Báo Đồng Nai điện tử
En

Ly hôn: được gì, mất gì?
Kỳ 2: Nghệ thuật trong hòa giải

09:04, 10/04/2009

Đưa nhau ra tòa ly hôn, những người trong cuộc đều có lý do của riêng mình. Ngoài những vụ mà chia tay là sự giải thoát tốt nhất cho cả hai phía, thì vẫn có những trường hợp tan vỡ do tác động bên ngoài nhiều hơn mâu thuẫn giữa hai người.

Đưa nhau ra tòa ly hôn, những người trong cuộc đều có lý do của riêng mình. Ngoài những vụ mà chia tay là sự giải thoát tốt nhất cho cả hai phía, thì vẫn có những trường hợp tan vỡ do tác động bên ngoài nhiều hơn mâu thuẫn giữa hai người.

 

* Chia sẻ hay thêm dầu vào lửa?

 

Chị B.T. (ở TP. Biên Hòa, vì lý do tế nhị, tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi) tâm sự với chúng tôi: "Thực ra lúc ấy cả hai đều không muốn ly hôn, nhưng tự ái của mỗi người quá cao. Nếu đang lúc bọn mình mâu thuẫn, có ai đó khuyên giải, phân tích đúng sai và làm cầu nối thì có lẽ đâu đến nỗi mỗi người một nơi như bây giờ!". Tâm sự của chị T. có lẽ cũng là tiếc nuối của không ít người lỡ ly hôn vì tự ái và thiếu sự chia sẻ chân tình của người ngoài cuộc.

 

Chúng tôi được biết một vài gia đình có lúc mâu thuẫn đến mức không thể sống chung, nhưng nhờ được gia đình hai bên, bạn bè và những người quen phân tích, hòa giải nên đã hiểu ra vấn đề, tự điều chỉnh lối sống, cách cư xử, tránh được những tan vỡ không đáng có. Một trong số đó là trường hợp vợ chồng anh T.V. Anh nói: "Chỉ cần một ai đó "đổ thêm dầu vào lửa", sợi dây hạnh phúc bị... đốt cháy ngay. Cũng may lúc ấy được vợ chồng người bạn thân phân tích thiệt hơn, bọn mình nghe ra nên hòa giải được".

Một mình.

Song, bên cạnh những lời khuyên chân tình, kịp thời, với ý thức xây dựng, thì không ít gia đình vì bênh con, bênh người thân của mình nên bình luận kiểu "thêm mắm dặm muối" khiến cho người trong cuộc càng nản, càng căm ghét người đầu ấp tay gối với mình. Chúng tôi được biết trường hợp của chị N.T. đi đến ly hôn chỉ vì hai bà mẹ. Vợ chồng của chị T. lúc lấy nhau còn rất trẻ, thường xuyên cãi nhau. Những lúc ấy T. thường bỏ về nhà mẹ và than thở đủ điều khiến mẹ của T. "điên tiết" sang nhà con rể chửi bới. Bà mẹ chồng cũng chẳng vừa nên hai bên lời qua tiếng lại thật nặng nề. Trước sự xúc xiểm của hai bà mẹ, vợ chồng T. ly hôn thật.

 

Còn trường hợp của chị H.T. thì qua một lần gặp chồng cùng người yêu cũ vào quán nước, nghĩ chồng phản bội nên chị T. đã đùng đùng xông vào làm lớn chuyện rồi về dọn đồ, bế con về nhà mẹ ruột ở. Những ngày ở nhà cha mẹ, T. được anh trai và chị gái (là những người từng ly hôn) bàn ra.  Đang tự ái và buồn, nghe anh chị mình nói thế, T. đã quyết định ly hôn. Chồng chị T. đã xin lỗi và can ngăn nhưng không được, đành chấp nhận chia tay. Chị T. tiếc nuối: "Giá ngày ấy mình tha thứ cho chồng và đừng dại dột ly hôn thì hôm nay mình vẫn còn có một gia đình để yêu thương".

 

* Cần lắm, nghệ thuật hòa giải!

 

Bên cạnh những lời khuyên từ gia đình, bạn bè thì một tác động bên ngoài khác theo chúng tôi là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự "lành" hay "vỡ" của một gia đình, đó là những người làm công tác hòa giải của tòa hôn nhân. Theo thống kê của Tòa án tỉnh, tỷ lệ án ly hôn hòa giải thành (gồm hòa giải trong việc trợ cấp nuôi con, phân chia tài sản và các thỏa thuận khác) đạt 36%, còn hòa giải để các đương sự tự nguyện rút đơn ly dị thì lại càng ít.

 

Hiện nay án nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đội ngũ những người tham gia xét xử lại thiếu, vì thế một thẩm phán phải kiêm xử nhiều loại án, chứ không có thẩm phán chuyên xử về ly hôn. Có dịp dự một số phiên hòa giải, chúng tôi thấy có những thẩm phán rất rành về luật nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu độ dày kiến thức về đời sống tâm lý nên cách hòa giải còn khô cứng, không giúp các đương sự nhận ra những được - mất của việc ly hôn. Thậm chí, có người nặng về cung cách "chỉ đạo" khi đưa ra những lời giáo huấn khuôn sáo và lạnh lùng trong khi không ít đương sự là trí thức, từng trải, có vốn sống, tuổi đời, thâm niên trong đời sống và hôn nhân hơn hẳn người đứng ra hòa giải...

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều