Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ với bệnh vảy nến

09:09, 09/09/2014

Vảy nến là một bệnh thường gặp, tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt cũng như giao tiếp.

Vảy nến là một bệnh thường gặp, tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt cũng như giao tiếp.

Bệnh vảy nến “ăn” mất cả móng tay. Ảnh: T.L
Bệnh vảy nến “ăn” mất cả móng tay. Ảnh: T.L

Theo bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện da liễu Đồng Nai, bệnh vảy nến do rối loạn biệt hóa lành tính của tế bào thượng bì gây nên.

* Khó khăn trong sinh hoạt và giao tiếp

Tại Bệnh viện da liễu Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị bệnh vảy nến các thể.

Chị Ngô Ngọc H. ở xã Thạnh Phú (huyện  Vĩnh Cửu) than thở, cả chục năm nay, đầu gối và khuỷu tay của chị xuất hiện những mảng da sần sùi khá lớn, màu đỏ đậm. Những mảng này có nhiều vảy xếp lớp và thường xuyên tróc ra khiến chị không dám mặc váy hoặc áo ngắn tay, dù đã chữa nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không dứt. Theo chị H., dù bệnh ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng là bệnh dai dẳng nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, thẩm mỹ và giao tiếp của chị. Mùa hè, những mảng da này đỏ ửng lên và rất ngứa. Mùa mưa lạnh lại sưng lên rất đau. Còn chị Nguyễn Kim L. ở huyện Thống Nhất lên Bệnh viện da liễu để chữa bệnh này với mười đầu ngón tay bị bệnh vảy nến nhiều năm, mất hết cả móng. Chị L. nói: “Không còn móng khiến tôi gặp khó khăn khi làm việc và tất nhiên là mất thẩm mỹ với các đầu ngón tay cứ sần sùi như thế”.

* Triệu chứng của bệnh vảy nến

Theo bác sĩ Thái Hà, bệnh vảy nến làm các tế bào da chết dày lên, những nốt vảy da gây ngứa. Các vảy  này trên da ngày càng phát triển. Lớp vảy phía trên màu trắng, sâu dưới vảy là lớp vảy màu đỏ hồng. Cứ thế, tróc hết lớp vảy nọ thì lớp vảy kia lại trồi lên.

Nếu bị ở lòng bàn tay sẽ gây  tổn thương da ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân với các mụn nhỏ. Bệnh liên quan đến các khớp, dễ phát triển thành bệnh viêm khớp vảy nến. Các vảy này phát triển trên da đầu gọi là bệnh vảy nến da đầu; rồi ở đầu gối, khuỷu tay; có người bị toàn lưng, hông… Tuy nhiên, khi bệnh phát triển ở móng tay và móng chân, các vảy trở nên dày hơn, sần sùi và không màu.

Bệnh vảy nến ở các khớp sẽ khiến các khớp đau, cứng, không linh hoạt và yếu đi; các móng tay chân sần sùi, bị lâu có thể mất móng, làm giảm khả năng vận động của đôi tay.

* Cách điều trị và phòng ngừa

Theo bác sĩ Thái Hà, bệnh vảy nến thường gặp nhưng lại khó điều trị  dứt mà chỉ làm dịu tạm thời. Có nhiều phương thức trị liệu khác nhau, bác sĩ sẽ lựa phương thức thích hợp cho từng bệnh nhân và tùy theo bệnh nặng hay  nhẹ. Có thể sử dụng thuốc thoa ngoài da với dạng bệnh nhẹ. Bệnh nặng hơn cần phối hợp với thuốc uống hoặc chích, hoặc có thể sử dụng phương pháp quang trị liệu. Tuy nhiên, bệnh này phải điều trị tích cực và lâu dài, vì thế bệnh nhân cần kiên nhẫn.

Phương Uyên

  

 

 

Tin xem nhiều