Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường ngoài công lập: Nhiều trường chật vật trong tuyển sinh

08:10, 13/10/2011

Đến đầu tháng 10, dù đã hết thời hạn xét tuyển bổ sung nhưng nhiều trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Đồng Nai vẫn không nhận đủ chỉ tiêu học sinh vào lớp 10.

Đến đầu tháng 10, dù đã hết thời hạn xét tuyển bổ sung nhưng nhiều trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Đồng Nai vẫn không nhận đủ chỉ tiêu học sinh vào lớp 10.

Trước đó, các trường ngoài công lập đã tìm đủ cách để “chiêu hiền đãi sĩ”. Cụ thể như ở Trường THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc), theo Hiệu trưởng Hoàng Văn Trọng thì: “Vận động học sinh đến trường, miễn giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh học giỏi… là những cách thu hút học sinh về trường. Tuy nhiên, số học sinh đăng ký xét tuyển vào học lớp 10 trong năm học này chỉ được 703 em, thiếu gần 100 chỉ tiêu”.

 * Tìm nhiều cách vẫn không tránh khỏi khó khăn

Tại Trường THPT dân lập Văn Lang (huyện Trảng Bom), năm học này tình trạng thiếu học sinh đăng ký vào trường lại tiếp tục diễn ra. Hiệu trưởng Lê Nguyên Tú cho biết: “Cùng với miễn giảm học phí, trường còn tuyên truyền tới cả công nhân làm việc trong các khu công nghiệp về những ưu đãi của trường. Thế nhưng hiện tại trường chỉ tuyển được 85 học sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển của trường tới 225 em. Dãy phòng học 3 tầng kiên cố bị bỏ trống tới trên chục phòng. Trung bình mỗi lớp học chỉ có trên dưới mười em. Chắc chắn, năm học này, trường phải chấp nhận phương án lỗ. Do học sinh ít nên đa số giáo viên của trường là giáo viên thỉnh giảng, lịch giảng dạy bị động”.

Giờ tập quân sự của học sinh Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ (TX.Long Khánh), một trong những trường đang khó khăn trong tuyển sinh.
Giờ tập quân sự của học sinh Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ (TX.Long Khánh), một trong những trường đang khó khăn trong tuyển sinh.

Trường THPT dân lập Nguyễn Huệ (TX.Long Khánh) cũng trong tình trạng tương tự. Hiệu trưởng Đoàn Khắc Lúc cho hay: “Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách thu hút học sinh, từ duy trì chất lượng giảng dạy, đầu tư hạ tầng, điều chỉnh mức thu học phí, khen thưởng học sinh giỏi, miễn giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… đến tổ chức treo băng-rôn tuyển sinh tại các trường THCS mà vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Cách đây 2 năm, trường tuyển sinh được trên 600 học sinh. Năm ngoái, tụt xuống còn 300 em. Năm nay, chật vật lắm trường cũng chỉ tuyển được 199 em. Vì vậy, số lớp học của trường đã giảm từ 31 xuống còn 16 lớp trong năm học này. Hội đồng quản trị nhà trường nhận định, nếu tình trạng thiếu học sinh còn diễn ra, trường có thể phải ngưng tuyển sinh trong một vài năm tới”.

Riêng về vấn đề phân bố chỉ tiêu tuyển sinh, ông Đào Đức Trình,  Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết: “Sở GD-ĐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên cơ sở những chỉ tiêu mà các trường đề xuất và xét thực lực của từng trường. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều trường ngoài công lập đang khó, chúng tôi dự định mời đại diện các trường đến để nghe kiến nghị, qua đó cùng trao đổi, chia sẻ và tháo gỡ”.

Tại Trường THPT dân lập Lạc Long Quân (huyện Định Quán), Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Hào cho biết: “Để thu hút học sinh, ngay từ cuối tháng 3, nhà trường đã đi đến các trường THCS trong huyện phát tờ rơi, treo băng-rôn và mở các điểm tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn còn thiếu tới gần 300 chỉ tiêu”.

Theo ông Đào Đức Trình, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT), không chỉ các trường trên đang chật vật vì thiếu chỉ tiêu vào lớp 10 mà hiện tại còn rất nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng nằm trong tình trạng tương tự.

* Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều trường ngoài công lập khó tuyển đủ chỉ tiêu. Theo hiệu trưởng Lê Nguyên Tú, đó là vì: “Trong địa bàn huyện có tới 7 trường THPT cả công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, còn có một số cơ sở dạy nghề. Trường mở ra nhiều, khiến thị phần bị chia nhỏ”.

Chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại một trường dân lập ở Biên Hòa. Ảnh: Công Nghĩa
Chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại một trường dân lập ở Biên Hòa. Ảnh: Công Nghĩa

Còn hiệu trưởng của Trường THPT dân lập Lạc Long Quân thì cho rằng: “Trường ở vùng sâu, đa số dân nghèo nên nếu không đậu vào các trường công lập thì gia đình lựa chọn cho con học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm giảm chi phí. Bên cạnh đó, trường mới hoạt động được 3 năm nên chưa thể khẳng định tên tuổi và tạo niềm tin ở phụ huynh học sinh”.

Ngoài ra, theo ông Đoàn Khắc Lúc thì chỉ tiêu tuyển sinh được Sở GD-ĐT duyệt hiện chưa hợp lý. Ông đơn cử, năm học 2010-2011 toàn TX.Long Khánh có gần 2 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, chỉ với riêng tổng chỉ tiêu của 4 trường THPT trong thị xã, gồm: Trần Phú, Long Khánh, Trương Vĩnh Ký, Văn Hiến đã được Sở GD-ĐT phê duyệt lên tới trên 2.800 chỉ tiêu! Với một trường nằm cách trung tâm thị xã 10km như Nguyễn Huệ càng khó khăn hơn trong việc tìm nguồn tuyển sinh. 

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GD-ĐT) cho hay: “Ngoài các đều kiện như địa thế, cơ sở vật chất, học phí… thì lý do mang tính chất quyết định các trường thu hút học sinh là đội ngũ sư phạm và chất lượng đào tạo. Vì rõ ràng, bên cạnh các trường còn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, vẫn có một số trường chỉ trong một thời gian ngắn đã tuyển thừa chỉ tiêu. Vì thế, giải pháp để các trường ngoài công lập thu hút học sinh là cần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Chủ trương đảm bảo mỗi huyện có ít nhất một trường ngoài công lập của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu nguồn học sinh xảy ra ở các trường này, liệu có làm các nhà chuẩn bị đầu tư “chùn bước?”. Phải phân luồng học sinh, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp mang tính cấp bách cần các trường ngoài công lập và Sở GD-ĐT nhanh chóng thực hiện để cứu các trường trước nguy cơ đi đến phá sản.

Bích Hường

 

 


 


 

 

 

Tin xem nhiều