Báo Đồng Nai điện tử
En

Lọc máu qua màng bụng là gì?

08:08, 12/08/2013

Hiện Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có 55 máy chạy thận nhân tạo, mỗi ngày tổ chức 4 ca, nhưng vẫn có cả trăm bệnh nhân có nhu cầu chạy thận đăng ký mà chưa được đáp ứng.

Hiện Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có 55 máy chạy thận nhân tạo, mỗi ngày tổ chức 4 ca, nhưng vẫn có cả trăm bệnh nhân có nhu cầu chạy thận đăng ký mà chưa được đáp ứng.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được đặt ống Catheter ở bụng để lọc máu qua màng bụng.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được đặt ống Catheter ở bụng để lọc máu qua màng bụng.

Giờ đây, thay vì phải khăn gói đến bệnh viện mỗi tuần 2-4 lần, người bệnh có thể lọc máu qua màng bụng tại nhà. Đây là một tin vui đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (từ giai đoạn 3).

* Lọc máu qua màng bụng

Bác sĩ Dương Quang Vũ, khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), người vừa chuyển giao kỹ thuật lọc máu qua màng bụng cho các bác sĩ khoa niệu thận của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết: “Khi thận suy tiến triển đến giai đoạn cuối, thận mất chức năng lọc nên bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc  ghép thận. Tuy nhiên, việc ghép thận không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi khó tìm được người cho thận, chi phí cao... nên phần lớn bệnh nhân được điều trị thay thế bằng phương pháp lọc máu”. 

Do thận bị suy, không còn chức năng lọc nên phải lọc máu để lấy chất độc ra. Nếu chạy thận nhân tạo qua máy thì toàn bộ máu bệnh nhân được lọc qua một màng lọc nhân tạo để tách chất độc, nhưng lọc máu qua màng bụng (còn gọi là lọc máu ngoài thận hay là phương pháp thẩm phân phúc mạc) là sử dụng ngay chính màng bụng của bệnh nhân để lọc.

* Cơ chế lọc qua màng bụng

Theo bác sĩ Dương Quang Vũ, lọc máu qua màng bụng có tác dụng điều trị giống như chạy thận nhân tạo. Đầu tiên, bệnh nhân được mổ một vết nhỏ ở bụng, các bác sĩ sẽ đặt tại đây một ống Catheter. Qua ống Catheter này, dịch lọc sẽ được đưa vào ổ bụng. Sau 4 giờ trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Khi đã “hút” các chất độc, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định. Sau khi thải hết dịch lọc “bẩn” qua ống dẫn, bệnh nhân sẽ tiếp tục quy trình mới: đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng và lại thải ra sau 4 giờ. Lượng dịch lọc đưa vào ổ bụng khoảng 2 lít mỗi lần, mỗi lần 30 phút và mỗi ngày sẽ thực hiện 4 lần.

Một bệnh nhân được lọc máu tại nhà. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy.
Một bệnh nhân được lọc máu tại nhà. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy.

Với phương pháp lọc màng bụng, không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi chạy thận nhân tạo, ít xảy ra biến động huyết áp, không gây rối loạn đông máu, không cần sử dụng kim tiêm và người bệnh dễ dàng kiểm soát các chỉ số sinh hóa, nước điện giải... Phương pháp này có thể được thực hiện tại nhà. Vì thế, sau khi được thực hiện lần lọc tại bệnh viện, các bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn thao tác trước khi xuất viện.

* Nhiều ích lợi

Với phương pháp lọc màng bụng, quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế sức khỏe bệnh nhân ổn định, tránh được tình trạng đau nhức cơ, sạm da, mất máu cũng như ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể vốn đã suy yếu. Nó còn giúp duy trì chức năng thận tồn dư lâu hơn, nhất là bệnh nhân suy thận không phải gắn bó cuộc đời với bệnh viện, do vậy giảm đáng kể tình trạng quá tải ở bệnh viện, cũng như chi phí nằm viện, sinh hoạt, đi lại chăm sóc. Phương pháp này có thể áp dụng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch, như: suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp...

Chi phí ban đầu cho một ca phẫu thuật đặt Catheter thường khoảng 3-5 triệu đồng tùy theo kỹ thuật mổ và loại thiết bị. Riêng ống Catheter có nhiều loại và nhiều giá, hiện loại dùng thông thường cho nhiều người bệnh là khoảng 1 triệu đồng. Chi phí cho dịch lọc, thuốc và vật tư tiêu hao khoảng 6-7 triệu đồng/bệnh nhân/tháng. Hiện bảo hiểm y tế đã thanh toán 100% dịch lọc, thuốc và vật tư tiêu hao, nhưng chi phí mổ và ống Catheter thì vẫn chưa được thanh toán.

Lọc máu màng bụng có thể thực hiện ngay tại nhà người bệnh, vì thế mỗi tháng người bệnh chỉ phải đến bệnh viện một lần để kiểm tra và nhận những gói dịch về nhà tự thao tác lấy,  nên có thể chủ động giờ giấc đi lại, lọc máu mà không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, làm việc của người bệnh.

Tuy nhiên, một điểm lưu ý là bệnh nhân sử dụng phương pháp lọc qua màng bụng cần chú ý đến vấn đề vô trùng tuyệt đối. Nếu không vô trùng tốt, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng vết đặt Catheter. Trong quá trình lọc máu tại nhà, nếu bệnh nhân thấy có các biểu hiện bất thường thì phải báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế theo dõi hướng dẫn rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều