Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bức tranh nổi gió ở trên tường

07:01, 30/01/2016

Tại Phòng tranh Hiền Minh (38 Lê Công Kiều, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) đang diễn ra triển lãm Những gì còn sót lại của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Triển lãm trưng bày hơn 10 tác phẩm được bà vẽ từ năm 1969-1979 "còn sót lại".

Tại Phòng tranh Hiền Minh (38 Lê Công Kiều, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) đang diễn ra triển lãm Những gì còn sót lại của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Triển lãm trưng bày hơn 10 tác phẩm được bà vẽ từ năm 1969-1979 “còn sót lại”. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1946, bà học vẽ từ sự chăm lo của cha mình: nhà văn Kim Lân.

Trong những sách báo xuất bản tại Hà Nội thập niên 60 của thế kỷ trước, người ta còn gọi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là thần đồng mỹ thuật, vì từ năm 10 tuổi đã có tác phẩm đoạt giải thưởng và tham gia triển lãm quốc tế. Những bức chân dung mà Nguyễn Thị Hiền vẽ cha mình - nhà văn Kim Lân đem lại nhiều thích thú cho người xem. Dù ở nhiều chất liệu và góc độ khác nhau, nhưng nhà văn Kim Lân hiện lên luôn lịch lãm mà mẫu mực, nhỏ nhắn mà đường bệ!

Thú thật, khởi điểm tôi quý mến chị Hiền từ sự kính trọng nhà văn Kim Lân. Tôi cứ nhớ mãi cái đêm Hà Nội cuối thu 1998 thoang thoảng rét, nhà văn Kim Lân ngồi với cánh trẻ chúng tôi bên Hồ Tây. Tôi cứ nắc nỏm, vì sao sau những truyện ngắn nổi tiếng Vợ nhặt, Làng hay Con chó xấu xí, ông không tiếp tục viết? Nhà văn Kim Lân tư lự một chút và khẳng khái trả lời: “Mình không dám quẫy đạp ra khỏi cái bóng của mình thì cầm bút nữa làm chi!”. Tôi nể phục sự lựa chọn dừng lại ấy, cũng như biết ơn bàn tay ấm áp của ông đã đặt lên vai tôi giữa cơn gió khuya lành lành đất Bắc: “Muốn làm nhà văn, trước hết phải là người tử tế!”.

Thời trẻ, nhà văn Kim Lân từng đi sơn guốc và khắc tranh phong thủy để kiếm sống, nhưng ước mơ hội họa không thành. May mắn thay, sự kỳ vọng mỹ thuật của ông đã tạo nên 2 người con tài danh: họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Thành Chương. Ngày 20-7-2012, tại Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh) diễn ra buổi tọa đàm kỷ niệm 5 năm ngày nhà văn Kim Lân qua đời. Nếu nhắc đến người cha quá cố mà chị luôn kính trọng, không khéo làm họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mủi lòng, tôi quay sang thổ lộ: “Ngoài cha chị, còn một người nữa giúp tôi quý mến chị, đó là Lưu Quang Vũ!”. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cười tươi rói: “Vũ ấy à… Mình yêu thơ Vũ và Vũ cũng yêu tranh mình!”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lớn hơn 2 tuổi so với nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từng nổi tiếng và xinh đẹp, nên trong số rất nhiều người si tình, có Lưu Quang Vũ. Lúc đó chị vẽ gì, tôi không được xem tận mắt, nhưng Lưu Quang Vũ viết tặng những câu thật hay: “Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi. Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh. Tóc em rối và áo em đỏ thắm. Những bức tranh nổi gió ở trên tường”.

