Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm hiểu về bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em

09:03, 05/03/2013

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, số trẻ bị viêm màng não mủ gia tăng và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, số trẻ bị viêm màng não mủ gia tăng và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nên tiêm phòng bệnh viêm màng não mủ cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.
Nên tiêm phòng bệnh viêm màng não mủ cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

* Viêm màng não mủ là gì?

Viêm màng não mủ là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời để tránh để lại những di chứng nặng nề, như: di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, vận động khó khăn, rối loạn tâm thần và tử vong. Đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng hiện đã có vaccine phòng ngừa.

* Nguyên nhân gây bệnh

Viêm màng não mủ là tình trạng nhiễm trùng màng não do vi trùng gây nên. Trước đây, bệnh viêm màng não mủ chỉ xuất hiện vào các mùa đông, xuân, nhưng nay bệnh đã xuất hiện quanh năm. Bệnh do nhiều loại vi trùng gây ra, trong đó có 3 loại vi trùng thường gặp là: vi trùng Hemophilus Influenza type b (Hib), não mô cầu và phế cầu. Riêng ở trẻ sơ sinh có thể gặp các vi trùng gram âm, như: E.coli, Klebsiella, Pseudomonas. Ở Việt Nam, tác nhân gây viêm màng não mủ ở trẻ em chủ yếu do vi trùng Hib. Các loại vi trùng này khi vào cơ thể sẽ vào máu, sau đó xâm nhập vào màng não và gây bệnh.

* Cơ chế lây bệnh

Đây là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, do vi trùng Hib có thể lây truyền dễ dàng từ trẻ này sang trẻ khác thông qua hạt nước bọt bắn ra khi trẻ nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Thậm chí, vi trùng Hib cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường đưa lên miệng để mút, ngậm, cắn. Ngoài ra, ở một số trẻ có thể mang vi trùng Hib mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng gì của bệnh nên dễ phát tán ra cộng đồng, nhất là những trẻ có tiếp xúc nhiều với các trẻ khác như những bé đi nhà trẻ, mẫu giáo.

* Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng ban đầu của viêm màng não mủ là trẻ sốt cao trên 390C, ho, chảy nước mũi; ở trẻ nhũ nhi có thể bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc, nôn trớ, cổ cứng, thóp phồng, da xanh tái do thiếu máu. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau 1-2 ngày, nếu không điều trị, trẻ sẽ sốt cao liên tục, nằm li bì, co giật. Khi bệnh trở nặng, thường để lại di chứng rất nặng nề về thần kinh, như: trẻ bị câm, điếc, liệt tay chân, lác mắt, động kinh, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, có thể tử vong.

* Những điều cần quan tâm

Theo bác sĩ Nghĩa, trẻ bị bệnh nặng và nhập viện muộn thường là do chủ quan của các bậc cha mẹ. Biểu hiện lâm sàng viêm màng não mủ ở trẻ em rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, như: sốt cao trên 390C, chảy nước mũi, ho... Vì thế, các bà mẹ rất dễ nhầm lẫn với những triệu chứng cảm cúm thông thường, viêm họng, mũi, viêm phổi… và tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Đến khi trẻ có những biểu hiện sốt cao kèm theo co giật, mắt trợn ngược, mê sảng thì mới đưa trẻ nhập viện, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Vì thế, các bà mẹ khi thấy trẻ có một vài triệu chứng, như: quấy khóc, sốt li bì, co giật, nôn, thóp phồng cần nghĩ đến bệnh viêm màng não mủ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống vì bệnh không khỏi mà còn làm cho dấu hiệu bệnh càng không rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.

* Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp phòng ngừa bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine ngừa Hib cho trẻ càng sớm càng tốt. Trẻ dưới 1 tuổi được phòng bệnh do Hib bằng tiêm vaccine tổng hợp 5 trong 1 DPT-VGB-Hib (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) vào tháng thứ 2, thứ 3 và thứ 4.

Ngoài biện pháp tiêm vaccine phòng bệnh, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sinh hoạt, vui chơi cho trẻ; thường xuyên rửa sạch và phơi khô đồ chơi của trẻ; cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; vào những ngày thời tiết thay đổi nên giữ ấm cho trẻ; cần điều trị kịp thời tránh để trẻ bị viêm mũi họng, chảy mủ tai kéo dài.

Phương Liễu (ghi)

 

 

Tin xem nhiều