Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực gìn giữ, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử

08:06, 27/06/2023

Năm 2023 tròn 10 năm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2023 tròn 10 năm nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

CLB Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai biểu diễn phục vụ người dân miễn phí tại không gian ngoài trời Trung tâm Văn miếu Trấn Biên năm 2023. Ảnh: L.NA
CLB Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai biểu diễn phục vụ người dân miễn phí tại không gian ngoài trời Trung tâm Văn miếu Trấn Biên năm 2023. Ảnh: L.NA

Là địa phương hội tụ, lan tỏa những giá trị độc đáo của ĐCTT, nhiều năm qua, Đồng Nai nỗ lực bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị nổi bật của di sản này.

* Nỗ lực gìn giữ, phát huy

Từ khi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013, phong trào ĐCTT trên địa bàn Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực. Tại 11 huyện, thành phố đều thành lập, duy trì hoạt động của các mô hình CLB, đội nhóm ĐCTT với hàng trăm tài tử, nghệ nhân tham gia sinh hoạt. Tiêu biểu như H.Nhơn Trạch có 12 CLB, H.Cẩm Mỹ có 2 CLB, H.Xuân Lộc có 3 CLB, TP.Long Khánh có 5 CLB...

Cùng với các mô hình, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh có truyền thống theo đuổi đam mê nghệ thuật ĐCTT cũng tích cực tổ chức luyện tập, truyền dạy cho con cháu. Những thành viên lớn tuổi trong các gia đình này đều hiểu biết sâu sắc về loại hình ĐCTT, có thể biểu diễn nhuần nhuyễn nhiều bài bản tổ và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh TÔN THỊ THANH TÌNH cho hay: “Trong 6 tháng cuối năm 2023, trung tâm tiếp tục tổ chức các chương trình biểu diễn ĐCTT phục vụ nhân dân, công nhân khu nhà trọ. Đồng thời, tập luyện tham gia Liên hoan nghệ thuật ĐCTT Nam bộ lần thứ XVII mở rộng tại tỉnh Bạc Liêu vào tháng 12”.

Phó chủ nhiệm CLB ĐCTT H.Nhơn Trạch Nguyễn Kim Ton cho biết, hơn 10 năm nay, phong trào ĐCTT trên địa bàn phát triển rộng khắp tất cả các xã, thị trấn. Các đội nhóm, CLB đa số sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tham gia biểu diễn, dàn dựng kịch bản cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn. Đến cuối năm 2022, H.Nhơn Trạch đã kiện toàn các mô hình, thành lập lại CLB ĐCTT H.Nhơn Trạch với 13 thành viên, trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Vĩnh Cửu Trương Thị Ngọc Anh, từ đầu năm đến nay, H.Vĩnh Cửu đã tổ chức hàng chục buổi giao lưu ĐCTT kết hợp với tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại các cụm xã, thị trấn: Bình Lợi - Thiện Tân - Vĩnh An; Vĩnh Tân - Hiếu Liêm - Mã Đà - Phú Lý… Các buổi giao lưu thu hút hơn 650 người yêu nghệ thuật ĐCTT đến từ 12 CLB ĐCTT của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo điều kiện cho các tài tử, nghệ nhân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm duy trì và phát triển ĐCTT tại địa phương.

* Cần quan tâm truyền dạy ĐCTT

Nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (ngụ tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay, việc phát động rộng rãi lực lượng sáng tác ĐCTT, tập trung viết về đất và người Đồng Nai trong tình hình mới với những diễn biến tích cực là điều cần thiết. Từ những tác phẩm mới về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, những gương sáng của các tập thể, cá nhân nổi bật trong lao động, sản xuất… một khi đi biểu diễn, lan tỏa trong cộng đồng sẽ tạo động lực, thúc đẩy người dân chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Từ ngày 20 đến 23-6, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Tân Phú đã tổ chức lớp tập huấn ĐCTT H.Tân Phú năm 2023. Hơn 20 nghệ nhân, tài tử trên địa bàn huyện đã được trang bị các kiến thức cơ bản về sự hình thành, phát triển của ĐCTT Nam bộ, 20 bài bản tổ, thực hành biểu diễn… Ban tổ chức đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho các học viên.

Theo nghệ nhân Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai, để sức sống của ĐCTT càng trường tồn và phát triển cùng với thời gian, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhất là trong đào tạo nguồn lực cho ĐCTT.

Nghệ nhân Phạm Lơ bộc bạch: “Sẽ còn rất nhiều việc cần làm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này khi môi trường thực hành ĐCTT ngày càng kém hấp dẫn, cùng với đó là sự thưa dần các tài tử có nghề. Tôi cho rằng, câu chuyện đào tạo và truyền nghề rất cần được chú trọng ngay từ bây giờ”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, những năm qua, Đồng Nai đã và đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đã có nhiều liên hoan, hội diễn, giao lưu… trong và ngoài tỉnh được tổ chức. Mặc dù việc truyền dạy ĐCTT không rầm rộ nhưng vẫn duy trì thường xuyên tại các trung tâm, đội, nhóm, CLB, gia đình. Từ đó, góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, từng bước nâng cao giá trị của ĐCTT gắn với văn hóa sinh hoạt thường ngày ở cộng đồng dân cư.

Ly Na

Tin xem nhiều