Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ công nhân thời hội nhập

11:03, 07/03/2016

Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội  nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức đối với đội ngũ công nhân, trong đó có nữ công nhân lao động khi mà tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ hiện chưa cao.

Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội  nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức đối với đội ngũ công nhân, trong đó có nữ công nhân lao động khi mà tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ hiện chưa cao.

Để đáp ứng yêu cầu thời hội nhập, nữ công nhân lao động không còn cách nào hơn là nhận thức sâu sắc về “chén cơm” của chính mình để chủ động trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp và các kỹ năng phục vụ tốt hơn yêu cầu công việc…

* Chủ động học tập và rèn luyện

Kinh tế gia đình không ổn định, năm 2002 chị Hồ Nhục Lìn xin vào làm việc tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Những ngày đầu, chị Lìn được phân công làm phụ may và học việc. Vài tháng sau đó chị Lìn mới được công ty chính thức giao việc may theo công đoạn. Sau 6 năm làm việc chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và duy trì cho tới hôm nay. Chị Hồ Nhục Lìn chia sẻ: “Thành quả này không tự nhiên mà có, bản thân tôi phải nỗ lực rất nhiều trong công việc. Mỗi lần công ty tổ chức thi nâng bậc tay nghề, tôi đều tham gia như một hình thức để rèn luyện tay nghề của mình cũng như học hỏi thêm từ những chị em công nhân có tay nghề cao khác”.

Nữ công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc.
Nữ công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc.

Đặc biệt, chị Lìn còn là công nhân có nhiều sáng kiến góp phần làm lợi cho doanh nghiệp. Sáng kiến gần đây nhất là rút ngắn thời gian may dây kéo từ 150 giây xuống còn 110 giây/dây kéo. Chị Lìn nhận thấy khi may dây kéo, công nhân phải tự đánh dấu rồi mới may, rất mất thời gian nên chị đã có ý tưởng điều chỉnh bản thiết kế để máy tự đánh dấu lên dây kéo theo kích thước mong muốn và công nhân chỉ căn cứ vào dấu đó để may.

Để công nhân lao động, trong đó có nữ công nhân lao động đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh, không có cách nào hay hơn là  bản thân mỗi công nhân lao động phát huy nội lực, biến áp lực trở thành động lực, biến thách thức thành cơ hội để bản thân không trở thành người tụt hậu, đứng ngoài sân chơi lớn.

Đã 8 năm sau niềm vui được nhận danh hiệu “Công nhân ưu tú” của công ty, nhưng chị Nguyễn Thị Mai Ly, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa)), vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên. Chị Mai Ly cho biết, xuất phát điểm của chị rất thấp, lúc mới bước vào công ty chị chưa hề biết may. Nhờ có chị em trong công ty dìu dắt và sự nỗ lực của bản thân, tay nghề may của chị được nâng lên đáng kể. Chị Mai Ly tâm niệm ngoài trình độ tay nghề, điều mà bản thân chị cần có là rèn luyện tác phong công nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong thời hội nhập. Đến công ty đúng giờ quy định, chị Mai Ly còn luôn làm việc tập trung vừa giúp công ty hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn, vừa giúp chị có thêm thu nhập, có khả năng chịu áp lực cao.

* Biến áp lực thành động lực

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nữ công nhân lao động Việt Nam, trong đó có nữ công nhân lao động ở Đồng Nai sẽ có cơ hội việc làm lớn hơn.Tuy nhiên, phần lớn nữ công nhân lao động Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận cơ hội do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ… chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế; khả năng thích ứng với những thay đổi công việc còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, phụ trách công tác nữ công, cho biết phần đông nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp có mức thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. “Nói đến vấn đề hội nhập trong nữ công nhân lao động tôi thấy đáng lo hơn đáng mừng. Bởi, xuất phát điểm của chị em không cao; vấn đề cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày đè nặng đôi vai khiến chị em ít để tâm đến chuyện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ… Chưa kể trong số đó, có một bộ phận nữ công nhân lao động có tư tưởng an phận, ngại học, ngại trau dồi kiến thức, kỹ năng” - bà Phước Mạnh nói.

Theo báo cáo của các Công đoàn cấp trên cơ sở, từ phong trào thi đua năm 2014 đã có trên 42 ngàn lao động nữ đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Chị Phạm Thị Linh, Kế toán trưởng Xí nghiệp vật liệu xây dựng và dịch vụ (Công ty cổ phần Sonadezi An Bình), có 11 năm gắn bó với công việc kế toán, cho rằng bản thân công nhân lao động, trong đó có nữ công nhân phát huy nội lực là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cơ quan có thẩm quyền, chủ doanh nghiệp, Công đoàn trong việc tạo điều kiện, cơ hội để nữ công nhân học tập, làm việc, cống hiến và thực hiện tốt chức năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Trong đó, đối với các cơ quan cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nữ công nhân lao động nhằm khuyến khích nữ công nhân học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ…

Riêng với các cấp Công đoàn, cần làm tốt hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội đối với lao động nữ, từng bước tạo điều kiện để nữ công nhân ổn định về nhà ở, thu nhập, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Trong từng doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở trong quá trình xây dựng thỏa ước lao động tập thể cần quan tâm chú ý đến điều khoản riêng, có lợi hơn cho phụ nữ.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều