Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng nghiệp... chệch hướng

10:12, 15/12/2014

Với tâm lý coi trọng bằng cấp, nhiều phụ huynh, học sinh đã chọn cách vào các trường đại học sau THPT mà không cần quan tâm đến đầu ra là việc làm sau khi tốt nghiệp.

Với tâm lý coi trọng bằng cấp, nhiều phụ huynh, học sinh đã chọn cách vào các trường đại học sau THPT mà không cần quan tâm đến đầu ra là việc làm sau khi tốt nghiệp. Hậu quả là mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Trong khi đó, nhiều học viên tại các trường nghề lại “đắt như tôm tươi”.

Học viên học nghề tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 khi ra trường rất dễ tìm việc làm.
Học viên học nghề tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 khi ra trường rất dễ tìm việc làm.

Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” sẽ tiếp tục tái diễn nếu công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh không được quan tâm đúng mức. Nói các khác, khi hướng nghiệp chệch hướng, không chỉ người học phải chịu thiệt thòi mà ngay cả xã hội cũng không có được nguồn nhân lực như yêu cầu.

* Giấu bằng đại học đi làm công nhân

Tốt nghiệp khoa kế toán, kiểm toán Trường đại học Đồng Nai năm 2013, nhưng đến nay N.N. vẫn chưa kiếm được việc làm đúng chuyên môn. N. đành làm lao động phổ thông tại một công ty mỹ phẩm ở Khu công nghiệp Amata có mức lương 4 triệu đồng/tháng với công việc in bao bì. N. chia sẻ: “Ngày mới ra trường, tôi háo hức đi kiếm việc làm nhưng đi đến đâu người ta cũng không nhận vì không có kinh nghiệm. Để vào làm tại công ty hiện tại, tôi không dám để bằng đại học vào hồ sơ mà chỉ nộp bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều bạn tốt nghiệp đại học như tôi nhưng cũng đang phải đi làm công nhân với mức lương của lao động phổ thông”.

Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Liên đoàn các doanh nghiệp Na Uy vừa cam kết sẽ hỗ trợ công tác đào tạo hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp tại Đồng Nai giai đoạn 2015-2016. Mục đích nhằm nâng cao hoạt động dạy nghề thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các trường học và doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết tình trạng cử nhân phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân đã diễn ra từ nhiều năm nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do người lao động không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề mà đơn vị sử dụng lao động cần. Hay nói cách khác, các đơn vị, doanh nghiệp cần những người thợ lành nghề, có thể thực hành được chứ không cần những cử nhân giỏi về lý thuyết.

Theo ông Cộng, Đồng Nai hiện có 5 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề và 63 cơ sở đào tạo nghề ở các cấp độ từ địa phương đến quốc gia, khu vực, quốc tế. Học viên học nghề ở các trường, như: cao đẳng nghề Lilama 2, cao đẳng nghề Đồng Nai, cao đẳng nghề số 8… khi ra trường có tới hơn 80% có việc làm ngay. Với những nghề trọng điểm, như hàn, công nghệ ô tô... thì tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp là 90%. Đó là chưa kể có những doanh nghiệp còn đặt hàng học viên ngay từ khi các em đang còn học tại trường.

* Hướng nghiệp cho có

Đó là thực trạng của công tác hướng nghiệp hiện nay tại rất nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Nhiều trường do không có giáo viên chuyên trách nên đã “cử đại” một giáo viên dạy Thể dục, Quốc phòng hay Giáo dục công dân, Địa lý làm giáo viên phụ trách hướng nghiệp. Do không chuyên, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nên nhiều giáo viên không có thời gian tìm hiểu tình hình thực tế, không nắm bắt được những ngành nghề mà xã hội đang cần để hướng nghiệp cho học sinh.

Thầy Nguyễn Thiện Tâm, giáo viên Hóa học Trường THPT Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), băn khoăn công tác hướng nghiệp trong trường học đang gặp phải rất nhiều hạn chế. Với mục tiêu có thật nhiều học sinh đậu đại học, cao đẳng, nhà trường rất ít khi hướng cho các em học nghề tại các trường nghề. Mặt khác, trong khi thị trường lao động các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc cần một lượng lớn lao động lành nghề thuộc lĩnh vực điều dưỡng, y tá, xây dựng cơ bản, điện, công nhân cầu đường, thậm chí là “osin” cao cấp thì trong nước, học sinh lại đổ xô đi học kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán để đến khi ra trường thất nghiệp hàng loạt.

Với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 15% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các trường nghề, nhằm đào tạo  đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh công nghiệp, Sở GD-ĐT, Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng những đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hướng nghiệp, đào tạo nghề. Tuy nhiên, kết thúc năm học 2013-2014, tỷ lệ này mới đạt 5%.

Thầy Từ Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), thừa nhận công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn theo phong trào, làm cho có chứ chưa được coi trọng. Giáo viên mới chỉ cung cấp kiến thức, giáo dục đạo đức cho học sinh chứ chưa hướng nghiệp một cách đúng hướng, tận tâm, có trách nhiệm. Chính cách hướng nghiệp nửa vời đó của giáo viên làm cho học sinh không định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, chọn ngành nghề theo cảm tính.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh không mấy mặn mà với học nghề như hiện nay là do chương trình học của Bộ GD-ĐT còn nặng; tâm lý của phụ huynh, học sinh muốn học THPT để học đại học chứ không muốn học nghề; đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở các trường không được đào tạo qua trường lớp, thiếu kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp; học sinh chưa tìm hiểu, chưa ý thức được mục tiêu, ngành nghề trong tương lai và các trường nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp, giúp học sinh, phụ huynh định hướng rõ ràng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai chứ không chạy theo bằng cấp như hiện nay.

Hạnh Dung

 

 

 

 

  

Tin xem nhiều