Báo Đồng Nai điện tử
En

Thoát vị đĩa đệm, căn bệnh thời công nghiệp

09:08, 26/08/2014

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý về cột sống. Thoát vị đĩa đệm khiến  bệnh nhân bị hạn chế cử động cột sống, không còn khả năng cúi, ưỡn của thắt lưng, trường hợp nặng có thể bị liệt.

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý về cột sống. Thoát vị đĩa đệm khiến  bệnh nhân bị hạn chế cử động cột sống, không còn khả năng cúi, ưỡn của thắt lưng, trường hợp nặng có thể bị liệt.

Theo các chuyên gia y tế, thoát vị đĩa đệm là bệnh của thời công nghiệp. Với một chế độ làm việc căng thẳng, vận động quá sức hoặc quá ít thời gian vận động, vận động sai tư thế khiến cho đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí hoặc bị thoái hóa sớm.

* Cẩn trọng khi đau vùng thắt lưng

Bác sĩ Hoàng Văn Thuận, Trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết đĩa đệm nằm giữa mỗi cặp đốt sống. Đây là lớp đệm bao bọc có chức năng hấp thụ lực xóc. Do hao mòn trong nhiều năm hoặc do vận động sai tư thế khiến đĩa đệm thoái hóa và thoát vị ngược vào trong ống tủy sống, chèn ép dây thần kinh và tạo áp lực lên bề mặt các khớp liền nhau, gây đau vùng thắt lưng và lan xuống vùng mông, chân.

Bác sĩ  Hoàng Văn Thuận mổ thoát vị đĩa đệm cho một bệnh nhân.
Bác sĩ Hoàng Văn Thuận mổ thoát vị đĩa đệm cho một bệnh nhân.

Cũng theo phân tích của bác sĩ Thuận, có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng khiến người ta khó phân biệt khi nào bị đau do thoát vị đĩa đệm. Đau vùng thắt lưng còn có thể do bị suy yếu công năng cột sống do bẩm sinh, vôi gai, gù vẹo, hẹp ống sống, trượt đốt, hoặc do mang vác quá nặng, sai tư thế. Tuy nhiên,  thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thực thể chứ không phải là rối loạn chức năng. Triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm chung nhất là đau nhức tại đốt sống bị bệnh, tê lan dọc theo xuống mông, chân; đau từ cổ gáy và lan ra hai vai, xuống cánh tay, bàn tay... Thông thường chụp X-quang khó phát hiện thoát vị đĩa đệm, mà phải chụp MRI mới có thể chuẩn xác được.

* Có nên mổ thoát vị đĩa đệm?

Hiện nay, có nhiều người bị thoát vị đĩa đệm đã áp dụng điều trị qua nhiều phương pháp, nhưng vẫn không hiệu quả và rất băn khoăn không biết thoát vị đĩa đệm có nên mổ không. Vấn đề này được bác sĩ Thuận giải thích như sau: thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường được điều trị bằng các thuốc đơn giản và tập vật lý trị liệu. Chỉ định can thiệp phẫu thuật được áp dụng trong các trường hợp cấp cứu (đau thần kinh tọa gây liệt, các rối loạn cơ tròn, hoặc đau dữ dội dọc lộ trình thần kinh tọa) hoặc điều trị nội khoa không có kết quả.  Mục đích của phẫu thuật là lấy bỏ thoát vị và toàn bộ phần đĩa đệm có nguy cơ gây chèn ép.

Phòng tránh thoát vị đĩa đệm

Theo lời khuyên của bác sĩ Hoàng Văn Thuận, ngay từ khi còn trẻ, cần phải giữ đúng tư thế trong sinh hoạt hàng ngày. Việc này không chỉ giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, còn làm giảm yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Đối với những người tuổi trung niên, không nên chơi thể thao quá sức, không chơi những môn thể thao vận động nhanh, xoay người đột ngột; tránh lao động, khuân vác nặng, sai tư thế, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi khom lưng. Sau mỗi giờ làm việc nên đứng dậy giải lao, vận động nhẹ nhàng, vì ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố gây thoát vị đĩa đệm cột sống. Chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ, không để loãng xương, béo phì.

Trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, căn cứ vào tổn thương cụ thể mà bác sĩ sẽ chọn ra những chỉ định can thiệp ngoại khoa thích hợp khác nhau. Hiện tại, can thiệp ngoại khoa cho thoát vị đĩa đệm cột sống, gồm: Mổ hở, là một can thiệp ngoại khoa nặng nề với những rủi ro và biến chứng cao; mổ nội soi đĩa đệm cũng có nhiều biến chứng như mổ hở. Ngày nay có kỹ thuật mới làm giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da, nhằm giảm áp suất nội đĩa đệm, dẫn tới giảm áp suất chèn ép lên rễ dây thần kinh ở vị trí thoát vị.

Tập vật lý trị liệu rất hiệu quả đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ. Trong ảnh: Các kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Tập vật lý trị liệu rất hiệu quả đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ. Trong ảnh: Các kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Việc chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm khá chặt chẽ và hạn chế, bởi đây là cuộc đại phẫu có thể gây nhiều tai biến và biến chứng. Hơn nữa, việc mổ vẫn có thể không giải quyết dứt điểm được bệnh ở một số trường hợp. Do đó, việc mổ hay không mổ khi bị thoát vị đĩa đệm tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chỉ nên phẫu thuật khi có nguy cơ liệt chi. Trong các phương pháp điều trị, đối với những bệnh nhân chưa được chỉ định mổ, tốt nhất là tập vật lý trị liệu - vì đây là phương pháp điều trị không can thiệp, an toàn và không gây biến chứng, nhưng thời gian điều trị bệnh kéo dài.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều