Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỷ lệ bảo hiểm y tế thấp: Vì sao?

11:05, 10/05/2015

Đồng Nai là tỉnh kinh tế phát triển với thu nhập đầu người khá, nhưng hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) còn thấp, mới đạt gần 63%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 71,4%.

Đồng Nai là tỉnh kinh tế phát triển với thu nhập đầu người khá, nhưng hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) còn thấp, mới đạt gần 63%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 71,4%.

Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lê Ngọc Mai cho biết hiện Đồng Nai có trên 1,8 triệu người tham gia BHYT, đạt gần 63%. Để đạt được chỉ tiêu của HĐND tỉnh là 70% dân số có thẻ BHYT vào cuối năm 2015, gần 7 tháng còn lại của năm phải tăng thêm trên 200 ngàn người tham gia BHYT.

* Còn nhiều thách thức

Theo bà Mai, hiện nay người dân chưa có thói quen mua BHYT để phòng rủi ro, đặc biệt là vùng nông thôn, mà nhiều trường hợp bị đau ốm, bệnh tật, thậm chí bệnh nặng mới tham gia BHYT. Bên cạnh đó, thực hiện Luật BHYT mới bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, trong khi nhiều gia đình chỉ ưu tiên mua BHYT cho người già, người có bệnh mãn tính. Do đó, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện có chiều hướng giảm. Hiện có gần 253 ngàn người tham gia BHYT tự nguyện (chiếm 14% số người tham gia BHYT trong toàn tỉnh).

Hiện nay, nhiều gia đình chỉ ưu tiên mua thẻ bảo hiểm y tế cho người già hoặc người có bệnh mãn tính.  Trong ảnh: Người dân, trong đó có nhiều người cao tuổi chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Hiện nay, nhiều gia đình chỉ ưu tiên mua thẻ bảo hiểm y tế cho người già hoặc người có bệnh mãn tính. Trong ảnh: Người dân, trong đó có nhiều người cao tuổi chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Một thách thức nữa phải kể đến là từ đầu năm 2015 đến nay, việc giảm gần 130 ngàn người được cấp thẻ từ kinh phí của Nhà nước đã làm tăng đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Do các đối tượng này chủ yếu là người nghèo đã thoát nghèo, người dân tộc thuộc các xã không còn trong diện xã đặc biệt khó khăn. Đây là nhóm đối tượng khó khai thác nhất do thu nhập thấp. Bên cạnh đó, số công an, quân đội và thân nhân sĩ quan thường trú trên địa bàn đông nhưng hiện cơ quan bảo hiểm xã hội không nắm được số lượng này để tổng hợp.

Luật BHYT mới không cho khám trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, các phòng khám đa khoa, các trung tâm y tế có chức năng khám, chữa bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT. Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, quy định về khám trái tuyến hiện nay còn bất cập, như: công nhân làm việc ở TP.Biên Hòa, mua BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh ở TP.Biên Hòa, nhưng khi về nhà ở huyện Nhơn Trạch bị bệnh đi khám ở huyện không được hưởng BHYT khiến người dân không thoải mái khi tham gia. Đồng thời, chất lượng khám, chữa bệnh tại một số trạm y tế xã còn hạn chế, vẫn còn tình trạng thiếu bác sĩ và yếu nên ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh BHYT.

* Chú trọng khai thác trọng điểm

Một trong những giải pháp trọng tâm mà Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của tỉnh đưa ra là xác định đối tượng trọng điểm để khai thác trong năm 2015. Trong đó, có 3 đối tượng tiềm năng cần tập trung khai thác, gồm: lao động ngoài quốc doanh, hộ gia đình và học sinh, sinh viên. Theo đó, sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về BHYT, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không mua BHYT cho người lao động. Đồng thời, giao chỉ tiêu về thu, phát triển đối tượng tham gia BHYT cho UBND cấp huyện.

Tại buổi khảo sát tại Đồng Nai mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đã lưu ý Đồng Nai bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cần phát triển mạnh mạng lưới cộng tác viên bán BHYT ở các xã, phường; tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã trong vận động người dân tham gia BHYT; đơn giản các thủ tục hành chính để người dân tham gia. Song song đó, cần tính toán các giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng còn khó khăn để người dân có điều kiện mua thẻ BHYT.

 Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí thuộc phần phải đóng BHYT cho người cận nghèo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, phân tích: “Thực tế việc phát triển BHYT ở các tỉnh, thành phát triển khó hơn các tỉnh nghèo, vì các tỉnh này đã chi ngân sách mua thẻ cho người nghèo. Cần hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo nhưng mức hỗ trợ là bao nhiêu phải tính toán, cân nhắc lại chứ nếu hỗ trợ 100% là không công bằng”.

Ông Trần Trung Thuận, cán bộ phụ trách y tế học đường của Sở GD-ĐT, chia sẻ một trong những trở ngại lớn nhất trong vận động phụ huynh mua BHYT cho con em họ chính là chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã. Phụ huynh thắc mắc việc bắt buộc mua BHYT cho học sinh tại trạm y tế phường, xã và đề nghị xem xét cho học sinh, sinh viên được lựa chọn nơi khám, chữa bệnh có chất lượng và thuận lợi hơn.

Ngọc Thư

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích