Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng

09:03, 22/03/2019

Đồng Nai là địa phương có nhiều thành phần dân tộc cộng cư. Có những dân tộc tụ cư lâu đời và những cư dân từ các miền đất khác tìm đến sinh sống. Tính chất đa dân tộc đã làm đa dạng sắc thái văn hóa của vùng đất từng là địa đầu trong quá trình phát triển về phương Nam của Tổ quốc.

Đồng Nai là địa phương có nhiều thành phần dân tộc cộng cư. Có những dân tộc tụ cư lâu đời và những cư dân từ các miền đất khác tìm đến sinh sống. Tính chất đa dân tộc đã làm đa dạng sắc thái văn hóa của vùng đất từng là địa đầu trong quá trình phát triển về phương Nam của Tổ quốc.

Ngày 7-9-2018, Bảo tàng Đồng Nai tiếp nhận hơn 1.600 hiện vật của nhạc sĩ Trần Viết Bính (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) trao tặng. Trong ảnh: Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) trao tặng tượng trưng hiện vật đến ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: T.L
Ngày 7-9-2018, Bảo tàng Đồng Nai tiếp nhận hơn 1.600 hiện vật của nhạc sĩ Trần Viết Bính (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) trao tặng. Trong ảnh: Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) trao tặng tượng trưng hiện vật đến ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: T.L

Sự cố kết cộng đồng và tinh thần tương thân, tương ái qua từng giai đoạn đã giúp cho cộng đồng các dân tộc xây dựng Đồng Nai vốn hoang vắng trở thành một vùng trù phú của Nam bộ. Có những thời đoạn đầy khó khăn bởi nhiều yếu tố nhưng các thế hệ cư dân Đồng Nai đã nỗ lực vượt qua để chung tay xây dựng quê hương. Trong nỗ lực của cộng đồng, có những con người ưu tú, tiêu biểu đã cống hiến cho xứ sở này. Có nhiều người sinh ra, lớn lên từ vùng đất này nhưng cũng có người khi trưởng thành, từ nơi khác đến sinh sống, làm việc. Quá trình sinh sống, từ trải nghiệm, từ học tập, mỗi người đem tâm huyết, sức lực của cá nhân góp phần xây dựng quê hương trên nhiều lĩnh vực. Mỗi người, theo khả năng của mình, phát huy, đem lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống cộng đồng ở buôn làng, thôn xóm, khu phố, ngành nghề, lĩnh vực làm việc. Họ trở thành những con người có uy tín, nắm bắt những kỹ năng nghề nghiệp, lưu giữ những tri thức dân gian, bí quyết ngành nghề, sáng tác văn học nghệ thuật, truyền dạy cho thế hệ trẻ… được cộng đồng ghi nhận.

Hiện nay, ở Đồng Nai có những già làng vùng dân tộc thiểu số có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt nhiều chặng đường. Khi nhắc đến cộng đồng dân tộc vùng rừng núi Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu), chúng ta không thể không nhắc những người như: K’Lư (dân tộc Mạ), Nguyễn Văn Nghĩnh, Nguyễn Văn Nổi (dân tộc Chơro)… Không chỉ cá nhân mà những con người ưu tú của buôn làng đã vận động người dân theo cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau này, già làng Nguyễn Văn Nổi tiếp tục có những đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy cồng chiêng Chơro trong cộng đồng. Người Mạ ở vùng Tà Lài (huyện Tân Phú) có bà Ka Bào nắm giữ nhiều tri thức dân gian, vốn dân ca và truyền dạy nghề thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Đây là 2 người đầu tiên của Đồng Nai được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhiều người đã miệt mài, âm thầm cống hiến với những thành quả đáng tự hào - trong đó có nhạc sĩ Trần Viết Bính, được vinh dự trao tặng Giải thưởng nhà nước về văn hóa nghệ thuật. Dù tuổi cao nhưng nhạc sĩ vẫn miệt mài sưu tầm vốn dân ca các dân tộc thiểu số, rồi phối hợp truyền dạy lại thế hệ trẻ “vùng sâu, vùng xa” nâng cao ý thức và gìn giữ vốn văn hóa của chính cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng hiện đang sống tại Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) đã có nhiều đóng góp đối với di sản văn hóa của Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Nhiều công trình biên soạn, biên dịch, chú giải của ông được xuất bản là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho nghiên cứu văn hóa vùng đất phương Nam của đất nước. Mặc dù bệnh tật, tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn tranh thủ những cơ hội để trải lòng với vùng đất, con người đã cưu mang ông bởi nghĩa tình sâu đậm.

Trên đất Biên Hòa - Đồng Nai, vẫn còn đó những con người, khi còn công tác thì nhiệt huyết với công việc; khi rời công sở, nghỉ theo chế độ, với kinh nghiệm có được vẫn hăng say đóng góp cho quê hương qua sáng tạo, nghiên cứu, thực hiện những công trình, tác phẩm, truyền dạy cho lớp trẻ, vận động nêu gương chung tay trong xây dựng cộng đồng bằng những việc làm thiết thực. Những chức sắc tôn giáo đã vì lòng yêu nước, theo tinh thần nhân văn, bác ái đối với cộng đồng, truyền dạy những điều tốt đẹp, có ích cho cộng đồng trong tinh thần hòa hợp với niềm tin tôn giáo, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Chúng ta thấy những hoạt động xã hội như thiện nguyện, cứu trợ khó khăn, tương thân tương ái, hỗ trợ trong khó khăn các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo đã vận động được nhiều người hưởng ứng tự nguyện, tích cực. Những hiệu quả từ các công tác đó, có nhiều lý do, nhưng vẫn có từ tinh thần của những cá nhân có uy tín trong cộng đồng.

Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều phương pháp hoạt động đa dạng, đi vào chiều sâu đối với cộng đồng. Những hội, ngành, đoàn thể… tùy theo đặc điểm, chức năng, vai trò, vị trí đã tuyên truyền, vận động gây dựng chung vì mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp, phong trào xây dựng văn hóa thấm sâu từng gia đình, địa bàn để lan tỏa mạnh mẽ. Trong đó, sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của Mặt trận hằng năm đối với những người có uy tín, nhân sĩ yêu nước trong cộng đồng được duy trì kịp thời, đem lại hiệu ứng tích cực cho xã hội trên nhiều phương diện.

Một người uy tín ở địa phương cho biết: “Dù có hay không sự hỗ trợ, tôi vẫn làm những điều có ích cho xã hội. Nhưng, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Mặt trận là một động lực cho chính cá nhân đó nỗ lực hơn trong những hoạt động đem lại việc làm thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng”.

Tôi đã chứng kiến những người đã hiến hàng trăm hiện vật, tài liệu của gia đình cho một cơ quan gìn giữ di sản văn hóa của tỉnh nhà. Họ tự nguyện, vui lòng hiến tặng cho nhà nước bởi một lẽ đơn giản - con người, vùng đất này đầy ân tình với họ - không chỉ là vật chất mà là từ cách ứng xử. Mong sao trong giai đoạn tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy vai trò của người có uy tín, nhân sĩ yêu nước trong cộng đồng - bởi điều này sẽ “kết nối” sức mạnh của cộng đồng cư dân, đem lại sự lan tỏa về những cá nhân điển hình, góp phần hiệu quả trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở mỗi địa bàn của thôn, làng, xóm ấp, xã, huyện, thị cụ thể, toàn tỉnh Đồng Nai nói chung hướng đến sự phát triển tích cực.

Đinh Huyền Dũng

Tin xem nhiều