Báo Đồng Nai điện tử
En

Viêm gan B và C, những điều cần biết

09:08, 07/08/2012

Viêm gan là bệnh phổ biến, dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan sau này. Hiện Việt Nam đã xác định được 6 chủng virus viêm gan (virus A, B, C, D, E và G), trong đó viêm gan do virus B (HBV) và viêm gan do virus C (HCV) là nguy hiểm nhất.

 

Viêm gan là bệnh phổ biến, dễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan sau này. Hiện Việt Nam đã xác định được 6 chủng virus viêm gan (virus A, B, C, D, E và G), trong đó viêm gan do virus B (HBV) và viêm gan do virus C (HCV) là nguy hiểm nhất.

Mới đây, bác sĩ Hà Văn Thiệu, Phó khoa nội (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) đã thực hiện đề tài nghiên cứu về thực trạng nhiễm virus viêm gan B và C tại các trường mầm non tỉnh Đồng Nai với 586 mẫu khảo sát từ các trường mẫu giáo trên địa bàn Biên Hòa, Long Thành và Định Quán.

Tiêm phòng viêm gan cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Tiêm phòng viêm gan cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

Từ nghiên cứu cho thấy, trong số 586 trẻ dưới 6 tuổi thì tỷ lệ trẻ nhiễm viêm gan B dương tính là 1,02%, tỷ lệ viêm gan C là 0,85%. Đặc biệt, trong đó có những trẻ đã tiêm ngừa viêm gan B và C nhưng vẫn bị viêm gan B và C dương tính. Tỷ lệ mẫu có kết quả viêm gan B dương tính ở huyện Định Quán là 50%, tại TP. Biên Hòa 33,3% và huyện Long Thành là 16,6%.

Lây truyền bệnh từ mẹ sang con

Trong 3 đường lây truyền bệnh viêm gan B và C, nghiên cứu của bác sĩ Thiệu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ bị lây truyền bệnh viêm gan B và C từ mẹ sang con chiếm phần lớn so với hai đường lây truyền còn lại. 

Nếu mẹ bị viêm gan B mà mang thai thì sự lây truyền bệnh sang thai nhi phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ và kết quả phản ứng huyết thanh. Tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ 1% nếu mẹ bị bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ; 10% ở 3 tháng giữa thai kỳ và 90-100% nếu mẹ bị nhiễm vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ mẹ truyền bệnh cho con có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh. Tỷ lệ trẻ bị viêm gan B cấp ngay sau khi sinh là 5-7% và không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, những bà mẹ mang thai bị nhiễm bệnh, thai vẫn tiến triển bình thường, thai nhi phát triển tốt và không có nguy cơ bị dị dạng thai nhi, ngoại trừ mẹ bị viêm gan nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ thì mới có nguy cơ sinh non.

Phòng ngừa lây truyền bệnh

Theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, do bệnh viêm gan lây truyền theo 3 đường, việc phòng ngừa bệnh viêm gan B và C cần thực hiện theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.

- Phòng lây nhiễm theo chiều dọc từ mẹ sang con. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tiêm ngừa trước khi có thai. Đối với  những bà mẹ đã mang thai cần được tầm soát xét nghiệm viêm gan B để có những chỉ định điều trị. Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh được tiêm HBIG (globulin miễn dịch) ngay sau khi sinh và sau đó tiêm vaccine viêm gan B theo lịch chương trình.

- Phòng lây nhiễm theo chiều ngang, đó là lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân cần được xét nghiệm phát hiện nhiễm HBV sớm, nhất là phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trẻ sơ sinh, những đối tượng có nguy cơ cao... để kịp thời dự phòng đặc hiệu; phát hiện và có biện pháp quản lý những người mang bệnh viêm gan B mạn tính trong gia đình và cộng đồng, hạn chế sự lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Đặc biệt là việc thực hiện tiêm phòng viêm gan B và C cho trẻ em để tránh tình trạng trẻ bị lây nhiễm, dẫn đến những bệnh xơ gan, ung thư gan sau này.

Thuận Thắng

 

 

Tin xem nhiều