Báo Đồng Nai điện tử
En

Đỏ mắt tìm lao động có trình độ

12:05, 19/05/2015

Nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang khát lao động có trình độ và kỹ năng làm việc thực tế. Để có được nguồn nhân lực như mong muốn, DN phải lùng sục khắp nơi.

Nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang khát lao động có trình độ và kỹ năng làm việc thực tế. Để có được nguồn nhân lực như mong muốn, DN phải lùng sục khắp nơi.

Theo ông Yoshihisa Sugioka, cán bộ nhân sự của Công ty TNHH thiết bị y tế Việt Nam Creat Medic (Khu công nghiệp Amata), trong khi việc tuyển dụng lao động phổ thông tỏ ra khá thuận lợi thì việc tuyển dụng lao động có trình độ, đáp ứng được nhu cầu thực tế lại là một khó khăn.

* Hiếm lao động chất lượng

Ông Yoshihisa Sugioka cho biết trong việc tuyển dụng lao động có trình độ và khả năng làm việc ngay, DN không thể ngồi một chỗ mà có được như với tuyển dụng lao động phổ thông. Tuy nhiên, ngay cả khi vất vả tuyển được những sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, thậm chí là tốt nghiệp loại khá giỏi rồi cũng không thể sử dụng được ngay, mà còn phải tốn nhiều công sức đào tạo lại cho phù hợp với công việc của công ty.

Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) là doanh nghiệp đầu tiên tại Đồng Nai triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) là doanh nghiệp đầu tiên tại Đồng Nai triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để giải được bài toán thiếu lao động trình độ, nhiều DN không chỉ tìm đến với các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức, mà đã chủ động đến các đơn vị đào tạo trong và ngoài tỉnh để tuyển dụng. Đại diện Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) cho biết, hiện nay công ty đã tự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển mạnh nên công ty phải đi tuyển dụng ở nhiều trường để tìm ra những sinh viên tiềm năng, tuy vẫn đào tạo lại nhưng tốn ít thời gian hơn.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý II-2015 là trên 20 ngàn người, trong đó nhu cầu lao động có trình độ trung cấp đến đại học khoảng 5 ngàn người. Cả đơn vị đào tạo, người học, người tìm việc và DN đều đang gặp khó vì nhiều DN hiện nay tuyển dụng không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn của chính DN đó, mà còn phải đáp ứng được điều kiện của đối tác đặt hàng.

Theo ông Lâm Thanh Thu, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, mỗi phiên giao dịch việc làm được tổ chức, nhu cầu tuyển dụng lao động là công nhân kỹ thuật thường chiếm khoảng 20%, lao động trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 10% (trung bình khoảng  100 - 150 lao động). Cuối mỗi phiên giao dịch, DN thường nhận được nhiều hồ sơ của các ứng viên có trình độ đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, khi tiến hành phỏng vấn trực tiếp thì số người đáp ứng được các điều kiện của DN lại rất thấp, nguyên nhân là do ứng viên thiếu kỹ năng làm việc thực tế, kỹ năng giao tiếp yếu, nhất là kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành phần lớn ứng viên không có, hoặc có thì cũng rất “lơ mơ”.

* Khi nào hết thiếu?

Cách đây không lâu, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo giới thiệu về những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các đơn vị dạy nghề và các DN. Đã có rất đông lãnh đạo các đơn vị đào tạo tới dự, nhưng lại chỉ có khoảng 15 DN có mặt, mặc dù trước đó ban tổ chức buổi hội thảo đã gửi thư mời tới hơn 40 DN. Tại buổi hội thảo này, những lời chào mời để tìm cơ hội giữa DN và đơn vị đào tạo được đưa ra chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều DN không đủ kiên nhẫn để ngồi dự hết buổi hội thảo.

Doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng sinh viên mới ra trường tại Trường đại học Lạc Hồng.
Doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng sinh viên mới ra trường tại Trường đại học Lạc Hồng.

Mỗi năm các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở Đồng Nai cấp bằng tốt nghiệp cho trên 10 ngàn sinh viên. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng được nhu cầu của DN vẫn là một vấn đề rất nan giải. Thực tế, có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo, thậm chí còn phải cất bằng đại học để đi làm công nhân. Anh Vũ Văn Hạnh tốt nghiệp khoa công nghệ ô tô của Trường đại học công nghệ Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi có đến Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai để tìm việc, nhưng không có DN sản xuất ô tô nào tuyển dụng. Lần trước tôi có đến một DN sửa chữa ô tô, họ từ chối tuyển dụng sau khi biết tôi có bằng cao đẳng công nghệ ô tô nhưng không biết lái ô tô”.

Trong khi DN thiếu nhân lực có trình độ thì nhiều trường đại học, cao đẳng đang khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp đã và đang “chết lâm sàng” dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Theo ông Shinya Inouse, chuyên gia đào tạo nhân lực của Công ty Support Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành), vấn đề chính là nhà trường phải hiểu được DN đang cần lao động ở những lĩnh vực nào, yêu cầu trình độ ra sao để từ đó có hướng đào tạo cho sát. Nếu nhà trường không đào tạo đúng hướng, đồng thời cải thiện được chất lượng đào tạo thì nhân lực tốt nghiệp hàng năm rất lớn nhưng không sử dụng được.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều