dục ở trẻ em. Giấc ngủ làm gia tăng tuổi thọ, chống lão hóa, chống rụng tóc, đẹp da…. Người rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và là yếu tố quan trọng thúc đẩy các bệnh cơ thể, và ngược lại các bệnh cơ thể càng làm trầm trọng hơn rối loạn giấc ngủ.

Một số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ sẽ nảy sinh tâm lý sợ mất ngủ, mỗi khi chuẩn bị lên giường họ rất lo lắng và điều này càng làm gia tăng rối loạn giấc ngủ. Một số bệnh nhân bị mất cảm giác ngủ càng làm nguy cơ gia tăng liều lượng thuốc bất chấp cảnh báo và sẽ lạm dụng thuốc ngủ ngày càng gia tăng. Một số tác giả nhận thấy rối loạn giấc ngủ sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe:

- Thiếu ngủ gây béo phì: Hiện nay nhiều tác giả nhận thấy những người ngủ dưới 7 giờ mỗi ngày sẽ dễ bị béo phì thứ phát hơn, do mất ngủ kích thích một số hoóc-môn kích thích

- Giảm trí nhớ, suy nhược và các rối loạn tâm thần: Tỷ lệ suy giảm trí nhớ ở người có thói quen thức khuya cao gấp 5 lần người bình thường. Rối loạn giấc ngủ làm gia tăng trầm cảm, lo âu; giảm sức đề kháng, cơ thể suy yếu và dễ nhiễm bệnh

- Ảnh hưởng đến quan hệ tình dục: Rối loạn giấc ngủ, nhất là mất ngủ mạn tính, làm cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, giảm năng lượng…, làm hưng phấn tình dục giảm đi rõ rệt. Ở trẻ em, rối loạn giấc ngủ làm trẻ chậm phát triển chiều cao, học kém và chậm phát dục.

- Gây ung thư: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, người ở độ tuổi 30-50 làm việc đêm ít nhất 6 tháng thì ở nam có nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, nữ bị ung thư vú gia tăng đáng kể so với người không làm đêm. Cơ quan quốc tế nghiên cứu về bệnh ung thư đã đưa việc làm đêm vào danh sách các tác nhân gây ung thư.

- Sạm da: Thông thường vào khoảng 11-12 giờ đêm, hệ da ở trạng thái dưỡng và hồi phục do hệ tuần hoàn da và trao đổi chất và hệ thần kinh. Nếu thức quá khuya sẽ làm giảm sức đàn hồi và sạm da.

- Bệnh tim mạch: Một nghiên cứu cho thấy, ngủ không đủ giờ làm gia tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp gấp 2 lần người ngủ bình thường. Từ đó gia tăng nguy cơ đột tử do tim.

- Tiểu đường: Rối loạn giấc ngủ sẽ làm giảm khả năng đáp ứng với hoóc-mon insulin, một dấu hiệu của tiểu đường, viêm cứng mạch máu, gia tăng hoóc-mon gây stress và làm tăng đường huyết.

- Ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa: Thức đêm làm mệt mỏi, rối loạn nhịp sinh học gây khó tiêu, đầy hơi, u xơ ruột… Ở người đã có bệnh về hệ tiêu hóa thì rối loạn giấc ngủ làm gia tăng bệnh, nếu không được điều trị đúng chuyên khoa càng làm rối loạn giấc ngủ trầm trọng hơn.

- Ở trẻ em: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em sẽ gây ra những rối loạn rất quan trọng ở trẻ, như: ngủ trong lớp, thiếu tập trung, cáu gắt, giảm chỉ số thông minh (IQ), béo phì, gia tăng rối loạn hành vi và kém phát triển chiều cao…

* Rối loạn giấc ngủ là bệnh của thời đại

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn giấc ngủ là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng của thế kỷ 21, chiếm 35% dân số. Hàng năm, ngày 18-3 là ngày giấc ngủ thế giới. Năm 2011, nhân ngày giấc ngủ thế giới, Tổ chức Y tế thế giới có khẩu hiệu “ngủ ngon hơn, khỏe khoắn hơn”.

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì rối loạn giấc ngủ ngày càng phổ biến hơn. Một số nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 33% cộng đồng có rối loạn giấc ngủ, nữ nhiều hơn nam và người già nhiều hơn người trẻ. Áp lực lớn của xã hội công nghiệp, môi trường sống thay đổi, sự phát triển về kinh tế - xã hội tuy mang lại lợi ích cho con người nhưng cũng gây ra căng thẳng, khủng hoảng kinh tế, thiên tai, thảm họa… làm gia tăng rối loạn giấc ngủ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rối loạn giấc ngủ vẫn chưa được nhiều thầy thuốc, nhất là thầy thuốc chuyên khoa và bệnh nhân biết đến.

BS. Nguyễn Văn Cầu


                                     

Tin xem nhiều