Báo Đồng Nai điện tử
En

Chật vật tìm việc

12:06, 23/06/2015

Là tỉnh công nghiệp phát triển, Đồng Nai luôn có với nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường lại phải chật vật tìm việc làm ổn định...

Là tỉnh công nghiệp phát triển, Đồng Nai luôn có với nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều sinh viên ra trường lại phải chật vật tìm việc làm ổn định, nguyên nhân chính là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN). 

Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 được thực hành trên thiết bị hiện đại do doanh nghiệp tài trợ.
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 được thực hành trên thiết bị hiện đại do doanh nghiệp tài trợ.

Anh Bùi Văn T. (ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) nhận bằng y sĩ tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai từ giữa năm 2011, thế nhưng đã 4 năm trôi qua anh vẫn chưa tìm được việc làm. Anh T. tỏ ra rất thất vọng về cơ hội việc làm đối với nghề mình đã học, song anh cho biết mình không phải là trường hợp duy nhất tốt nghiệp rồi thất nghiệp.

* Chật vật tìm việc

Anh T. không nhớ nổi đã bao nhiêu lần cầm hồ sơ đi xin việc ở các bệnh viện trong thời gian 4 năm qua, nhưng lần nào cũng thất bại. Có bệnh viện nhận hồ sơ rồi cho biết sẽ liên lạc lại nếu cần, nhưng có bệnh viện đã từ chối anh thẳng thừng vì từ lâu không còn tuyển y sĩ nữa. Trong thời gian chờ đợi tìm được việc làm chính thức, anh T. phải tranh thủ đi phụ việc cho một phòng khám tư để có tiền trang trải cuộc sống. “Nhiều người khuyên tôi nên học liên thông lên cao đẳng cho dễ xin việc, nhưng tôi cảm thấy chẳng có gì đảm bảo là  học cao sẽ dễ xin việc hơn” - anh T. nói.

Có tấm bằng đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng loại khá thế nhưng chị Nguyễn Thị Thu V. (quê ở Đắk Lắk) cũng lâm vào cảnh “vật vã tìm việc”. Chị V. bày tỏ: “Tôi rất muốn tìm được việc làm đúng với chuyên môn đã được học để không uổng phí công sức 4 năm ăn học, tuy nhiên điều này quá khó”. Chị V. cho hay, ngân hàng tuyển dụng liên tục nhưng quy trình tuyển quá khắt khe, đặc biệt lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm và mối quan hệ khách hàng rộng nên chị không qua nổi vòng phỏng vấn. Hiện tại chị V. làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị tại phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa), nhưng hàng ngày vẫn kiên trì vào website của các ngân hàng để  “săn” việc.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện đang xảy ra tình trạng “lệch pha” trong tuyển dụng lao động. Trong khi lao động có trình độ cao đẳng đến đại học khối kỹ thuật đang thiếu trầm trọng thì khối ngành kinh tế, xã hội lại dư thừa, khó kiếm việc làm. Bên cạnh nguyên nhân bão hòa lao động có trình độ đại học, cao đẳng khối kinh tế, xã hội do một thời mọi người đổ xô vào học, thì chất lượng của sinh viên do các trường đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu của DN cũng khá phổ biến. Thậm chí nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm đúng chuyên môn đã buộc phải cất bằng trong tủ để đi làm công nhân.

* Tìm ‘chất” gắn kết doanh nghiệp

Tình trạng sinh viên ra trường khó tìm việc làm có thể sẽ còn tiếp diễn nếu như việc cấp phép đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng còn quá dễ dàng. Tình trạng mạnh trường nào trường nấy tuyển sinh, trường có gì đào tạo nấy, thiếu sự gắn kết với DN trong quá trình đào tạo cũng sẽ dẫn tới tình trạng trường đào tạo ra còn DN thì từ chối tiếp nhận vì nhân lực không đạt chuẩn. Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng gia đình cần sâu sát hơn với việc định hướng nghề nghiệp chứ không để con em mình “tự bơi”, hoặc chạy theo những nghề thời thượng đến khi học xong có thể nghề đó lại bão hòa, dư thừa dẫn đến thất nghiệp.

Nhiều ngành đào tạo thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang được nhiều trường ồ ạt mở và tuyển sinh đào tạo, dự báo sẽ bão hòa chỉ trong vài năm tới. Chỉ riêng 3 ngành là: xét nghiệm y học, dược học, điều dưỡng ở Đồng Nai đã có tới 5 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh với số lượng lên cả ngàn sinh viên. Ngoài ra, nhiều trường tại TP.Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh các ngành nói trên tại Đồng Nai. Điều đáng lưu ý, đây đều là những ngành có mức học phí rất cao, từ 20-30 triệu đồng/năm học.

Ông Vũ Xuân Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng DN là kênh chủ yếu tiếp nhận nguồn nhân lực do các trường đào tạo ra, do đó các trường phải tìm “chất” hữu hiệu nhất để gắn kết với doanh nghiệp, đó chính là chất lượng đào tạo, để sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng không được 100% thì cũng phải được từ 70-80% yêu cầu về tay nghề của DN.

Còn TS.Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành), cho rằng con đường để đưa sinh viên vào DN chỉ có thể bằng chất lượng đào tạo. Do đó cần phải lắng nghe DN yêu cầu, nghe DN góp ý để đào tạo đúng hướng. Ông Hiền cho biết từ kinh nghiệm gắn kết thực sự với DN trong đào tạo, đến nay trường đã xây dựng được chuẩn chương trình đào tạo ở các ngành, chuẩn đầu ra của sinh viên. Đặc biệt, không chỉ nhận được đơn đặt hàng đào tạo của DN, mà nhà trường còn nhận được sự hỗ trợ về thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy lên tới tiền tỷ của DN. “Sinh viên chúng tôi đào tạo ra đều có địa chỉ tiếp nhận sẵn chứ không có chuyện đào tạo ra các em đi đâu, làm gì mình không hay biết” - ông Hiền khẳng định.

Công Nghĩa  

 

 

 

 

Tin xem nhiều