Còn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền hồi tưởng mối tình đầy trong trẻo, đầy mơ mộng và cũng đầy trắc trở ấy: “Cảm giác của tôi về cuộc tình này chưa bao giờ cũ. Lúc nào nó cũng như còn tươi rói trong ngực mình. Những vết thương vẫn có khả năng làm đau mỗi khi nhắc lại. Quả thật chúng tôi đã yêu nhau vì quá mê thơ và mê hội họa của nhau. Một tình cảm sáng trong và thánh thiện. Bao lần Vũ đến đứng trước cửa nhà tôi như đứa trẻ, tâm trạng đợi chờ và hồi hộp. Trong bất cứ đám đông nào, tôi cứ cảm thấy có ai đang nhìn mình, quay lại, thì đó là Vũ. Chúng tôi yêu nhau như định mệnh, xa nhau như định mệnh và nhớ nhau cũng như định mệnh. Vũ làm tặng tôi rất nhiều thơ. Những bài thơ Vũ viết thường rất giản dị, chân tình mà đau xót!”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng không quên có những đêm Hà Nội mưa gió, Lưu Quang Vũ đến gõ cửa chỉ để gửi mấy câu thơ vừa viết được từ nỗi thương nhớ khôn nguôi. Phần nhiều thơ Lưu Quang Vũ viết cho Nguyễn Thị Hiền đều nôn nao buồn, day dứt buồn: “Một tình yêu không biết nói cùng ai/ Đến điên dại, đến nghẹn ngào đau đớn/ Mặt anh vỡ trong tấm gương thất vọng”. Hai trái tim phấp phổng hướng về nhau nhưng không đến được với nhau vì nhiều nỗi trớ trêu. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Tôi không thể nào hiểu nổi vì sao cuộc đời lại phũ phàng đến thế. Một tình yêu sáng trong lại có lúc biến chúng tôi giống như tội đồ trong mắt mọi người. Cha tôi thì lo cho tôi đến héo mòn. Cơ quan đoàn thể kiểm điểm lên xuống. Người ta nhân danh chuyện tình của chúng tôi để ách lại việc đi học nước ngoài của tôi… Có nhiều sự thật mà tôi không muốn nói và không muốn nhắc đến nữa. Vì nhắc đến chắc hẳn sẽ có nhiều người đỏ mặt. Còn tôi thì thêm nhói đau”.

Đành đoạn rời xa nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chuyển vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống và lập gia đình với nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo. Sau khi chồng qua đời, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dồn hết tình thương cho cô con gái Hiền Minh. Bây giờ Hiền Minh đã lấy chồng bên Mỹ và cũng đi theo con đường hội họa của mẹ. Sau bao nhiêu thăng trầm, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tóc ngắn, mắt kính tròn xoe ngồi đối diện với tôi, vẫn như hiện nguyên về từ bài thơ Lưu Quang Vũ viết tháng 9-1972: “Thế giới xanh xao những sự thực gầy gò. Em đã đập vỡ ra từng mảnh. Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh. Em đi tìm thế giới của riêng em”.

Tôi thắc mắc: “Chị nổi tiếng từ rất sớm, cứ ngỡ như thảm đỏ trải ra mời, nhưng tận hôm nay vẫn chưa nhận được sự tưởng thưởng gì, có lẽ cái câu “em cô đơn rồ dại của tôi ơi” mà Lưu Quang Vũ viết, lại ứng nghiệm chăng?”. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nghiêng nghiêng cái đầu, không gật cũng không lắc, mà thẳng thừng: “Nếu mình nhún nhường một chút, khuôn phép một chút, chả cần đổi mới bút pháp gì thì có lẽ bây giờ đã được tôn vinh như một họa sĩ tầm cỡ!”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã quá tuổi lục thập, nhưng trong tác phẩm của chị vẫn có “dòng chảy” rầm rì và mãnh liệt. Chị gánh trên vai hào quang của tuổi nhỏ và cặm cụi vẽ, chị từ chối lối mòn quen thuộc nô nức những tiếng vỗ tay để đi theo con đường riêng. Chị cứ lặng lẽ trong thế giới màu sắc của mình và dửng dưng trước bao được mất khó ngờ. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tin tưởng tuyệt đối vào sự chân thành của mỗi bức tranh mình vẽ ra, giống như những câu thơ đẹp não nùng của Lưu Quang Vũ viết cách đây vừa tròn 40 năm: “Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ ở đó lòng em/ Ra tới mọi người/ ở đó mọi người/ Đi tới bên nhau...”.  

 Lê Thiếu Nhơn
 
 
 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích