Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ gìn đình làng nơi đô thị

10:11, 05/11/2020

Là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, TP.Biên Hòa ngày nay dù đã là một đô thị loại I, một thành phố phát triển công nghiệp với diện mạo không ngừng đổi mới theo hướng ngày càng hiện đại, nhưng giữa lòng thành phố vẫn giữ gìn được các đình làng, miếu cổ. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa từ thuở mới khai thôn, lập ấp của vùng đất Biên Hòa...

Là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, TP.Biên Hòa ngày nay dù đã là một đô thị loại I, một thành phố phát triển công nghiệp với diện mạo không ngừng đổi mới theo hướng ngày càng hiện đại, nhưng giữa lòng thành phố vẫn giữ gìn được các đình làng, miếu cổ. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa từ thuở mới khai thôn, lập ấp của vùng đất Biên Hòa...

Đình Hưng Phú, một trong 11 ngôi đình lâu đời tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ngọc Liên
Đình Hưng Phú, một trong 11 ngôi đình lâu đời tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Ngọc Liên

 Với hàng chục đình làng, cổ miếu hiện đang tồn tại mang đậm dấu ấn, giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa làng xã, tín ngưỡng dân gian từ xa xưa, những mái đình không chỉ là nơi thờ tự các vị thành hoàng mà còn gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng, danh nhân, người có công với quê hương, đất nước như: Nguyễn Hữu Cảnh, Đoàn Văn Cự, Nguyễn Tri Phương… Trong đó, một số đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh.

* Nơi giữ “nếp làng”

Theo đại diện ban quý tế các đình làng trên địa bàn TP.Biên Hòa, từ thuở mới sơ khai, Biên Hòa có rất nhiều đình, miếu làng được lập để thờ các bậc tiên sư, tổ nghề. Trong quá khứ, khu vực  các phường: Hiệp Hòa, Bửu Long, Tân Vạn… là những vùng phát triển mạnh mẽ, dân cư tập trung đông đúc. Người dân đã lập rất nhiều đình, miếu để thờ thần thánh, các vị tổ nghề của từng ngôi làng. Đến nay, các đình, miếu này vẫn được giữ gìn và hằng năm đều tổ chức lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như: đình Tân Lân, miếu Tổ sư, đình Phước Lư…

Là một trong những ngôi miếu cổ có tuổi hơn 300 năm, miếu Tổ sư (đóng trên địa bàn P.Bửu Long, người dân địa phương còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu) do cộng đồng người Hoa, bang Hẹ xây dựng để thờ tam vị tổ nghề gồm các nghề: đá, mộc và rèn. Ngoài ra, miếu còn thờ Thiên hậu thánh mẫu và quan thánh đế quân, những vị thần thánh được thờ cúng ở hầu hết các đình, miếu trong dân gian.

Ông Trương Lâm Thủy, Hội trưởng bang Hẹ, Sùng chính Bửu Long, chịu trách nhiệm trông coi, chăm  sóc ngôi cổ miếu cho biết, ngoài ý nghĩa thờ cúng các vị tổ sư, cổ miếu còn là một trong những công trình nổi bật về kiến trúc nghệ thuật với tường, cột, xà ngang và nền nhà đều làm bằng đá xanh nổi tiếng của vùng đất Bửu Long. Hằng năm, miếu Tổ sư thường tổ chức các lễ vía tổ sư và thần linh (vào các ngày 23-3 âm lịch, 13-6 và 24-6 âm lịch). Đặc biệt, đáo lệ 3 năm một lần, miếu tổ chức lễ vía tổ sư với quy mô lớn, kéo dài 4 ngày với các nghi thức độc đáo, thu hút đông đảo người dân địa phương, nhất là những người đang làm nghề đá, mộc và rèn, tham gia.

Nằm ngay trên địa bàn phường trung tâm của TP.Biên Hòa, Đình thần Phước Lư (đóng trên địa bàn P.Quyết Thắng) có tuổi đời gần 200 năm, là nơi vẫn duy trì những giá trị về văn hóa, tinh thần cho người dân thông qua các đợt tổ chức lễ vía các vị thần linh hằng năm.

Ông Tống Hữu Giàu, Phó ban Trị sự đình thần Phước Lư cho biết, mỗi năm đình thần tổ chức lễ cúng thần linh với các nghi thức từ thời xa xưa. Bên trong đình thần, những bức lam, bàn thờ được gìn giữ nguyên vẹn từ khi hình thành đến nay, Ban quý tế thường xuyên duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, gần 30 năm nay, đình thần Phước Lư còn là nơi nhiều người tìm đến để được khám, chữa bệnh theo phương pháp Đông y miễn phí.

* Giá trị lịch sử, văn hóa cần lưu giữ

Là phường nằm trọn vẹn trên một cù lao và được bao bọc bởi con sông Đồng Nai, trong quá khứ, P.Hiệp Hòa hay còn gọi là cù lao Phố có truyền thống lịch sử và phát triển lâu đời của một thương cảng sầm uất và đô thị phồn thịnh nhất phương Nam. Đối với những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này còn tự hào vì nơi đây vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, minh chứng cho sự trưởng thành và lớn lên của một “anh cả” trên đất Đồng Nai.

Đình Phước Lư (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) được người dân chăm sóc, thờ cúng thường xuyên. Ảnh: Ngọc Liên
Đình Phước Lư (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) được người dân chăm sóc, thờ cúng thường xuyên. Ảnh: Ngọc Liên

Ông Trương Minh Hoàng, người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất cù lao Phố cho biết, ông đã từng đọc nhiều tài liệu nói về vùng đất cù lao Phố. Theo đó, một số tài liệu cho rằng, cù lao Phố có nhiều đình, chùa cổ nhất miền Nam. Chỉ tính riêng các ngôi đình cổ, cù lao Phố hiện có 11 ngôi đình vẫn được người dân chăm sóc, cúng viếng.

Bản thân ông Hoàng hiện đang giữ trách nhiệm trông coi ngôi đình Hưng Phú ngay bên cạnh nhà mình. Không biết chính xác đình Hưng Phú được xây dựng từ năm nào, nhưng năm 1852, đình Hưng Phú được vua Tự Đức phong sắc thần và sắc thần này vẫn được Ban Quý tế của đình lưu giữ cẩn thận đến hôm nay.

Ngoài ra, đối với những ai lần đầu đến đình Hưng Phú đều bị thu hút bởi một ngôi mộ cổ nằm cạnh đình. Ông Trần Ngọc Châu, cháu cố của người được chôn cất trong ngôi mộ cổ cho biết, ông cố của ông khi xưa đã từng hiến đất để mở rộng đình Hưng Phú như hiện nay. Ngôi mộ cổ được làm bằng đá đỏ từ năm 1931 với cấu trúc đúng chuẩn ngôi mộ của người Việt xưa, dù đã gần 90 năm nhưng màu sắc, hình dáng ngôi mộ vẫn được giữ nguyên.

Ông Châu chia sẻ: “Gia đình tôi mong muốn ngôi mộ cổ sẽ trở thành nơi để các con cháu và các thế hệ mai sau khi viếng thăm có thể biết được những giá trị văn hóa, kiến trúc về lăng mộ của ông cha ta, góp phần vào việc lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian Việt Nam”.

TP.Biên Hòa hiện có 7 ngôi đình, miếu được xếp hạng di tích cấp tỉnh, quốc gia và hàng chục đình, miếu chưa được xếp hạng. Việc duy trì, điều hành hoạt động tại các đình, miếu vẫn được người dân, các ban quý tế tại các đình thực hiện. Các ngôi đình, miếu trở thành nơi tôn nghiêm được người dân bảo vệ một cách tự giác. Theo quan điểm của ông Tống Hữu Giàu, Phó ban Trị sự đình thần Phước Lư, việc lưu giữ đình làng là một việc có ý nghĩa cần được sự quan tâm đúng mức để giữ lại những nét văn hóa dân gian cho thế hệ mai sau. Đối với những đình, miếu lâu năm duy trì được các lễ hội thường xuyên rất cần được Nhà nước xem xét, sớm công nhận di tích để các đình có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, một số người dân sống gần khu vực 2 ngôi đình Tân Mỹ và Thành Hưng (P.Hiệp Hòa) đang lo lắng vì thông tin một số dự án mở đường sẽ ảnh hưởng đến công trình của 2 ngôi đình có tuổi đời gần 200 năm này. Ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của người dân, tại cuộc họp với các sở, ban, ngành mới đây diễn ra tại TP.Biên Hòa, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cũng đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và TP.Biên Hòa điều chỉnh quy hoạch mở đường để ưu tiên giữ lại đình Thành Hưng và đình Tân Mỹ.

Theo ông Lê Kim Bằng, 2 ngôi đình Thành Hưng và đình Tân Mỹ hiện đang được xem xét xếp hạng di tích. Đây là 2 đình có kiến trúc tiêu biểu cho các đình làng ở miền Nam từ thuở khai hoang lập ấp nên có giá trị lịch sử rất quý. Tuy nhiên, trong quy hoạch mở đường tại P.Hiệp Hòa đã có tuyến đi ngang qua 2 ngôi đình này. Việc người dân và ban quý tế của 2 đình đều mong muốn các ngôi đình được giữ lại là hoàn toàn phù hợp.

Xem xét, xếp hạng di tích cho đình làng tại TP.Biên Hòa

Bảo tàng Đồng Nai đang hỗ trợ các đình: Bình Thiền (P.Bửu Hòa), Phước Lư (P.Quyết Thắng), Tân Mỹ và Thành Hưng, Hưng Phú (P.Hiệp Hòa) lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, công nhận và xếp hạng di tích cho các đình nêu trên. Theo thống kê của Sở VH-TTDL, TP.Biên Hòa hiện có 23 di tích được xếp hạng. Trong số này, 7/10 di tích là các đình, miếu được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 3 đình, miếu được xếp di tích cấp tỉnh.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều