Báo Đồng Nai điện tử
En

Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3): Gắn kết tình người

08:03, 20/03/2014

Với nhiều người Đồng Nai, lần đầu tiên hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc do Liên hợp quốc phát động - đã cảm thấy rất mới mẻ và nhiều cảm xúc.

Với nhiều người Đồng Nai, lần đầu tiên hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc do Liên hợp quốc phát động - đã cảm thấy rất mới mẻ và nhiều cảm xúc.

Ngày 16-3, hơn 400 gia đình ở TP. Biên Hòa đã cùng nhau đi bộ từ Công viên Biên Hùng về Nhà thiếu nhi tỉnh; cùng tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3; nhảy flashmob và tham gia các hoạt động với chủ đề Ngày hội “Vòng tay yêu thương”, như: thăm và tặng quà cho các trẻ mồ côi, khuyết tật; các trò chơi dân gian, trò chơi vận động… Ngày này đã trở thành ngày hội chung của nhiều gia đình.

* Đồng hành với yêu thương

Bà Lê Kim Hạnh (43 tuổi, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) cùng chồng và con đi bộ trong ngày 16-3 vừa qua, cho biết: “Những ngày trước đó, tôi cùng chồng, con tập nhảy flashmob, đặc biệt là con gái tôi rất háo hức. Từ sáng sớm cháu đã dậy, ăn sáng nhanh. Cháu rất thích thú trong bộ đồng phục cùng cha mẹ. Quãng đường đi bộ từ Công viên Biên Hùng về Nhà thiếu nhi tỉnh không quá xa, nhưng cũng đủ để mệt đối với những người thường xuyên đi xe máy như tôi. Nhưng quả thực hôm đó rất vui, tôi thấy yêu gia đình hơn, thấy gắn bó với cộng đồng hơn khi thấy ai cũng đi bộ và nhảy múa hết mình”.

Đi bộ đồng hành hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc tại Đồng Nai.
Đi bộ đồng hành hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc tại Đồng Nai.

Còn gia đình anh Trần Văn Nhân (kinh doanh điện máy ở chợ Biên Hòa có con học ở Nhà thiếu nhi tỉnh) cho hay, sau buổi đi bộ, vợ chồng anh đã quyết định đưa con đến thăm và tặng quà cho trẻ em ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi,  khuyết tật tỉnh. Anh Nhân nói: “Tôi muốn đưa con gái đến gặp gỡ các bạn bè đồng trang lứa bị khuyết tật để giáo dục cháu biết yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ những bạn không may mắn. Chuyến ghé thăm để lại ấn tượng tốt với con tôi. Những ngày sau đó cháu có những thái độ tích cực như không còn đổ sữa thừa hay bỏ cơm như trước. Đôi lúc cháu còn thỏ thẻ: “Hôm nào con đem đồ chơi dư của con tặng các bạn ấy. Các bạn ấy chẳng có món đồ chơi nào cả”. Tôi nghe con nói mà rưng rưng trong lòng”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí:

“Gia đình là tế bào của xã hội. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam hình thành nên hệ thống những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như: tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, sự mai một của các giá trị đạo đức trong gia đình. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân cùng vượt qua những khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng đến một cộng đồng hạnh phúc...”.

Nhiều người cho rằng, tình yêu thương của người Việt Nam không phải đến Ngày Quốc tế hạnh phúc mới có những hoạt động hưởng ứng và chia sẻ. Từ nhiều đời qua, người Việt vốn giàu truyền thống chia ngọt sẻ bùi. “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”… là những điều nằm lòng của người Việt Nam. Thế nhưng, năm nay sự kiện Ngày Quốc tế hạnh phúc một lần nữa nhắc nhở mọi người không nên chỉ biết vun đắp hạnh phúc cho riêng mình, mà còn phải có trách nhiệm xây dựng một cộng đồng an toàn, lành mạnh.

* Gia đình hạnh phúc,  cộng đồng cùng hưởng

Những vấn đề về xung đột bạo lực, nạn đói nghèo, thất nghiệp, trẻ em thất học, nạn ô nhiễm môi trường, cách biệt giàu nghèo... đã làm cho thế giới và nhiều quốc gia ở trong tình trạng mất cân bằng, không ổn định, đe dọa tính mạng, hạnh phúc của con người…

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên hợp quốc từ tháng 6-2012. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam - cam kết ủng hộ ngày này, với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

Ở Việt Nam, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng, không có bạo hành, hướng tới một môi trường cộng đồng an ninh, lành mạnh… từ nhiều năm qua rất được quan tâm. Đặc biệt, các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, cấp vốn cho các hộ nghèo neo đơn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hiến máu cứu người… đã trở thành phong trào rộng khắp.

Trao đổi về những tiêu chí để xây dựng một cộng đồng hạnh phúc, thạc sĩ tâm lý Hà Trung Thành, giảng viên Trường cán bộ TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chỉ số của cộng đồng hạnh phúc được dựa trên các yếu tố, như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Cộng đồng hạnh phúc được biểu hiện ở những hình ảnh, như: môi trường sạch đẹp, không túi ny-lông, không thuốc lá. Hạnh phúc cộng đồng chỉ có được khi hạnh phúc của mỗi gia đình với những tôn giáo và văn hóa khác biệt nhau được hòa quyện, tạo nên một bản sắc đồng nhất. Giúp người dân sống khỏe hơn, vui hơn, có thể tận hưởng được hương vị của cuộc sống, thân thiện, gần gũi với môi trường hơn. Khi người dân sống hài hòa, hạnh phúc sẽ tạo dựng một xã hội hài hòa, hạnh phúc”.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều