Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập bút ký Dòng sông độ lượng của nhà văn Nguyễn Một: Tiếng lòng người miền Đông

08:11, 03/11/2008

Thời thế đổi thay, nhiều giá trị văn hóa, tinh thần xưa cũ bị mai một hoặc khuất lấp; Nguyễn Một như "phu chữ" cần mẫn đi bòn mót góp nhặt cái đẹp trong tiếng thở dài bất lực...

Thời thế đổi thay, nhiều giá trị văn hóa, tinh thần xưa cũ bị mai một hoặc khuất lấp; Nguyễn Một như "phu chữ" cần mẫn đi bòn mót góp nhặt cái đẹp trong tiếng thở dài bất lực... Viết về cái bề bộn, nóng hổi, ngòi bút Nguyễn Một tung hoành, phóng khoáng nhưng vẫn có độ kỹ càng, sâu lắng, bình giá, ngẫm nghĩ; câu văn nuột và có sức nặng" - lời nhận xét của Sương Nguyệt Minh, nhà văn hàm đại tá của tạp chí Văn nghệ quân đội, khiến tôi phải mua cuốn sách của Nguyễn Một.

 

Đọc xong tập bút ký "Dòng sông độ lượng" (Nhà xuất bản Văn Nghệ, xuất bản quý III-2008), tôi buông tiếng "thở dài"! Những thân phận đa dạng, thiên nhiên khắc khoải, những câu văn cay đắng về tình đời, tình người cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi đã từng đọc nhiều truyện ngắn của cây bút này, nhưng không ngờ anh viết bút ký cũng xuất sắc không kém truyện ngắn. Tập bút ký như giấc mơ chập chờn giữa hai vùng đất Quảng Nam và Đồng Nai. Từ "thúng quà quê", thân phận bé bỏng, nạn nhân của cuộc chiến di chuyển về Đồng Nai, sinh sống với bao "đau khổ, buồn vui, hạnh phúc". Bằng giọng văn "trầm buồn, da diết, phóng khoáng, thì thầm, u hoài,  cổ kính" (lời của Sương Nguyệt Minh), nhà văn dẫn dắt người  đọc cùng "đau khổ" với "Dòng sông độ lượng" bị con người đối xử tàn tệ, bị biến thành "dòng sông đen" (một dự cảm của nhà văn trước khi báo chí phanh phui về vụ sông Thị Vải). Đau khổ với những làng nghề truyền thống như "Cái mẻ kho" giữa hừng hực của nền văn minh đô thị, đau khổ với những số phận bọt bèo của "Nước mắt người cha", của "Người săn sóc những hương hồn lạnh". Người đọc cũng "buồn vui" với "Góp nhặt cát đá bên dòng Đồng Nai", buồn vui với "Rừng lá" và hạnh phúc với "Khu vườn cổ tích", với "Hạnh phúc giản đơn của người phụ nữ Biên Hòa"...

 

Có lần trò chuyện cùng tôi, một nhà báo nhận xét: "Bên ngoài Nguyễn Một thô tháp như dòng Đồng Nai. Hắn hài hước, hồn nhiên và quyết liệt, nhưng văn của hắn thì sâu lắng, mượt mà, chẳng hề có tiếng cười, mà nếu có cười thì cười ra nước mắt!". Cái nhận xét độc đáo ấy, được Nguyễn Một thể hiện rất rõ trong tập bút ký "Dòng sông độ lượng". Với 31 tác phẩm đủ tái hiện bức tranh cuộc sống muôn màu của vùng đất "bao dung"- miền Đồng Nai. Trong 31 tác phẩm ấy, có những cái nếu được viết dưới ngòi bút của một nhà báo thì nó chỉ là thông tin đơn thuần về cuộc sống, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn với những "điểm xuyết" tài hoa, nó trở thành tác phẩm đầy chất nhân văn như "Xuống núi tìm trầm", "Cổ tích bên bờ sông Hậu", "Rừng lá"...

 

Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh đã có lý khi nhận xét về cuốn sách này của Nguyễn Một: "...Văn đầy khí phách, hào phóng, tung tẩy; có lúc khôn ngoan tỉnh táo, không hề yếu đuối mặc cảm; và những khi trái tim nhà văn lên tiếng là lúc lắng lòng, cô đơn, buồn nhất. Tập bút ký "Dòng sông độ lượng" là tâm tình Nguyễn Một, thực ra cũng là hơi thở cuộc sống, là tiếng lòng người miền Đông".

Trần Đình Thu

 

Tin xem nhiều