Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con

09:09, 16/09/2014

PGS.TS - bác sĩ Ngô Minh Xuân, Phó hiệu trưởng Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh), cho biết trẻ bị lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ trong thai kỳ và thời điểm sinh nở sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan.

PGS.TS - bác sĩ Ngô Minh Xuân, Phó hiệu trưởng Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh), cho biết trẻ bị lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ trong thai kỳ và thời điểm sinh nở sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan.  Thường những trẻ này sẽ tử vong trước tuổi 15, bởi các bệnh lý liên quan đến xơ gan và ung thư gan nếu không được dự phòng sớm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan B (viết tắt là HBsAg) gây ra. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành HBsAg cao với từ 10-20%.

* Chưa có thuốc đặc hiệu

Thai nhi có khả năng lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ trong quá trình mang thai, đặc biệt  trong thời điểm sinh nở, tỷ lệ lây nhiễm rất cao, lên đến 90% nếu không được dự phòng. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, 90% trẻ có nguy cơ trở thành người bệnh gan mạn tính. Khoảng 25% trong số này sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan, cũng như 85% số trẻ mắc bệnh viêm gan B bẩm sinh sẽ tử vong trước tuổi 15, trong khi tỷ lệ này ở  người lớn là 15%.

Chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Theo PGS.TS - bác sĩ Ngô Minh Xuân, do bệnh viêm gan B thường không có biểu hiện trên thai nhi, cũng như tiến triển âm thầm ở người mẹ, nên nhiều người chủ quan không cho rằng viêm gan B là bệnh nguy hiểm. Nhiều sản phụ thiếu kiến thức về lây nhiễm bệnh viêm gan B từ mẹ sang con, nên khi có thai không thực hiện các xét nghiệm xác định bệnh để được dự phòng. Do đó, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con ở Việt Nam khá cao. Hiện viêm gan B vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

* Đường lây nhiễm

Bệnh viêm gan B là một bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao. So với HIV, khả năng lây nhiễm của viêm gan B  hơn gấp 100 lần. Bệnh này cũng lây truyền 3 đường chính như HIV là: qua đường máu; quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh; truyền máu và các chế phẩm của máu có virus viêm gan B. Ngoài việc lây nhiễm qua đường dọc, viêm gan B còn lây nhiễm qua đường ngang là qua vết thương hở giữa người lành và người mắc bệnh trong giao tiếp, sinh hoạt thông thường.

Trong các đường lây nhiễm, lây truyền từ mẹ sang con là nguy hiểm nhất vì để lại hậu quả lớn cho thai nhi. Đối với những sản phụ mắc viêm gan B có nồng độ virus thấp, khi có thai thường không gây gia tăng mức độ bệnh, nhưng với người có nồng độ virus cao, bệnh đang có những biến chứng, việc mang thai sẽ khiến bệnh viêm gan B trở nên trầm trọng hơn. Ở một số người bệnh, khả năng nguy cơ ung thư và xơ gan sẽ cao hơn nếu mang thai vào những thời điểm không thuận lợi.

* Dự phòng càng sớm càng tốt

Thông thường, nếu sản phụ không biết mình bị mắc viêm gan B, việc xác định bệnh sẽ thực hiện ở tháng thứ 6 của thai kỳ bởi sự tầm soát của các bác sĩ.

Cân nhắc việc cho con bú sữa mẹ đối với mẹ đã xác định mắc bệnh viêm gan B. 70% sữa mẹ có virus viêm gan B, tuy nhiên đối với người mẹ có nồng độ virus viêm gan B không quá cao, vẫn có thể cho con bú trong vòng 6 tháng đầu mà không sợ trẻ bị lây nhiễm viêm gan B qua sữa mẹ.

Vì sao nên thực hiện ở tháng thứ 6? Theo PGS.TS - bác sĩ Ngô Minh Xuân, tầm soát ở giai đoạn sớm (3 tháng đầu của thai kỳ) sẽ không thể can thiệp vì có hại cho sự phát triển của thai nhi. Nếu thai phụ biết mình đã mắc viêm gan B, nên báo với bác sĩ sản khoa càng sớm càng tốt, việc này liên quan đến tỷ lệ lây nhiễm của thai nhi. Nếu bệnh của mẹ được xác định khi đã mang thai và thực hiện can thiệp dự phòng ở tháng thứ 6, tỷ lệ lây nhiễm chỉ là 50%, nếu can thiệp ở tháng thứ 9, tỷ lệ lây nhiễm là 90%. Nếu mẹ đã được xác định bệnh và được dự phòng trước khi mang thai, tỷ lệ lây nhiễm cho con khi có thai chỉ dưới 20%.

* Phòng tránh lây nhiễm mẹ - con

Mẹ mắc bệnh viêm gan B hoặc gia đình có người bị mắc bệnh này, khi có thai nên được xác định bệnh để dự phòng càng sớm càng tốt,  thông qua việc xét nghiệm máu và quản lý thai kỳ chặt chẽ nếu phát hiện mắc bệnh. Mẹ mắc viêm gan B sẽ được đánh giá nồng độ virus trong máu để có hướng xử lý. Nếu nồng độ virus cao sẽ được dùng thuốc kháng virus.

Trẻ chờ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Trẻ chờ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Bác sĩ Ngô Minh Xuân cho rằng, việc phòng tránh chủ động nên bắt đầu từ người mẹ thông qua việc không nên tiêm chích ma túy, không nên có nhiều bạn tình, không nên quan hệ tình dục không an toàn với nhóm người có nguy cơ cao và cần giữ gìn trong sinh hoạt, giao tiếp thông thường với những người trong gia đình đã mắc bệnh viêm gan B.

Ngoài ra, cũng cần phòng tránh bệnh thụ động bằng việc mẹ cần tiêm ngừa (ngay cả khi đã có thai với sự hướng dẫn của bác sĩ). Cho trẻ tiêm vaccine phòng viêm gan B mũi 1 trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm đầy đủ 3 mũi còn lại trong vòng 4 tháng sau sinh.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều