Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh và xử lý hóc dị vật ở trẻ

09:06, 10/06/2014

Những ngày qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị hóc, mắc dị vật đường thở, có trẻ nuốt cả chiếc chìa khóa lẫn móc khóa vào bụng. Không ít trẻ đưa đến trong tình trạng xuất huyết vùng họng, đường thở nguy kịch đến tính mạng.

Những ngày qua, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị hóc, mắc dị vật đường thở, có trẻ nuốt cả chiếc chìa khóa lẫn móc khóa vào bụng. Không ít trẻ đưa đến trong tình trạng xuất huyết vùng họng, đường thở nguy kịch đến tính mạng.

Bác sĩ Mạc Quốc Dũng, khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, dị vật đường thở và đường ăn ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 90% trẻ dưới 4 tuổi. Lỗi không phải do trẻ mà chính là ở những phụ huynh bất cẩn.

* Cảnh giác với đồ chơi kích thước nhỏ

Đối với đồ chơi như đồng xu, bi, pin đồng hồ dạng tròn, bút hoặc nắp bút, bánh xe của đồ chơi cao su có kích thước nhỏ, hạt xâu chuỗi, cúc áo, nắp chai nhựa… là những thứ vừa miệng, nên trẻ hay ngậm và dễ gây ra hóc, mắc.

Những đồ chơi có đường kính dưới 2cm hoặc chiều dài dưới 5cm, dạng que được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi. Ngoài ra, tình trạng trẻ em ăn những hạt trong túi hạt chống ẩm cũng rất nguy hiểm.

Không ít tai nạn đáng tiếc bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn do không chú ý hình dạng và kích thước đồ chơi. Vì thế, để tránh cho trẻ bị hóc, mắc dị vật, nên tuân thủ nguyên tắc: Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được; đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn hơn; không để đồng xu, các mảnh vụn đồ chơi, vật tròn, nhỏ ở nơi dễ thấy và dễ lấy; tháo pin ra khỏi đồ chơi… Và nhất là đặt trẻ trong tầm quan sát của cha mẹ và người trông coi.

* Nguy hiểm từ đồ ăn đặc và dạng hạt

Khi ăn trẻ thường ngậm trong miệng, đùa nghịch hoặc khóc làm thức ăn rơi vào đường thở, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng khi bị sặc cháo, sữa rất dễ dẫn đến tình trạng ho sặc sụa, người tím tái và có thể tử vong.

Nếu dị vật rơi vào thanh quản sẽ làm trẻ khàn tiếng, ho. Rơi vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn vì dị vật di động trong khí quản. Nếu dị vật rơi vào phế quản sẽ gây khó thở giống như viêm phế quản hay viêm phổi. Tình trạng này rất dễ nhầm khi chẩn đoán bệnh. Vì thế, phụ huynh phải cho bác sĩ  biết trẻ đã ngậm vật gì trước khi có các triệu chứng trên xuất hiện. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.

Ngoài ra, cần cảnh giác với thức ăn dạng tròn, như: nho, rau câu, kẹo cứng; với thức ăn dạng hạt, như: đậu, bắp; với xương cá và một số thức ăn đặc dính, như: bột đặc, bơ… là những thứ dễ gây sặc, hóc. Khi cho trẻ ăn trái cây, nên tách kỹ hạt.

Một số phụ huynh khi cho trẻ ăn hoặc uống thuốc có thói quen hù dọa hoặc chọc giỡn cho trẻ khóc hoặc cười để trẻ há miệng; có người bóp mũi trẻ khi cho uống thuốc… việc này rất nguy hiểm vì sẽ biến  thức ăn, thuốc thành dị vật.

* Có nên xử lý dị vật ở nhà?

Theo bác sĩ Mạc Quốc Dũng, việc sơ cứu trẻ khi mắc dị vật ở nhà trong một số trường hợp là cần thiết, nhưng chỉ khi trẻ bị hóc, sặc nhẹ. Những lúc này chỉ cần vỗ lưng, ấn ngực để trẻ nôn hoặc nhổ dị vật ra.

Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ nuốt dị vật làm ngưng thở, tím tái, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn giúp trẻ dễ thở hơn rồi đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ có chuyên môn lấy ra. Tuyệt đối không dùng tay hay bất cứ vật dụng gì lấy dị vật ra, vì như thế vô tình lại đẩy sâu dị vật vào bên trong, chưa kể làm trầy xước hầu họng, gây xuất huyết khiến trẻ khó thở hơn.

Phương Liễu (ghi)

 

Tin xem nhiều