Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh mạch vành: Nguy cơ đột tử cao

08:05, 14/05/2013

Bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) mô tả: Trái tim con người như một cái bơm để đưa máu tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu đều đặn từ 70-80 lần/phút, trái tim được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng. Hệ thống mạch máu này được gọi là hệ mạch vành.

Bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất) mô tả: Trái tim con người như một cái bơm để đưa máu tới khắp các cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu đều đặn từ 70-80 lần/phút, trái tim được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng. Hệ thống mạch máu này được gọi là hệ mạch vành.

Chụp CT đa lớp cắt có thuốc cản quang để phát hiện các nhánh động mạch vành bị tắc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Chụp CT đa lớp cắt có thuốc cản quang để phát hiện các nhánh động mạch vành bị tắc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Bệnh mạch vành là tình trạng tắc nghẽn trong lòng mạch vành (nguyên nhân do mảng xơ vữa gây hẹp tắc hoặc do cục máu đông gây lấp mạch) hoặc co thắt mạch vành. Bệnh mạch vành biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim.

* Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, như: cao huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, thừa cân hay béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia, không loại trừ nguyên nhân di truyền… Trong đó, cao huyết áp là nguyên nhân chính, bởi nó làm xơ vữa động mạch do sự lắng đọng từ từ của các mảng bám vào mặt trong thành động mạch, làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, hẹp đi và mất tính đàn hồi, làm giảm lượng oxy đến nuôi cơ tim. Hậu quả là xuất hiện loạn nhịp, cơn đau thắt ngực, suy tim và nhồi máu cơ tim.

* Tuổi nào dễ mắc bệnh mạch vành?

Bệnh mạch vành xuất hiện ở trên cả 2 giới nhưng tỷ lệ nam giới bị bệnh mạch vành cao hơn nữ giới. Thông thường nam giới trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành rất cao. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh mạch vành xuất hiện ngày càng  sớm và càng nhiều ở những người dưới 50 tuổi, thậm chí dưới 40 tuổi. Đây là mối nguy lớn cho sức khỏe cộng đồng và là gánh nặng không chỉ cho người bệnh. 

* Các triệu chứng

Triệu chứng chính của bệnh mạch vành là những cơn đau thắt ngực. Song, ở một số người lại không có triệu chứng điển hình, chỉ biết do tình cờ khi làm điện tâm đồ (ECG). Tuy nhiên, thông thường bệnh đi từ không có triệu chứng gì đến những cơn đau thắt ngực dữ dội.

Cơn đau thắt ngực: là triệu chứng điển hình của bệnh với các đặc điểm có cảm giác đau thắt, bóp nghẹt, siết chặt ở ngực, cũng có thể là cảm giác bỏng rát, kim châm.

Vị trí đau: thường sâu phía sau xương ức, chính giữa tim hoặc ngực trái. Đôi khi đau ở vùng thượng vị khiến dễ  bị lầm tưởng là đau dạ dày. Cơn đau có thể tại chỗ hoặc lan xuyên lồng ngực ra phía sau giữa 2 xương bả vai, hoặc lan từ ngực lên hàm, lan lên vai, dọc theo mặt trong cánh tay trái tới ngón út.

Độ dài cơn đau và hoàn cảnh phát đau: Cơn đau có thể chỉ thoáng qua vài giây, có thể vài phút, hoặc kéo dài vài chục phút. Cơn đau xuất hiện sau gắng sức thể lực, như: đi bộ đường dài, leo cầu thang, khiêng đồ nặng, ăn no, chơi thể thao, giao hợp hoặc xúc động mạnh…

Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào bệnh cũng có đủ những triệu chứng điển hình mà rất hay thay đổi. Chính vì  vậy, bệnh có các dạng biểu hiện khác nhau: Cơn đau thắt ngực im lặng, cơn đau thắt ngực điển hình, cơn đau thắt ngực không điển hình và nặng nhất là nhồi máu cơ tim.

* Tác hại của bệnh mạch  vành

Hẹp lòng mạch vành sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim. Tình trạng này kéo dài lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp… dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử.

Khi mảng xơ vữa trong lòng mạch vành vỡ ra thì sẽ làm bít tắc hoàn toàn động mạch vành và gây ra thiếu máu cơ tim cấp tính, nặng nề hơn là hoại tử cơ tim - còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp rất cao. Nếu bệnh nhân qua được cơn nhồi máu cơ tim cấp thì sau đó cũng phải chịu hệ lụy là suy tim, rối loạn nhịp tim.

* Phương pháp chẩn đoán

Theo bác sĩ Đinh Gia Chưng, chẩn đoán bệnh mạch vành, thầy thuốc thường dựa vào các triệu chứng đau ngực của bệnh nhân mà cho làm điện tâm đồ. Điện tâm đồ có thể phát hiện được những thay đổi về tình trạng thiếu máu cơ tim; cho siêu âm tim để biết tình trạng co bóp của tim. Thiếu máu cơ tim ở vùng nào thì cơ tim ở vùng đó sẽ bị rối loạn hoặc giảm động; điện tâm đồ và siêu âm tim lúc gắng sức. Với tình trạng lòng động mạch vành chỉ hẹp ở một mức độ vừa phải thì triệu chứng thiếu máu cơ tim chỉ xảy ra khi gắng sức, nghĩa là bệnh nhân chỉ đau ngực khi gắng sức. Vì vậy, có những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim mà điện tâm đồ và siêu âm tim hoàn toàn bình thường; xạ hình tưới máu cơ tim là dùng máy scan để phát hiện những vùng thiếu máu cơ tim; chụp động mạch vành chọn lọc, cản quang - đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành. Qua đó thầy thuốc biết được tình trạng của hệ thống động mạch vành của bệnh nhân hẹp, tắc tại đâu, bao nhiêu mạch máu bị tổn thương, tổn thương dài hay ngắn; cuối cùng là phương pháp chụp CT đa lớp cắt để phát hiện tình trạng vôi hóa động mạch vành.

Phương Liễu (ghi)

 

Tin xem nhiều